Nỗi lo công nhân ngày về tết

00:00 - Thứ Sáu, 22/01/2016 Lượt xem: 2272 In bài viết
Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 ĐBP - Chỉ còn khoảng 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016, trong khi người dân sở tại đã bắt đầu “khởi động” mua sắm hàng hóa chuẩn bị tết thì trên các công trường xây dựng hay trong các nhà máy công nghiệp, công nhân vẫn cần mẫn lao động, sản xuất. Tuy ngày về tết đã cận kề, thay vì tâm trạng háo hứng về tết thì đối với những người công nhân “xa xứ” vẫn còn nhiều nỗi niềm lo toan, trăn trở…

Trên công trường thi công gói thầu số 10, tuyến đường Nà Nhạn – Mường Phăng của Công ty Cổ phần Công trình giao thông Điện Biên, công nhân vẫn đang hăng say lao động, cố gắng hoàn thành các khối lượng công việc theo kế hoạch. Nhắc đến chuyện về Tết Nguyên đán, anh Đào Văn Dũng, công nhân đội thi công của Công ty, chia sẻ: “Tết năm 2015, em không về quê ăn tết, chả nhẽ tết này lại tiếp tục không về nhưng bây giờ em thấy “ngại” về tết. Hai năm nay, công ty ít việc, không có việc để tăng ca nên không có thêm thu nhập gì khác, mọi chi phí sinh hoạt đều trông vào mức lương cơ bản. Ngày tết ai chẳng muốn về quê đoàn tụ bên gia đình nhưng điều kiện kinh tế hạn hẹp mà vé xe lại đắt đỏ, mà chả nhẽ 2 năm đi làm xa nhà nay về tết lại về tay không. Để có tiền về tết, em cố gắng tiết kiệm chi tiêu dành lại tháng lương cuối năm, với số tiền này chỉ đủ mua ít quà biếu bố mẹ, bộ quần áo mới cho con chứ bản thân cũng không mua sắm được gì”.

Ngoài làm việc tại Nhà máy Thủy điện Nà Lơi, gia đình anh Hùng còn phát triển chăn nuôi gà thương phẩm để tăng thu nhập. Trong ảnh: Chị Tình, vợ anh Hùng cho gà ăn.

Đó không phải là hoàn cảnh riêng mình anh Dũng mà còn là tâm trạng chung của những người công nhân xa xứ lên công tác tại đây. Công ty ít việc, thu nhập thấp chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày nên đã số công nhân đều “ngại” về tết.

Vợ chồng anh Lê Văn Lý, quê Vĩnh Phúc xa xứ lên Điện Biên làm ăn, gửi lại đứa con nhỏ cho ông bà nội ở quê chăm sóc. Anh Lý là công nhân đội xe, máy của Công ty Cổ phần Công trình giao thông Điện Biên, còn vợ anh là giáo viên một xã vùng cao của huyện Điện Biên Đông. Anh Lý tâm sự: “Với thu nhập trung bình của 2 vợ chồng khoảng 7 – 8 triệu đồng/ tháng thì chỉ đủ chi tiêu sinh hoạt chứ không có dư để tiết kiệm. Hơn nữa, 2 năm nay công ty gặp khó khăn có tháng còn nợ lương nên cuộc sống càng khó khăn hơn. Khó khăn là thế nhưng tết này vợ chồng tôi vẫn về quê ăn tết. Chủ yếu về quê chơi với con là chính, cả năm bố mẹ, con cái không gặp nhau nên tranh thủ mấy ngày nghỉ tết về quê cho con bé đỡ tủi thân”.

Gặp anh Phương, công nhân Công ty Cổ phần Xi măng Điện Biên đang rửa xe máy tại khu nhà công vụ của công ty, anh Phương chia sẻ: Thời điểm này, khu tập thể còn đông vui, nhộn nhịp nhưng chỉ ít hôm nữa là vắng hoe, công nhân về quê ăn tết hết chỉ còn lác đác vài gia đình ở lại. Em đang rửa xe để chuẩn bị ngày 20 tháng Chạp tới về quê ăn tết, còn vợ con em về sau đó ít ngày. Quê ở Nghệ An nên em ngại nhất khoản phương tiện về tết. Tết này em mang cả xe máy về quê nên phải về sớm cho đỡ chi phí, nếu đợi sát tết mới về thì vé gửi xe máy đắt gấp đôi vé người đi xe, có khi còn không mang được xe về. Rút kinh nghiệm từ những năm trước đến ngày về mới ra bến lấy vé vừa đông đúc vừa không có ghế ngồi mà giá vé lại đắt đỏ nên năm nay em đã mua vé về tết cho cả gia đình từ hôm nay rồi”.

Đã 3 năm không về quê ăn tết, anh Hùng, công nhân tại Công ty Thủy điện Nà Lơi ngậm ngùi cho biết: “Ngày tết ai chả muốn về quê ăn tết cùng gia đình nhưng phải tùy điều kiện chứ không thể muốn là về được. Ngoài việc công tác tại công ty, tôi còn phát triển chăn nuôi gà thương phẩm. Dịp tết nguyên đán là mùa thu hoạch nên tôi cố gắng ở lại kiếm thêm ít đồng. Hơn nữa ở lại, Công ty sẽ phân công trực tết, tiền lương được tăng gấp 2 – 3 lần lương ngày thường. Nhớ nhà, nhớ quê hương nhưng cũng đành chịu, đợi ra năm công việc thư thả hơn thì về quê thăm nhà sau”.

Chia sẻ với công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện về quê ăn tết, ngày 26 tháng chạp tới, Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ đứng ra tổ chức chương trình “Tết sum vầy” cho cán bộ viên chức, công nhân, người lao động trên địa bàn tỉnh. Đây là chương trình có ý nghĩa nhằm động viên, hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn; những công nhân không có điều kiện về quê được đón tết để họ vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương và yên tâm lao động, sản xuất trong năm mới.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top