Mong tết trọn niềm vui

00:00 - Thứ Sáu, 15/01/2016 Lượt xem: 2258 In bài viết
ĐBP - “Nếu cô chú chụp ảnh thì chiều mai vào nhé, đơn vị tổ chức gói bánh chưng sớm. Còn hoa, lá cành thì chiều 29 tết mua luôn thể. Vì anh em tăng cường xuống cơ sở hết rồi” – Đó là những lời bộc bạch của Đại tá Trần Xuân Minh, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh).

Mong nhà nhà đón Tết an toàn

Tết đến là dịp mỗi người gác bỏ những âu lo, gánh nặng cơm áo gạo tiền trong năm để quây quần với gia đình, người thân. Song đây cũng là lúc các gia đình thắp hương, đốt vàng mã cúng ông bà, tổ tiên, bận rộn chợ búa, sắm sửa trang hoàng nhà cửa nên dễ lơ là, thiếu cảnh giác với "bà hỏa" khiến nguy cơ cháy nổ tăng cao. Chính vì vậy, hàng năm vào tháng cao điểm Tết, các chiến sỹ cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh lại tất bật với công việc. Đó cũng là lý do khiến đơn vị lúc này chỉ còn lực lượng chữa cháy thường trực, còn các đội khác đã tăng cường xuống địa bàn trọng điểm phối hợp với lực lượng cơ sở kiểm tra, nhắc nhở các cơ quan, doanh nghiệp, gia đình chú ý tới công tác an toàn phòng chống cháy nổ. Từ các chợ, trung tâm thương mại, đến các doanh nghiệp, hộ kinh doanh ngành nghề có điều kiện và khu dân cư, hộ gia đình. 

Cán bộ PCCC hướng dẫn tiểu thương Chợ Trung tâm I sử dụng, bảo quản bình chữa cháy.

Dù rằng các mặt công tác của đơn vị đã được triển khai thường xuyên, sâu rộng trong năm, nhưng dịp giáp Tết vẫn phải tăng cường các biện pháp phòng ngừa cháy, nổ để nhân dân nêu cao ý thức tự giác bảo vệ tính mạng, tài sản của mình. Nói  vậy thấy rằng: “mong muốn thất nghiệp” là một chuyện, để “được thất nghiệp” thì còn gian nan lắm, nhất là với các chiến sỹ làm công tác PCCC. Bởi không phải nơi nào nhận thức của nhân dân cũng giống nhau. Thậm chí có nơi, có chỗ dù đã nhận thức đầy đủ, nhưng chưa thực sự tự giác.

Bằng chứng là cứ theo chân các chiến sĩ phòng cháy vào trong các khu chợ trên địa bàn thành phố, trung tâm các huyện, thị thì sẽ dễ dàng nhận thấy: nhiều hộ kinh doanh các mặt hàng dễ cháy, song công tác phòng cháy đến nay cũng chỉ dừng lại ở việc một số hộ tự trang bị bình chữa cháy. Dù có trang bị nhưng họa hoằn lắm mới có hộ bảo quản bình chữa cháy đúng cách, đặc biệt nhiều hộ còn không biết cách sử dụng. Công tác phòng ngừa cháy nổ thì hớ hênh, đường điện xuống cấp, chắp nối, việc nấu nướng, thờ cúng tại gian hàng, đó là chưa kể việc căng mái, bày hàng hóa lấn chiếm lối đi, gây cản trở cho các phương tiện chữa cháy...

Thành thị đã thế, còn ở vùng cao, công tác phòng cháy cũng chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến nhận thức của nhân dân còn thấp, việc xử trí khi cháy, nổ xảy ra cũng yếu kém chậm trễ. “Việc phát hiện, xử lý ban đầu rất quan trọng, bởi chậm trễ sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Thế nhưng ở một số nơi, việc xử lý ban đầu khi phát hiện cháy, nổ mới chỉ dừng ở mức… kêu cứu!” - Thiếu tá Trần Văn Thưởng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh nói. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh), năm 2015 toàn tỉnh xảy ra 25 vụ cháy, trong đó có 16 vụ cháy nhà, 9 vụ cháy rừng và thảm thực vật. Dù đã giảm 10 vụ so với năm 2014, nhưng vẫn gây thiệt hại trên 1,3 tỷ đồng và 3,6ha rừng, thảm thực vật. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do chập điện, thắp hương thờ cúng và việc đốt nương, làm rẫy của bà con nhân dân các xã, huyện vùng cao.

Cán bộ chiến sỹ tăng gia sản xuất.

