Hạnh phúc giản đơn

00:00 - Thứ Bảy, 07/03/2015 Lượt xem: 1408 In bài viết
Normal 0 false false false false EN-US X-NONE X-NONE /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-priority:99; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt; mso-para-margin:0cm; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Calibri","sans-serif"; mso-bidi-font-family:"Times New Roman";} ĐBP - Nhân kỷ niệm ngày “Quốc tế Phụ nữ”, xin kể với các bạn câu chuyện về một hạnh phúc bình dị mà tôi được biết. Số là sau 3 năm dùi mài kinh sử, Thanh tốt nghiệp ra trường với tấm bằng cao đẳng sư phạm loại khá. Trở về địa phương, cô được bố trí giảng dạy ở một trường trung học cơ sở cách nhà gần 200 cây số.

Mẹ Thanh khuyên Thanh không nhận công tác, bởi bà thương cô thân gái chân yếu tay mềm, mà trường lại ở mãi vùng biên giới xa xôi chẳng biết tương lai rồi sẽ ra sao? Nhưng bố Thanh lại nghĩ khác, ông bảo: “Xa xôi thì đúng rồi, nhưng hàng trăm, hàng nghìn người như thế chứ đâu chỉ riêng mình. Tuổi trẻ là phải xông pha cho nó mạnh dạn, người có chí hướng thì ở đâu cũng phát triển được!”. Sau gần một tuần đấu tranh tư tưởng, Thanh quyết định đi nhận công tác. Hôm tiễn cô lên đường, mẹ cô cố gắng không khóc trước mặt con. Còn bố cô, vẫn bằng những lời lẽ khích lệ, ông nói ngắn gọn: “Bố tin vào nghị lực của con, nhất định con sẽ thành công. Có điều, nhớ giữ gìn sức khoẻ. Mai mốt bố sẽ lên thăm”.

Tiếng là vùng biên giới, nhưng nơi trường Thanh đóng là một địa điểm ở trung tâm cụm xã. Bên cạnh trường trung học cơ sở còn có một đơn vị bộ đội, một cung giao thông, một trạm viba của ngành bưu điện. Quay đi ngoảnh lại, một năm học kết thúc kể cũng nhanh. Hè ấy, cái hè đầu tiên của cuộc đời giáo viên, Thanh đem theo về thành phố Điện Biên cả một anh công nhân giao thông da ngăm đen và hiền như đất. Theo lời giới thiệu của Thanh thì chàng trai ấy tên là Bình, bạn rất thân với Thanh. Kỳ nghỉ hè năm sau, đám cưới của họ được tổ chức một cách tằn tiện. Mẹ Thanh không hẳn đã hoàn toàn ưng ý, nhưng bố Thanh thì nói: “Công nhân giao thông cũng tốt. Bà chẳng vẫn bảo người ta “Nếu phải duyên nhau xa cũng hợp” là gì? Miễn sao chúng nó ăn ở tử tế cho trọn nghĩa vợ chồng...”.

Bây giờ, sau gần 20 năm chung sống họ đã có với nhau 2 con; cháu lớn đang học năm thứ 2 đại học ngoại thương, còn cháu nhỏ vừa tốt nghiệp trung học phổ thông với 52 điểm. Cô Thanh đã học tiếp lên đại học và chuyển ra dạy ở một trường trung học phổ thông ngoài huyện, làm tổ trưởng tổ xã hội. Anh Bình cũng thế, được cơ quan cho đi học trung cấp giao thông, hiện đang là hạt trưởng một hạt giao thông. Nói về hạnh phúc của họ, ông Đoàn (bố cô Thanh) mãn nguyện lắm: “Tôi đã bảo mà, ngày ấy tổ chức người ta điều con Thanh lên Mường Lay, cũng là “ý giời” xui khiến cả đấy!”. Mẹ Thanh thì cười, những giọt nước mắt hạnh phúc nhẹ lăn trên đôi gò má xương xương. Hàng xóm ai cũng bảo: “Mấy năm nay bà ấy trẻ ra đến vài tuổi. Không gì bằng con cháu yên bề gia thất, công tác tiến bộ. Tôi cũng chỉ mong được như bà ấy thì chết cũng mãn nguyện lắm rồi!”.

Đó là một hạnh phúc giản đơn như: “Râu tôm nấu với ruột bầu // Chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon”. Râu tôm và ruột bầu là 2 thứ phế phẩm, không có trong thực đơn của con người; ấy vậy mà nhà nọ “chồng chan, vợ húp”, lại còn “gật đầu khen ngon” nữa. Có gì đâu, vì họ thưởng thức món ăn không phải bằng vị giác, mà bằng con tim -  những con tim chung nhịp đập cảm thông, chung niềm vui hạnh phúc lứa đôi. Trên vùng biên giới vắng vẻ, chính tình yêu đã gắn kết họ với nhau, tạo thêm động lực tinh thần giúp họ yên tâm trụ vững và công tác tốt hơn. Bằng chứng là sau này, cả hai cơ quan đều đã quan tâm và tin tưởng, tạo điều kiện cho họ tiếp tục học lên.

Xin lưu ý đây là tình yêu thời bao cấp, có người gọi “tình yêu thời tem, phiếu, vé”. Cái thời mà đất nước còn nghèo lắm, đời sống công chức gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ở những vùng biên giới xa xôi. Ngày ấy, tôi nhớ đám cưới nào cũng có khẩu hiệu “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”, có đám còn giăng đôi câu đối phẩm điều: “Hạnh phúc non sông hạnh phúc nhà // Thắm tình đất nước thắm tình ta”. Hôn lễ đơn giản với mấy cái kẹo trần và bao thuốc lá Trường Sơn, nhưng thường có thủ trưởng cơ quan phát biểu như trong hội nghị phát động thi đua; thủ trưởng căn dặn cô dâu chú rể phải công tác tiến bộ, đạt nhiều thành tích hơn nữa. Tuy nhiên, chính những điều rất đỗi bình thường ấy đã làm nên một thế hệ phụ nữ, làm nên một thời đại với đóng góp của những người vợ tảo tần mưa nắng, gánh vác công việc để những người chồng yên tâm ra trận.

Hạnh phúc của họ được văn chương gói gọn trong 8 chữ: “Một mái nhà tranh, hai trái tim vàng”. Người vợ cũng như người chồng, cả hai đều tự nguyện chấp nhận, tự giác hy sinh vì hạnh phúc là sự dâng hiến, sự cho đi. “Chồng em áo rách em thương // Chồng người áo gấm xông hương mặc người”. Cho dù áo rách thì vẫn là áo của chồng em và thế là em thương. Người ta không những áo lành mà còn bằng gấm, thậm chí xông hương cho áo có mùi thơm, nhưng đấy là áo của chồng người. Khi người ta bằng lòng thì tự thấy nhẹ nhõm, tránh được những dằn vặt, mặc cảm, khổ đau...

Bích Nguyệt
Bình luận
Back To Top