Vấn đề hôm nay

Chưa thể yên tâm

00:00 - Thứ Hai, 18/01/2016 Lượt xem: 2115 In bài viết
ĐBP - Bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông và các đơn vị là thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh, các huyện, thị, thành phố... tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh năm qua giảm cả 3 tiêu chí.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) thì năm nay, số vụ tai nạn giảm 2 vụ (59/61) = 3,3%; số người chết giảm 4 người (27/31) = 12,9%; số người bị thương giảm 11 người (62/73) = 15%. Các vụ va chạm giao thông, tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên cũng giảm. Điều này cho thấy ý thức tham gia giao thông của mọi tầng lớp nhân dân đã có chuyển biến tích cực. Việc không phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, chở quá số người quy định khi tham gia giao thông, đã uống rượu bia không lái xe... được người dân thực hiện khá tốt.

Tuy nhiên, theo phân tích của cơ quan chuyên môn, mặc dù tình hình trật tự an toàn giao thông đảm bảo, số vụ tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí, nhưng vẫn chưa thể yên tâm. Vì với địa hình giao thông còn nhiều khó khăn như Điện Biên, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế, nhất là trong đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao, biên giới thì chỉ cần một phút bất cẩn khi tham gia giao thông có thể gây tai nạn. Việc Ban An toàn giao thông quốc gia lấy chỉ tiêu phần trăm để so sánh tăng - giảm số vụ tai nạn giao thông rất dễ dẫn tới tăng vọt. Vì với địa bàn như tỉnh ta, chỉ cần tăng thêm 2 - 3 vụ tai nạn, 2 - 3 người chết mỗi năm, tính tỷ lệ phần trăm sẽ tăng lên rất cao so với các tỉnh có lượng người chết với con số hàng trăm người. Như vậy sẽ bị cấp trên phê bình, khiển trách.

Nhận định, trong thời gian tới, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Bính Thân, tình hình trật tự an toàn giao thông có nhiều diễn biến phức tạp. Do phương tiện giao thông cơ giới tăng nhanh, nhất là xe ô tô cá nhân. Kết cấu hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập, các điểm bất hợp lý, "điểm đen" tiềm ẩn về tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ và địa bàn trọng điểm vẫn chưa được khắc phục triệt để, tiến độ chậm. Các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ... mặt đường hẹp, cong cua gấp khúc, một số tuyến đường xuống cấp chưa được cải tạo do thiếu nguồn vốn. Hệ thống bến xe khách, bến đỗ tĩnh phục vụ cho các dịch vụ vận tải bằng ô tô trên địa bàn còn thiếu... Trên tuyến đường thủy sông Đà chưa có cơ quan quản lý đường sông, chưa xây dựng bến, bãi thủy; hệ thống phao tiêu, biển báo hiệu phân luồng, tuyến, mốc giới hạn hành lang bảo vệ luồng... trên toàn tuyến đường thủy nội địa chưa được lắp đặt.

Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trước hết cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trong nhân dân về thực hiện nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường độ, đường thủy nội địa. Việc tuyên truyền cần phải đổi mới, phù hợp với trình độ, nhận thức, phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc. Ngoài vai trò "nhạc trưởng" tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, đường thủy nội địa của lực lượng Cảch sát giao thông, Thanh tra giao thông, cả hệ thống chính trị cũng cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Còn chưa đầy một tháng nữa là Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc, trong giai đoạn này lưu lượng, mật độ phương tiện tham gia giao thông nhiều. Lực lượng Cảnh sát giao thông cần huy động tối đa phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, góp phần kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông, nhất là các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, từ đó nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông. Một cái tết yên bình, nhà nhà hạnh phúc, không xảy ra các vụ tai nạn giao thông, không có người chết hoặc bị thương do tai nạn giao thông, là điều các cấp, ngành từ tỉnh xuống cơ sở và mỗi người dân mong muốn.  

Tùng Lĩnh
Bình luận
Back To Top