Lăng kính an sinh

Cách nhìn vì tương lai

00:00 - Thứ Hai, 11/01/2016 Lượt xem: 2861 In bài viết
Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2016. Một trong những điểm mới của Luật đang được dư luận đặc biệt quan tâm là quy định về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc của người lao động (NLĐ) đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.

Nếu như trước đây, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc của đối tượng này là mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động (HĐLĐ), thì theo quy định mới, hai năm 2016 và 2017, tiền lương tháng đóng BHXH của những lao động này là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động; từ năm 2018 trở đi đóng theo lương, phụ cấp lương cùng các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.

Bên cạnh đa số những ý kiến đồng tình với quy định mới này, không ít người lại cho rằng đây thực chất là một hình thức “tận thu”, có thể gây khó khăn cho cả doanh nghiệp lẫn NLĐ.

Tuy nhiên, cần phải thấy rõ, mặc dù Luật BHXH sửa đổi vẫn giữ nguyên quy định về tỷ lệ đóng BHXH, nhưng việc bổ sung các khoản thu nhập tính đóng BHXH sẽ khiến số tiền đóng BHXH của doanh nghiệp và NLĐ tăng. Điều đó đương nhiên sẽ tạo thêm “áp lực” đối với đối tượng có trách nhiệm đóng góp. Nhưng thực chất, sự điều chỉnh này cũng là cơ sở để NLĐ được thụ hưởng các chế độ BHXH (ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, dưỡng sức phục hồi sức khỏe, hưu trí, tử tuất) với mức cao hơn trong tương lai, khi họ gặp rủi ro về sức khỏe hay hết tuổi lao động…

Một khảo sát mới đây của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho thấy, có tới 15% số người nghỉ hưu tại TP Hồ Chí Minh chỉ được hưởng lương hưu 1.350.000 đồng/tháng, tương đương với chuẩn nghèo của thành phố. Mà một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng nêu trên là những lao động này trước đó chỉ đóng BHXH với mức lương thấp. Trên thực tế, với quy định tiền lương tháng đóng BHXH là mức tiền lương, tiền công ghi trong HĐLĐ trước đây, để trốn tránh nghĩa vụ của mình với NLĐ (doanh nghiệp phải đóng 18%; NLĐ đóng 8%), không ít doanh nghiệp đã xây dựng hai bảng lương: Một bảng lương thấp để đóng BHXH, một bảng lương thực tế chi trả cho NLĐ và quyết toán thuế; hay chỉ đóng BHXH cho NLĐ trên mức lương tối thiểu vùng.

Theo kết quả điều tra năm 2012 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mức tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng BHXH mới chỉ bằng 66% tiền lương, tiền công thực tế của NLĐ. Cách làm này đương nhiên sẽ có lợi hơn cho doanh nghiệp, nhưng về lâu dài, NLĐ chính là đối tượng sẽ phải “gánh chịu” hậu quả. Đồng thời, việc đóng BHXH với mức thấp cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mất cân đối quỹ hưu trí, tử tuất trong tương lai…

Với những lý do đó, trong quá trình sửa đổi Luật BHXH, việc điều chỉnh quy định về tiền lương đóng BHXH đã được đặt ra và nhận được sự đồng tình của dư luận xã hội cũng như các đại biểu Quốc hội. Việc sửa đổi này không chỉ tuân thủ đúng các định hướng của Đảng, Nhà nước trong cải cách chính sách tiền lương, BHXH, mà còn hoàn toàn phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động năm 2012 (có hiệu lực từ tháng 5-2013), đồng thời phù hợp với hệ thống pháp luật của nhiều nước trên thế giới…, hướng tới mục tiêu cao nhất là bảo đảm quyền lợi của NLĐ. Trong đó, việc Quốc hội thông qua quy định điều chỉnh theo lộ trình (từ ngày 1-1-2016 đến hết năm 2017 đóng BHXH dựa trên lương và phụ cấp ghi trong HĐLĐ; từ ngày 1-1-2018 trở đi đóng dựa trên lương, phụ cấp và các khoản bổ sung) đã thể hiện sự quan tâm đến “sức khỏe” của các doanh nghiệp.

Theo Nhân dân
Bình luận
Back To Top