“Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”

00:00 - Thứ Sáu, 15/01/2016 Lượt xem: 2112 In bài viết
ĐBP - Nằm cách trung tâm TP. Điện Biên Phủ không xa, thế nhưng nhiều năm qua tộc người Khơ Mú ở xã Tà Lèng, TP. Điện Biên Phủ lại “nổi tiếng” bởi sự nghèo đói, lạc hậu và trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Vì thế mà hết đời này qua đời khác, cuộc sống của họ cứ mãi quẩn quanh với 2 mùa no – đói. Họ được xếp vào nhóm dân tộc yếu kém nhất xã. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, bằng sự kiên trì, nỗ lực, họ đang dần xóa bỏ được những “tiếng xấu” ngày nào, nhiều người trong số họ đã chứng minh điều ngược lại “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”.

Người Khơ Mú đầu tiên vay vốn làm nương có bờ

Làm nương có bờ, hay làm ruộng nước – đó là những khái niệm xa vời đối với đồng bào dân tộc Khơ Mú ở Tà Lèng. Bao đời nay, họ quen với lối sống phụ thuộc vào rừng, quanh năm chỉ biết “săn bắt, hái lượm” hoặc phá rừng để làm nương. Vì thế, anh Lò Văn Mấng – một người dân tộc Khơ Mú đã được xem là “liều” khi quyết định làm những điều ngược lại. Không ai tin anh sẽ thay đổi được cuộc sống, ngoại trừ một người cán bộ (anh Mấng dấu tên) dám cho anh vay 5 triệu đồng mà chỉ có “niềm tin” để “tín chấp”. Với số tiền mà thời đó được coi là cả gia tài trong tay, anh Mấng đã mua lại mảnh nương bạc màu của một người quen để đầu tư làm nương có bờ. Anh lý giải: “Đời cha ông tôi cũng đều phá rừng làm nương cả. Nhưng làm nương theo cách cũ thì năng suất thấp, không đủ ăn, đất lại hay bạc màu nên phải chuyển nơi canh tác thường xuyên. Tôi nghe nói nương có bờ giữ ẩm, giữ màu cho đất tốt, vì thế cũng dễ cày cuốc mà quan trọng là năng suất cao, lại canh tác được lâu năm, thế nên tôi quyết định làm”. Bao công sức, tâm huyết anh đều dốc hết vào 5.000m2 nương, liên tiếp 3 năm, 6 mùa lao động vất vả sau đó anh đã trả được hoàn toàn số nợ vay. Rồi bằng sự kiên trì, gia đình anh Mấng đã có được những mùa vàng no ấm, thóc lúa chất đầy kho, không những đủ ăn mà còn đem bán lấy tiền trang trải cho cuộc sống gia đình. 

Được Nhà nước đầu tư làm đường  giao thông, cuộc sống của người Khơ Mú ở bản Tà Lèng đã đổi thay rất nhiều.

Không chịu đầu hàng số phận, cam chịu cuộc sống nghèo như đời ông cha, khi đã đảm bảo lương thực cho gia đình, anh Mấng bắt đầu nghĩ đến việc mở rộng sản xuất. Những năm sau đó, anh tiếp tục vay vốn ngân hàng đầu tư nuôi trâu, ngan, gà, đào ao thả cá. Hiện nay anh đã có 6.000m2 ao, một năm thu hoạch 2 lứa, với thu nhập bình quân 20 – 30 triệu đồng/lứa (đã trừ chi phí). Ngoài ra, với sự hỗ trợ của nhà nước, gia đình anh khai hoang thêm được 5.000m2 ruộng nên toàn bộ số nương có bờ ngày nào đã được anh đầu tư trồng rừng sản xuất. Cho đến nay, anh đã làm chủ 4ha rừng, nhiều cây gỗ lớn sắp đến tuổi cho thu hoạch. Bằng sự kiên trì, nỗ lực, anh Mấng đã tạo dựng được nền tảng kinh tế vững chắc, nuôi 2 con ăn học đàng hoàng, con gái lớn của anh vừa tốt nghiệp cao đẳng đang trong thời gian chờ việc, cậu con trai thì vừa kết thúc chương trình lớp 12.

Có sức người sỏi đá cũng thành cơm

Nhìn thấy gia đình anh Mấng như thế, nhiều người Khơ Mú trong bản Tà Lèng đã phải thay đổi suy nghĩ “đất ở đây bạc màu hết rồi, chẳng thể làm được gì nữa”, để tìm đến học theo. Với sự hỗ trợ của Nhà nước bằng các chính sách “tam nông”, nhiều gia đình người Khơ Mú ở Tà Lèng như được tiếp sức. Họ bắt đầu làm nương có bờ và khai hoang ruộng nước. Năm tháng trôi qua, những mảnh nương khô cằn ngày nào đã dần được chuyển đổi thành tầng tầng, lớp lớp thửa ruộng bậc thang màu mỡ, nối tiếp nhau trên những vạt nương dốc đứng. Cùng với đó là những vụ mùa ấm no hơn. Cho đến nay, canh tác lúa nước, hay nương có bờ không còn xa lạ với người Khơ Mú ở Tà Lèng, mà nó đã thật sự gắn bó với cuộc sống của họ. Hiện phần lớn các hộ đồng bào Khơ Mú ở đây đều có ruộng nước, với mức trung bình từ 500 – 1.000m2/hộ, nhà nhiều 3.000 – 4.000m2; trên 50% trong số đó đã tạo dựng được cuộc sống ổn định, thường xuyên có thóc, lúa dự trữ trong nhà.

