Gánh nặng “bốn vai”

00:00 - Thứ Sáu, 22/01/2016 Lượt xem: 2149 In bài viết
ĐBP - “Tôi không bao giờ quên câu: Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm. Chẳng riêng gì phụ nữ làm quản lý, lãnh đạo... hay đại biểu Quốc hội, ngay cả những người chỉ ở nhà làm nội trợ nếu không hài hòa giữa vai trò, bổn phận, trách nhiệm người “giữ lửa”, vẫn có thể dẫn tới mất mát và đổ vỡ gia đình”. Đó là tâm sự của Chủ tịch Hội phụ nữ xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, Vì Thị Xôm.

Đón chúng tôi trong căn nhà đơn sơ nhưng gọn gàng, ngăn nắp, chị Xôm tạo ấn tượng bởi sự dễ gần, hiếu khách. Dáng vẻ tất bật, quán xuyến chu toàn mọi việc, từ việc bản, việc xã rồi đến việc gia đình, chúng tôi thực sự cảm phục người phụ nữ chân chất ấy. Khi nói về cuộc sống riêng của mình chị khá kiệm lời nhưng khi đề cập đến công tác phụ nữ, chị Xôm như sôi nổi hẳn.

Chị Xôm (thứ 3 từ phải sang) tuyên truyền về công tác hội cho hội viên bản Pa Xá Lào.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình người dân tộc Lào tại bản Pa Xa Lào, xã Pa Thơm, chưa hết cấp I chị Xôm đã phải nghỉ học để phụ giúp bố mẹ chăm lo cuộc sống gia đình. Mặc dù không có bằng cấp, nhưng bù lại trời phú cho chị năng khiếu về văn nghệ, múa hát, vì vậy sau này chị được chị em bầu  làm Chi hội trưởng phụ nữ bản. Tích cực hoạt động công tác Hội, nhiệt tình tham gia các phong trào, năm 2000 chị được bầu làm Phó Chủ tịch Hội phụ nữ xã Pa Thơm khi mới chỉ 17 tuổi. Để đáp ứng các yêu cầu công tác, chị phải hoàn thành hết các chương trình học theo quy định. Trong khoảng thời gian từ năm 2000 – 2010 chị Xôm đã hoàn thành hết chương trình tiểu học, rồi trung học cơ sở và lớp trung cấp công tác xã hội chuyên ngành công tác phụ nữ. Đặc biệt năm 2004, chị được tín nhiệm giới thiệu lên thường trực Hội đồng nhân dân huyện Điện Biên và tham gia ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh và là đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa XII (2004 – 2010) xã Pa Thơm. Đây là niềm tự hào cho đồng bào dân tộc Lào vì chị Xôm là người thứ hai nắm giữ cương vị đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh. Như vậy, trách nhiệm là đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh, lại phải hoàn thành các chương trình đào tạo, đồng thời với cương vị phó chủ tịch hội phụ nữ và đảm nhiệm vai trò là người vợ, người mẹ trong gia đình với chị Xôm đó là khoảng thời gian với nhiều thử thách. Chị tâm sự rằng, cái khó nhất của một cán bộ phụ nữ là trách nhiệm với gia đình. Muốn làm tốt cả hai, người phụ nữ phải biết “tổ chức” cuộc sống của mình cho phù hợp. Phải sống gương mẫu, chỉnh chu và biết nhẫn nhịn mới hoạt động phong trào được.

Có thâm niên 15 năm công tác trong Hội phụ nữ của xã, chị thường xuyên đi đến các bản tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của hội viên. Tích cực bám địa bàn, tổ chức nhiều hoạt động bổ ích, thiết thực cho hội viên sinh hoạt chị đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các chị em góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cấp hội tại cơ sở. Tâm sự với chúng tôi, chị nhớ nhất lần Hội tổ chức đi tuyên truyền cho chị em hội viên bản Huổi Moi. Đây là bản xa nhất và khó đi nhất, muốn lên được bản đường duy nhất là men theo dòng suối. Đường khó đi đã đành, nhưng hầu hết chị em ở bản Huổi Moi đều không biết chữ nên công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật gặp nhiều khó khăn. Khi đi được nửa đường thì trời đổ mưa, nước trên thượng nguồn đổ về khiến chúng tôi không thể tiến hay lùi. Cả đoàn không ai mang theo lương thực, thế là phải ở trong rừng mất 1 ngày. Ai cũng mệt và đói lả, phải đi hái rau rừng về ăn cầm cự đợi trời tạnh mới có thể tiếp tục đi”.

Pa Thơm là xã giáp biên giới Lào, giao thông đi lại khó khăn, đời sống bà con còn thấp... Nói như thế để thấy công tác phụ nữ mà chị Vì Thị Xôm đảm nhận trong những năm qua nhọc nhằn biết nhường nào. Từ việc vận động hội viên đến tuyên truyền các phong trào, chủ trương, chính sách... Thế nhưng, nhiều mô hình, việc làm thiết thực, hiệu quả đã được chị phát động, nổi bật là các phong trào tiết kiệm. Bắt đầu từ năm 2005, mỗi tháng hội viên góp vốn xoay vòng với số tiền 20 ngàn đồng/người. Tiền quỹ được luân chuyển cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay nhờ đó đã tạo điều kiện cho nhiều gia đình đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, nâng cao thu nhập, từng bước thoát nghèo.

Tôi hỏi chị về bí quyết để thành công trong công việc và hạnh phúc trong gia đình. Chị Xôm nói rất từ tốn: “Đâu phải đời sống được no đủ, thoải mái mà hạnh phúc gia đình được tràn đầy. Xã hội ngày nay đòi hỏi quá khắt khe với người phụ nữ. Chị chỉ nghĩ hạnh phúc gia đình thường giản đơn, là sự đồng cảm, sẻ chia và là nơi để mỗi chúng ta bình yên khi trở về. Phụ nữ cũng như bếp lửa vậy. Phải luôn giữ ấm trái tim mình và sống nhân hậu với cuộc đời”. Để vừa là người phụ nữ thành đạt trong công việc, vừa là người mẹ, người vợ được chồng con thương yêu, chị đã có một thời gian dài tự học và phấn đấu. Làm việc nhiều, tiếp xúc nhiều với hàng trăm hoàn cảnh phụ nữ khác nhau, chị đã có thêm kiến thức để vững vàng, xử lý mọi tình huống nhanh và hợp tình, hợp lý.

Khép lại bài viết tôi vẫn thấy mình chưa thể hiện hết những điều cảm nhận về chị. Nhưng cũng như lời chị nói, sống ở đời cần nhất vẫn cái tình. Tình người, tình yêu và niềm chia sẻ hiến dâng của tuổi trẻ cùng những khát vọng hoài bão.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top