Thẻ căn cước công dân thay thế chứng minh nhân dân

00:00 - Thứ Tư, 13/01/2016 Lượt xem: 1863 In bài viết
ĐBP - Căn cước công dân là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân theo quy định của Luật Căn cước công dân số 59/2014/QH13 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 20/11/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016. Theo quy định của Luật, thẻ căn cước công dân được sử dụng thay thế cho chứng minh nhân dân.

Thẻ căn cước công dân gồm thông tin: mặt trước thẻ có hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; dòng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc; dòng chữ “Căn cước công dân”; ảnh, số thẻ căn cước công dân, họ, chữ đệm và tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch, quê quán, nơi thường trú; ngày, tháng, năm hết hạn; mặt sau thẻ có bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa; vân tay, đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ; ngày, tháng, năm cấp thẻ; họ, chữ đệm và tên, chức danh, chữ ký của người cấp thẻ và dấu có hình Quốc huy của cơ quan cấp thẻ.

Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ căn cước công dân. Thẻ căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi. Số thẻ căn cước công dân là số định danh cá nhân. Số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác.

Thẻ căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Thẻ căn cước công dân được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.

Công dân khi làm thẻ căn cước công dân chỉ cần kê khai vào tờ khai cấp thẻ theo mẫu quy định. Công dân có quyền lựa chọn cơ quan có thẩm quyền để làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân mà không phụ thuộc vào nơi cư trú. Công dân không phải nộp lệ phí khi cấp thẻ căn cước công dân lần đầu; đổi thẻ khi đến tuổi quy định hoặc có sai sót về thông tin trên thẻ do lỗi của cơ quan Nhà nước. Các trường hợp khác mới phải nộp lệ phí.

Chứng minh nhân dân đã được cấp trước ngày Luật Căn cước công dân có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ căn cước công dân. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật. Các loại biểu mẫu đã phát hành có quy định sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2019.

                            Phạm Minh Thủy

                        (Trường Chính trị tỉnh)

Bình luận
Back To Top