Điện Biên

Phát huy giá trị sử dụng hệ thống máy tính thư viện

00:00 - Thứ Sáu, 15/01/2016 Lượt xem: 1930 In bài viết
ĐBP - Mặc dù điều kiện địa lý còn nhiều khó khăn nhưng người dân Điện Biên đã biết cách nắm bắt, tiếp cận với tri thức trong các lĩnh vực: kinh tế, xã hội, văn hóa, giải trí... từ máy tính và internet tại hệ thống thư viện công cộng nói chung và thư viện tỉnh nói riêng.

Tại Lễ sơ kết Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập internet công cộng tại Việt Nam” do Quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ (gọi tắt là Dự án BMGF-VN) giai đoạn II, bước 3 diễn ra mới đây tại Hà Nội, Thư viện tỉnh Điện Biên là 1 trong 6 thư viện công cộng được Ban Quản lý Dự án tặng bằng khen vì có số giờ người dân truy nhập máy tính cao. Con số 632 giờ online/máy trong thời gian từ tháng 1 - 12/2015 tại Thư viện tỉnh cho thấy, người dân địa phương đã biết khai thác hệ thống thông tin được Dự án trang bị.

Đại diện thư viện các tỉnh nhận Bằng khen vì có số giờ truy nhập máy tính cao tại Lễ sơ kết Dự án BMGF-VN giai đoạn II.

Tháng 4/2015, Dự án đã hoàn thành lắp đặt 3.985 bộ máy tính có kết nối internet tại 601 điểm thư viện công cộng và bưu điện văn hóa xã cho các địa phương trong khuôn khổ giai đoạn II, bước 3, gồm: Huế, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Khoảng 50 lớp đào tạo nâng cao kiến thức và kỹ năng cho cán bộ chuyên môn, cũng như gần 2.000 sự kiện truyền thông đã được tổ chức, góp phần hiện đại hóa cơ sở hạ tầng thông tin ở nông thôn, đồng thời mang đến nhiều cơ hội tiếp cận thông tin một cách bình đẳng cho các đối tượng dân cư.

Sau khi Dự án được triển khai tại địa phương, số lượng máy tính được lắp đặt và cài đặt phần mềm tại các thư viện công cộng tăng từ 7,8% lên 44,8%, ở các bưu điện văn hóa xã tăng từ 11,8% lên 29,5%. Với hệ thống trang thiết bị  hoàn chỉnh cùng chính sách miễn giảm cước truy nhập đến 100%, người dân nông thôn đã tiếp cận internet ngày càng nhiều, cũng như khai thác thông tin phục vụ học tập, văn hóa, chăm sóc sức khỏe và phát triển kinh tế một cách hữu ích.

Thống kê cho thấy, 85,2% người sử dụng quan tâm đến nội dung văn hóa, giải trí; 73,2% trao đổi trực tuyến; 69,3% tìm kiếm thông tin giáo dục. Đặc biệt, có tới 49% người dân quan tâm đến thông tin phát triển kinh tế, cao hơn tỉ lệ 30% trong giai đoạn trước đó.

Có thể nói, kết thúc bước 3, giai đoạn II, Dự án đã, đang và sẽ tiếp tục giúp hệ thống thư viện công cộng và điểm bưu điện văn hóa xã của 12 tỉnh thay đổi cách thức hoạt động và phục vụ thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển kỹ năng phục vụ, góp phần nâng cao dân trí, cải thiện đời sống kinh tế, văn hoá, tinh thần cho người dân vùng nông thôn.

Bài, ảnh: Diễm Quỳnh
Bình luận
Back To Top