Trước tết dương lịch, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp công tác theo sự chỉ đạo của cấp trên. Để công tác PCCC đạt hiệu quả, một mặt đơn vị xây dựng kế hoạch gửi Công an các huyện, thị xã, thành phố; các lực lượng chức năng, chuyên trách, bán chuyên trách nhằm đôn đốc việc kiểm tra, phòng chống cháy, nổ trong đợt cao điểm; mặt khác phân công, cử lãnh đạo và cán bộ chiến sĩ xuống địa bàn tăng cường kiểm tra, từ đó phát hiện và khắc phục kịp thời các nguy cơ xảy ra cháy. Kết hợp với tuyên truyền, nhắc nhở đối với các hộ gia đình, các khu dân cư kiểm tra, sửa chữa, khắc phục hệ thống điện, bếp đun; cẩn trọng trong việc thắp hương, đốt vàng mã trong dịp Tết tại các khu chợ, trung tâm thương mại, siêu thị... cũng được chú trọng. Hoạt động của lực lượng tại chỗ được đặc biệt chú trọng, ngoài trang cấp thêm phương tiện, tổ chức huấn luyện nghiệp vụ, đơn vị còn đôn đốc việc tuần tra canh gác, nhất là vào ban đêm và giờ hành chính để phát hiện, báo cháy và dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh. Các đội đảm bảo ứng trực 100% quân số 24/24 giờ, sẵn sàng huy động khi xảy ra cháy nổ.

Những câu chuyện nặng lòng

Đặc thù của nghề phòng cháy là không cứ ngày hay đêm, ngày lễ hay ngày Tết, đơn giản là thường trực, ứng trực. Quân số đông, công việc đặc thù, cho nên có những cán bộ chiến sĩ nhiều năm nay chưa được đón Tết ở nhà cũng là điều dễ hiểu. Trung tá Nguyễn Duy Tịnh là một trong những trường hợp như thế. Ba mươi mốt năm công tác, cống hiến tại Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH thì có đến ba mươi năm anh đón Tết ở đơn vị. Nhớ lại lần dập cháy dịp Tết Tân Tỵ năm 2001, đơn vị nhận được tin báo cháy tại xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên. Khi đến nơi, ngọn lửa đã thiêu trụi căn bếp và bắt đầu lan sang nhà chính của một hộ dân. Đến khi điều tra nguyên nhân xảy ra cháy, hóa ra thủ phạm lại chính là... nạn nhân. Do uống rượu say, về nhà không thấy vợ con đâu, thế là anh chủ nhà bực mình châm lửa đốt bếp.

Vừa vỗ vai Thượng sĩ Phạm Tuấn Quang, lính nghĩa vụ quê ở Nghệ An, Trung tá Nguyễn Duy Tịnh lại kể một chuyện thật mà tưởng như đùa. Số là Tết Nguyên đán năm ngoái, đồng chí Quang nhận nhiệm vụ tại đơn vị. Bảo vệ giao thừa xong, anh em cán bộ chiến sĩ lại về đơn vị ứng trực. Bỗng nghe tiếng thút thít, một đồng chí nằm giường bên cạnh hỏi với sang “Ông nào khóc đấy?” thì Quang bỗng nức nở như trẻ con. Cái tết đầu tiên xa gia đình với chàng thanh niên xứ Nghệ hôm ấy đã trở thành câu chuyện nặm lòng của mỗi cán bộ phòng cháy hôm nay để động viên những chiến sĩ mới bước chân vào nghề.

Đến lúc này đây, khi ngồi đối diện với chúng tôi, thượng sĩ Phạm Tuấn Quang vẫn xấu hổ, ngượng ngùng. Nhưng tôi hỏi nỗi nhớ gia đình ra sao khi Tết nữa sắp đến, giọng Quang cương nghị hơn: “Em thật sự yêu nghề phòng cháy, nên giờ em quyết tâm rèn luyện bản thân, sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh, gian khổ anh ạ, không mềm yếu như trước nữa đâu!”. Có lẽ phải yêu ngành, yêu nghề lắm thì các em mới chọn cho mình một con đường chông gai, đầy thử thách như vậy. Bởi nhìn lại nhiều chiến sĩ chữa cháy của Đội chữa cháy cứu nạn, mới tuổi mười tám đôi mươi nhưng ai nấy rắn rỏi, cứng cáp và trưởng thành hơn rất nhiều so với lúc mới nhận công tác tại đơn vị.

Ba tiếng kẻng vang lên khiến chúng tôi ngỡ báo động có cháy. Nhưng không, đó là tiếng kẻng để anh em cán bộ chiến sĩ đến giờ làm tăng gia sản xuất. Bên này thì trồng rau theo mùa, bên kia làm giàn đỗ, lúi húi đằng sau là các chiến sĩ đang cắt cỏ cho ba con bò béo tốt, khỏe khoắn. Việc tăng gia tại đơn vị không chỉ góp phần nâng cao đời sống cán bộ chiến sĩ, mà còn là cách rèn luyện sau những giờ luyện tập, chạy cháy căng thẳng. Nhờ đó mà các chiến sĩ trẻ đã ý thức được công việc và trưởng thành hơn rất nhiều.

Chiều muộn, tạm biệt các chiến sĩ phòng cháy, chúng tôi ra về mà nặng trĩu suy nghĩ về các anh, những người đã gắn với cái nghiệp thầm lặng, hy sinh để mang lại bình yên cho cuộc sống. Thầm chúc các anh có một cái Tết thật đầm ấm và nhàn rỗi để xuân năm nay các anh được đón Tết trọn vẹn.

Bài, ảnh: Lê Hoàng
Bình luận
Back To Top