Lao động “chui” sang Trung Quốc:

“Thiên đường” đến từ... miệng người quen

00:00 - Thứ Hai, 16/03/2015 Lượt xem: 1321 In bài viết
Normal 0 false false false false EN-US X-NONE X-NONE /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-priority:99; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt; mso-para-margin:0cm; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Calibri","sans-serif"; mso-bidi-font-family:"Times New Roman";} ĐBP - Hoàn cảnh gia đình khó khăn, địa phương thiếu đất sản xuất, khát vọng thoát ly để đổi đời hay chỉ đơn giản là suy nghĩ muốn khám phá, trải nghiệm cuộc sống mới của tuổi trẻ… là lý do mà những người quyết định rời bỏ quê hương, xuất khẩu lao động “chui” sang Trung Quốc nêu ra. Tuy nhiên, đằng sau những lý do này là một thực trạng tiềm ẩn những hệ lụy xấu cho xã hội.

Những lưu manh “ở lâu lên lão làng”

Đã có rất nhiều câu chuyện cảnh báo, những bài học để rút kinh nghiệm, thậm chí là những hậu quả đớn đau về số phận mong manh của những con người đang “bán nhiều thứ” nơi xứ người, được các phương tiện thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương liên tục đưa lên, lực lượng công an đã vào cuộc. Tuy nhiên cho đến nay, trên địa bàn tỉnh ta, tình trạng người dân ở một số địa phương rủ nhau trốn sang Trung Quốc làm thuê vẫn tiếp tục diễn ra. Tình trạng này đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là sau dịp tết Nguyên đán. Thiếu tá Cao Tiến Dũng, Phó Thủ trưởng cơ quan An ninh – Điều tra (ANĐT), Công an tỉnh Điện Biên cho biết: Chỉ trong một thời gian ngắn, những ngày đầu tháng 3/2015, lực lượng ANĐT, Công an tỉnh phối hợp với Công an huyện Tuần Giáo đã tổ chức điều tra, đón lõng và bắt tổng số 115 người thuộc địa bàn các xã: Búng Lao, Ẳng Tở, huyện Mường Ảng; Chiềng Sinh, Chiềng Đông, huyện Tuần Giáo đang có hành vi trốn sang Trung Quốc lao động trái phép. Toàn bộ số người này được lực lượng công an phân loại, xác minh lai lịch. Qua quá trình điều tra, làm rõ thì 115 người này (trong đó có cả trẻ chưa đủ tuổi thành niên) chia thành 7 nhóm với 10 đối tượng cầm đầu; thu giữ số tiền 23 triệu 743 nghìn đồng của nhóm cầm đầu. Số đối tượng cầm đầu này được đưa về trụ sở Công an tỉnh để tiếp tục đấu tranh, khai thác. Kết quả ban đầu theo lực lượng ANĐT, Công an tỉnh thì cả 10 đối tượng cầm đầu tổ chức đưa người đi lao động trái phép đều là người địa phương, có mối quan hệ họ hàng hoặc hàng xóm với những người (bước đầu được xác định là bị hại) còn lại trong 7 nhóm người. Cơ quan an ninh điều tra đã tiến hành khởi tố 3 vụ với 2 đối tượng: Lò Văn Kiêm (SN 1993), trú tại bản Kép và Ngô Đình Nhiệm (SN 1990), trú bản Chiềng An cùng xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo về tội “Tổ chức người khác trốn ra nước ngoài” theo quy định tại Điều 275 - Bộ Luật Hình sự. Cơ quan Công an vẫn tiếp tục đấu tranh khai thác, hoàn thiện hồ sơ để đưa ra khởi tố 2 vụ với 3 đối tượng trong nhóm với cùng tội danh trên.

Ở nhiều bản làng yên bình của huyện Mường Ảng, không ít người nhẹ dạ cả tin xuất khẩu lao động “chui” sang Trung Quốc với viễn cảnh có thu nhập cao.

Khai nhận tại cơ quan điều tra, các đối tượng thừa nhận: Lúc đầu họ cũng là người bỏ trốn sang Trung Quốc lao động trái phép. Đa số đều phải làm việc rất vất vả (14 đến 16 tiếng/ngày), chịu không ít khổ cực, thậm chí bị khống chế, đánh đập hoặc tệ hơn nữa là lao động nữ bị bán vào nhà chứa làm gái mại dâm (phần lớn lao động khi xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê không có hợp đồng lao động; chủ lao động người Trung Quốc không trả đủ lương như đã hứa hẹn từ 5 đến 8 triệu đồng/tháng mà chỉ trả 1/3 hoặc 1/2 số tiền này). Sau thời gian lao động đủ để chủ người Trung Quốc tin tưởng, một số người được hứa hẹn sẽ trả đủ lương và cho về địa phương “nghỉ phép” nhưng với điều kiện là phải tìm được người ở quê đưa sang Trung Quốc làm. Mỗi người mà các đối tượng đưa sang thành công sẽ được chủ phía Trung Quốc trả cho 50 nhân dân tệ (tương đương khoảng 175.000 đồng). Có đối tượng đã nhiều lần đưa người sang thành công và được hưởng đủ lương và “hoa hồng”. Những người tại địa phương bị dụ dỗ còn phải nộp số tiền từ 2 đến 3 triệu đồng cho các đối tượng để được đi “lao động xuất khẩu”. Cứ như vậy, từ người nông dân chân chất ban đầu bơ vơ sang xứ người bán sức vì tiếc số tiền, công sức đã bỏ ra và mối lợi trước mắt đã dần dần tha hóa những con người này, khiến họ trở thành công cụ đắc lực để đẩy chính những người thân quen, hàng xóm láng giềng vào con đường tăm tối, cùng cực. Càng ở lâu, dụ dỗ được nhiều người càng được nhiều tiền, được “thăng cấp môi giới”, họ trở nên lọc lõi và thành những kẻ lưu manh buôn người từ lúc nào không biết.

