“Làng phong” ngày trở lại

00:00 - Thứ Sáu, 08/01/2016 Lượt xem: 2403 In bài viết
ĐBP - Khu điều trị bệnh nhân phong K10, thuộc Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh (đứng chân trên địa bàn xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo) là nơi duy nhất tiếp nhận điều trị và phục hồi chức năng cho bệnh nhân phong tại Điện Biên. Nơi đây trước kia được xem như một “làng” biệt lập, dành riêng cho bệnh nhân phong, mà trong ký ức chưa xa của nhiều người thì đó là “miền đất chết”. Cái chết không chỉ đến từ sức tàn phá kinh khủng của căn bệnh quái ác, mà còn bởi sự xa lánh, miệt thị của người đời và cuộc sống nghèo đói, lay lắt, mất niềm tin vào tương lai của chính bệnh nhân phong. Thế nhưng, hình ảnh “làng phong” trong ngày trở lại của tôi đã thật sự đổi khác...

Hồi sinh “miền đất chết”

Trở lại Khu điều trị bệnh nhân phong K10 vào một ngày trở lạnh cuối năm, tôi như đi giữa vùng đất quen thuộc mà lại mang trong mình cảm giác lạ lẫm, bỡ ngỡ… Không còn heo hút, cách trở như ngày nào, con đường trải bê tông sạch sẽ dẫn vào khu nhà ở của bệnh nhân khiến tôi bất giác ngỡ mình đi lạc. Vẫn là những đôi bàn tay không ngón, những đôi chân một nửa là gỗ, một nửa da thịt, nhưng chào đón chúng tôi hôm ấy không phải khuôn mặt khắc khổ, đen đúa trong mường tượng, mà là những nụ cười rạng rỡ.

Dự án khu điều trị bệnh phong K10 đang khẩn trương hoàn thành để người dân “làng phong” đón tết trong ngôi nhà mới.

Ngồi bên hiên một dãy nhà vừa được xây dựng còn thơm mùi sơn mới, bà Nguyễn Thị Văn tiếp chúng tôi bằng nụ cười hạnh phúc. Tôi còn nhớ như in ngày đầu gặp bà cách đây gần chục năm, với nỗi khắc khoải về một tương lai không mấy tươi sáng. Vậy mà trong lần gặp này, tôi lại có niềm tin chắc chắn vào một cuộc sống đã sang trang, cũng bằng chính những chia sẻ của người đàn bà có già nửa đời người sống, gắn bó với “làng phong”.

Vào Khu điều trị bệnh nhân phong K10 từ năm 1980, di chứng của căn bệnh phong quái ác khiến bà Văn phải cưa mất 1 chân. Với hoàn cảnh lúc ấy, bà chẳng còn lựa chọn nào khác nên đành ở lại, gắn bó với “làng phong”. Thế nhưng, bây giờ với bà thì đó lại là quyết định đúng. Không chỉ được bố trí đất để ở và canh tác, ở đây bà Văn đã gặp được một nửa của mình. Tình yêu đó đơm hoa kết trái bằng một mái nhà chung và 1 cậu con trai kháu khỉnh. Những năm tháng sau đó là chuỗi ngày dài cơ cực khi cả 2 vợ chồng, nhưng lại chỉ còn 1 đôi bàn chân, mà cuộc sống “cơm áo gạo tiền” mỗi ngày vốn đã đủ vất vả, giờ lại “gánh” thêm nỗi lo chuyện học hành của con. Với quyết tâm vượt qua số phận, nhờ sự hỗ trợ của tỉnh và các tổ chức xã hội từ thiện, vợ chồng bà Văn đã tạo dựng được cuộc sống cho mình, kinh tế không chỉ ổn định mà có phần sung túc hơn. Ngoài khoản lương hưu, mỗi tháng 2 vợ chồng bà còn nhận được hơn 2 triệu đồng tiền hỗ trợ dành cho bệnh nhân phong. Ngay cả chuyện học tập của cậu con trai tại Đại học ngân hàng, ông bà cũng hoàn toàn yên tâm vì đã có khoản tiền trợ cấp dành cho con em bệnh nhân.

Cùng với sự hỗ trợ tương tự về vật chất và tinh thần, nhiều bệnh nhân khác ở “làng phong” đã tự tạo dựng được cuộc sống ổn định. Họ không chỉ nuôi sống bản thân mà cả gia đình. Không ai còn nhận thấy sự khác biệt nào giữa “làng phong” và những vùng đất khác. Cũng những nương ngô, lúa, rau màu xanh tốt; những đàn trâu, bò, dê no tròn... Gần 20 mái nhà kiên cố của bệnh nhân phong sinh sống quần tụ, đoàn kết với nhau; mà trong số đó có 10 cặp vợ chồng kết hôn giữa bệnh nhân phong và người khỏe mạnh. Điều ấy chứng tỏ, “bức tường” kỳ thị ngày nào đã không còn. Gần 40 đứa trẻ của thế hệ tiếp nối sinh ra không chỉ phát triển lành lặn, khỏe mạnh, mà còn nhận được sự quan tâm hỗ trợ thông qua nhiều chương trình, chính sách; có trên 10 em đã, đang theo học tại các trường chuyên nghiệp, mà 3 trong số đó được bố trí công tác ngay tại Khu điều trị bệnh nhân phong.