Nhiều hộ nghèo ở bản Tà Lèng được Nhà nước hỗ trợ bò giống.

Ông Lò Văn Biên, Chủ tịch UBND xã Tà Lèng cho biết: “Việc chuyển đổi từ trồng lúa nương sang canh tác lúa ruộng và nương có bờ đối với đồng bào Khơ Mú là một thành công lớn, mà trong đó là cả một quá trình với rất nhiều sự nỗ lực. Mặc dù so với mặt bằng chung còn thấp, song quan trọng là họ đã chuyển biến trong nhận thức, cách nghĩ, cách làm. Cùng với sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, của tỉnh, thông qua nhiều chương trình, dự án, thì đây là nguồn lực rất lớn để họ vươn lên”.

Còn nhớ cách đây chừng vài năm, người Khơ Mú ở Tà Lèng chỉ được biết đến với cái tiếng “lười”. Quanh năm chỉ ngồi chờ sự viện trợ: gạo, muối, điện, nhà ở, giống cây trồng vật nuôi… từ trên xuống. Thậm chí, nhiều hộ được hỗ trợ trâu, bò giống nhưng không biết chăm sóc để gia súc chết, hoặc bán lấy tiền duy trì cuộc sống. Thế nhưng theo khẳng định của đồng chí Chủ tịch UBND xã thì tình trạng này đã không còn. Với sự quan tâm của Nhà nước, hiện nay các hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư đầy đủ hơn, chính vì thế cuộc sống của họ cũng thuận lợi hơn rất nhiều. Nông sản làm ra trở thành hàng hóa và khi đã có thu nhập thì lại càng thúc đẩy họ sản xuất nhiều hơn.

Cùng với đó là chính sách vay vốn của Ngân hàng Chính sách - Xã hội nhiều gia đình đã tự tin để đầu tư mở rộng sản xuất, mua trâu, bò phục vụ sức kéo và sinh sản. Từ nguồn hỗ trợ này, nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà còn duy trì cuộc sống ổn định như gia đình chị Lò Thị Yên. Năm 2010, gia đình chị là hộ nghèo, khi được vay vốn ngân hàng, chị đầu tư mua trâu, kết hợp kinh doanh hàng tạp hóa, nhờ biết làm ăn, đến nay chị đã trả hết nợ ngân hàng và có điều kiện chăm lo cho con ăn học. Những gia đình người Khơ Mú như chị Yên ngày một nhiều, vì thế những đứa trẻ không chỉ được đến trường đầy đủ hơn, mà các em còn được theo học các trường chuyên nghiệp và tạo dựng được công việc ổn định cho bản thân.

Hiện nay, toàn xã Tà Lèng có 32,2% là dân tộc Khơ Mú. Họ sống tập trung chủ yếu ở bản Tà Lèng với 58 hộ. Nếu như chỉ vài năm trước, gần như 100% đều là hộ nghèo, không nhà nào có lấy thứ gì giá trị, cuộc sống “ăn bữa nay, lo bữa mai” triền miên ngày này qua tháng khác. Thì hôm nay, bằng sự kiên trì, nỗ lực, nhiều người Khơ Mú ở Tà Lèng đã có cuộc sống no ấm hơn. Trung bình mỗi năm, thống kê con số hộ nghèo là đồng bào dân tộc Khơ Mú giảm 3 – 4 hộ. Tuy nhiên, theo điều tra chuẩn nghèo mới (năm 2015) vừa qua thì vẫn còn tới gần 40 hộ nghèo là đồng bào Khơ Mú, số này chủ yếu thiếu đất và tư liệu sản xuất. Đây được xem là một thách thức lớn đặt ra cho không chỉ với mỗi gia đình mà cả chính quyền các cấp. Song cũng như đồng chí Chủ tịch UBND xã chia sẻ, thì hiện nay Nhà nước có rất nhiều chính sách hỗ trợ để người dân phát triển sản xuất theo nhiều hướng khác nhau, điều quan trọng nhất nằm ở chính ý thức mỗi người dân, họ phải tự lựa chọn cuộc sống cho mình. No ấm sẽ không đến với những người lười biếng, nhưng có sức người thì sỏi đá cũng thành cơm – đó là điều đã được chính những người Khơ Mú ở đây chứng minh.

Bài, ảnh: Hà Linh
Bình luận
Back To Top