Bà Lường Thị Hao vẫn trông ngóng tin tức của con gái đã sang Trung Quốc hơn một năm nay.

Cần sự tỉnh ngộ của mỗi người

Ngay sau khi tổ chức ngăn chặn, vây bắt và khởi tố nhóm tổ chức người khác trốn ra nước ngoài, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã có công văn đề nghị UBND các huyện, thị, thành phố, đặc biệt là những huyện có nhiều người xuất cảnh sang Trung Quốc như: Nậm Pồ, Tuần Giáo, Mường Ảng tăng cường quản lý địa bàn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân yên tâm sinh sống tại địa phương, chấp hành nghiêm quy định pháp luật Nhà nước, không để kẻ xấu lợi dụng dụ dỗ đưa ra nước ngoài bất hợp pháp. Ngày 6/3/2015, UBND huyện Mường Ảng đã ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan, ban ngành đoàn thể và UBND các xã thị trấn về tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân không trốn đi nước ngoài lao động trái phép, gây mất an ninh trật tự địa phương, ảnh hưởng trật tự biên giới và ảnh hưởng tới mối quan hệ 2 nước Việt Nam – Trung Quốc. Tuy nhiên, đến xã Búng Lao, huyện Mường Ảng những ngày này, từ lãnh đạo xã đến trưởng bản khi được hỏi: Vì sao người dân địa phương vẫn liên tục rủ nhau trốn sang Trung Quốc làm thuê bất chấp những tuyên truyền, cảnh báo? Chúng tôi đều nhận được trả lời với mở đầu bằng câu: “Cái này khó nói lắm!”.

Ông Lường Văn Bóng, Phó Chủ tịch UBND xã Búng Lao, huyện Mường Ảng cho biết: Có một thực tế ở Búng Lao là có những người sau khi đi lao động “chui” ở Trung Quốc về đã có tiền để sửa sang nhà cửa, mua sắm tài sản hoặc gửi tiền về phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, số tiền những người này kiếm được từ làm thuê hay từ những việc làm gì khác thì chính quyền không thể xác minh được. Địa phương đã tổ chức tuyên truyền để người dân hiểu việc xuất cảnh sang Trung Quốc làm thuê là trái pháp luật. Đồng thời, phối hợp với cơ quan chức năng nắm tình hình, ngăn chặn việc tổ chức đưa người trốn khỏi địa phương. Tuy nhiên, lợi dụng tập quán canh tác nương rẫy, những người này đóng giả là đi làm ở lại nương đến đêm là tổ chức đưa nhau đi. Búng Lao không phải là xã có tỷ lệ hộ lệ nghèo cao (dưới 30%) so với mặt bằng chung của tỉnh, cá biệt như bản Xuân Tre 2, tỷ lệ hộ nghèo chỉ chiếm 22% nhưng lại là bản có số người trốn đi Trung Quốc lao động trái phép đông nhất. Nguyên nhân được xác định là do người dân bị dụ dỗ và rủ rê nhau, với niềm tin làm việc nhàn hạ, lương cao.

Đó là tác động của chính quyền xã nhưng khi về đến bản (cấp cơ sở gần với người dân nhất) thì lại thiếu sự vào cuộc đồng bộ. Tại bản Xuân Tre 2 – bản có 19/115 người vừa được cơ quan công an phát hiện ngăn chặn xuất cảnh trái phép, khi nghe chúng tôi nói về sự việc này ông trưởng bản đã tỏ ra ngạc nhiên, không nắm được sự việc… còn người dân thì vẫn mơ hồ về những nguy cơ khi con em mình đang đánh đổi bằng cả tương lai, sức khỏe, thậm chí tính mạng nơi đất khách, quê người.

Ôm đứa cháu hơn 2 tuổi con chị Lò Thị Thinh, bản Nà Lấu Cang, xã Búng Lao, bà Lường Thị Hao, mẹ đẻ chị Thinh nước mắt lưng tròng: Mẹ nó (chị Lò Thị Thinh – PV) được một chị hàng xóm rủ sang Trung Quốc bán quần áo thuê từ tháng 1/2014. Lúc nó đòi đi, bố nó đã ngăn nhưng nó bảo “muốn có thêm tiền nuôi con để không dựa dẫm vào ông bà ngoại”. Ban đầu thỉnh thoảng còn thấy gọi điện về hỏi thăm con và có nói rằng “phải trốn ra khỏi khu làm mới nhờ người gọi điện về được”, tiền gửi về nuôi con thì chưa thấy đồng nào. Nghe đâu gần cuối năm vừa rồi còn bị công an Trung Quốc bắt, trục xuất về nước nhưng đến giờ vẫn chưa có liên lạc gì với gia đình. Trong khi chị hàng xóm vừa rồi về tết, gia đình tôi hỏi thăm thì được biết: 2 chị em lên đến cửa khẩu là mỗi người một nơi nên không nắm được. Trước khi quay lại Trung Quốc sau tết vừa rồi, chị ấy hẹn sang bên đó sẽ tìm cách liên lạc với con gái tôi… Bây giờ con tôi một mình thân gái nơi xứ người, không biết chữ, không người thân thích, không biết ngôn ngữ, không hiểu nó sẽ sống ra sao!

Nói rồi bà Hao lau nước mắt, hướng cái nhìn u buồn vào khoảng không, ngoài trời mây đen vần vũ báo hiệu một cơn giông đang kéo về…

Nguyệt Lãm
Bình luận
Back To Top