Mặc dù vẫn nằm cách phía bên kia con suối không tên, nhưng “làng phong” không còn biệt lập, người ta đã thấy nhiều người ra – vào nhộn nhịp. Nông sản do chính bệnh nhân phong làm ra, được đem bán rộng rãi khắp nơi trong vùng, thậm chí có lái buôn vào tận nơi thu mua, đồng thời mang theo thức ăn, nhu yếu phẩm để trao đổi hàng ngày. “Trước đây, nhiều người vẫn gọi chúng tôi là người yếu thế trong xã hội, nhưng giờ thì khác rồi. Chúng tôi không những sống, mà còn sống mạnh mẽ hơn, đường hoàng hơn!” – ông Lò Văn Hóa, một bệnh nhân phong khác phấn khởi chia sẻ.

Cộng đồng tiếp sức

Nhiều người cho rằng, sự đổi thay ở “làng phong” là một điều kỳ diệu, nhưng với tôi đó là kỳ tích. Kỳ tích đến từ sự nỗ lực “vượt qua số phận” của chính những bệnh nhân phong, mà động lực là sự hỗ trợ, sát cánh và tiếp sức của cả cộng đồng. Có một người chưa bao giờ được nhắc đến, nhưng lại là người tâm huyết và đóng góp rất lớn trong việc kết nối các nguồn lực “tiếp sức” cho bệnh nhân phong, đó là Bác sỹ Trần Mạnh Tiến, Giám đốc Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh. Gần 20 năm gắn bó với Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội, cũng là ngần ấy thời gian ông lặn lội đi tìm và kết nối hỗ trợ từ khắp nơi cho những bệnh nhân của mình. Từ những thứ chỉ mang giá trị tinh thần, đến những món quà vật chất, như: quần, áo, chăn màn, nhu yếu phẩm, chân, tay giả… hay lớn hơn là các công trình, dự án đầu tư phục vụ đời sống, hỗ trợ sản xuất cho bệnh nhân, bằng ý niệm hết sức đơn giản: Điện Biên đã chính thức thanh toán bệnh phong từ năm 2004, nên giờ đây mục tiêu của chúng tôi không chỉ là chăm sóc, điều trị và phục hồi chức năng cho người bệnh, mà quan trọng hơn là phát triển kinh tế, giúp họ đảm bảo cuộc sống, xóa bỏ suy nghĩ ác ý trước nay của nhiều người là “lười như hủi”.

Với 38ha đất được tỉnh cấp, Trung tâm đã phân bổ, bố trí đất ở, đất sản xuất cho các gia đình. Để tiếp thêm động lực, Trung tâm vận động sự ủng hộ từ nhiều tổ chức cá nhân có lòng hảo tâm, chủ yếu tập trung hỗ trợ cây, con giống, như: Ngô, lúa, đậu tương, đậu đen, gừng, hoa hòe, vải thiều… và kỹ thuật để các gia đình tự canh tác, sản xuất. Bám sát chủ trương của tỉnh là xây dựng “làng phong” theo hướng hòa nhập với cộng đồng, mới đây Trung tâm đã sắp xếp, bố trí di chuyển các gia đình có đông con ra khu vực ngoài (nằm dọc tuyến đường Phình Sáng – Rạng Đông), gần khu dân cư và có diện tích đất rộng hơn để có điều kiện trao đổi, mở rộng sản xuất; đồng thời kết nối với nhà tài trợ hỗ trợ mỗi hộ 2.200 USD (tương đương hơn 40 triệu đồng) làm nhà. Đến nay, 6 gia đình sắp xếp, bố trí đến nơi ở mới đã tạo dựng được cuộc sống ổn định.

Hạnh phúc bình dị ở “làng phong”.

Với sự quan tâm thiết thực của tỉnh, tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XIII đã quyết định nâng mức hỗ trợ cho mỗi bệnh nhân phong từ 540.000 đồng/tháng lên bằng với mức lương tối thiểu. Và chính thức kể từ tháng 4/2014, mỗi bữa ăn của họ được cải thiện hơn rất nhiều với mức hỗ trợ 1.150.000 đồng/tháng. Bằng nỗ lực kêu gọi, kết nối, tháng 9/2015 công trình nước sạch hệ thống, quy mô được Công ty TNHH Univer Việt Nam đầu tư xây dựng, lắp đặt đến tận các gia đình, đã xóa bỏ đi nỗi trăn trở bao năm về nước sinh hoạt tại đây. Tháng 6/2015 vừa qua, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, tỉnh vẫn ưu tiên bố trí gần 7 tỷ đồng để đầu tư cho Dự án xây dựng Khu điều trị bệnh nhân phong K10, bao gồm các hạng mục: Khu phòng mổ, phục hồi chức năng, nhà ở, nhà sinh hoạt động đồng (trang bị đầy đủ hệ thống tăng âm, loa đài...) nhà ăn, đường giao thông. Nhà thầu cam kết cố gắng hoàn thành trước tết Nguyên đán 2016.

Dịp chúng tôi đến cũng là những ngày thi công cuối cùng. Tiếng nhộn nhịp của các cỗ máy công trình đang chạy đua vượt thời gian, tiếng cười giòn tan của những đứa trẻ trong vòng tay mẹ, cha giữa không gian của dãy nhà xây mái đỏ, tường vàng khang trang, ẩn hiển sau vạt hoa xuân của đỉnh Nậm Din. Tất cả như một thông điệp tràn đầy niềm tin, hy vọng cho chặng đường phía trước của bệnh nhân phong. Còn trước mắt, có một điều chắc chắn rằng, tết này những gia đình ở “làng phong” sẽ được đón xuân trong căn nhà mới, đi trên con đường bê tông mới, và cuộc sống của họ đang bước sang một trang mới!

Bài, ảnh: Hà Linh
Bình luận
Back To Top