Đổi thay trên quê hương cách mạng

00:00 - Thứ Tư, 23/03/2016 Lượt xem: 2266 In bài viết
ĐBP - Trở lại xã Sa Dung (huyện Điện Biên Đông) - cái nôi quê hương cách mạng vào những ngày tháng 3, khi hoa ban nở trắng núi rừng, chúng tôi bỗng thấy lòng mình khác lạ, bởi những nếp nhà đã dần thay màu ngói mới, những đứa trẻ tung tăng cắp sách đến trường... Một diện mạo mới Sa Dung hiện ra với những gam màu tươi sáng về cuộc sống đủ đầy, bừng sáng trên con đường đổi mới.

Từ trung tâm huyện Điện Biên Đông, chúng tôi ngược gần 40km dọc theo những cung đường tựa dải lụa mềm, thoát ẩn sau những dãy núi trùng điệp về với Sa Dung; trên hành trình, từ trên cao nhìn xuống những nhành ban trắng muốt như tô điểm cho vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ. Đặt chân đến Sa Dung, chúng tôi được Chủ tịch UBND xã, Chá Chồng Chu chào đón với nụ cười nồng ấm và những câu chuyện làm cách mạng của người Sa Dung.

Một góc bản Sa Dung A.

Mở đầu câu chuyện, Chủ tịch Chá Chồng Chu bảo: “Chìa khoá” tạo nên sự đổi thay của Sa Dung hôm nay, chính là do Đảng bộ và nhân dân đã biết phát huy sức mạnh đại đoàn kết, chung sức, đồng lòng cùng vượt qua khó khăn, thử thách, tiếp bước truyền thống hào hùng của thế hệ đi trước. Có thể nói, để đạt được những kết quả đáng mừng trong phát triển kinh tế - xã hội như hôm nay, phần lớn nhờ sự hỗ trợ trực tiếp từ nhiều chương trình, dự án, chính sách của Đảng, Nhà nước, như: Chương trình 134, 135, 167... đã tạo tiền đề giúp kinh tế có bước chuyển mình đáng kể. Đặc biệt, phát huy sức mạnh đoàn kết, từ điều kiện thực tế của địa phương và bằng nội lực sẵn có, nhân dân đã nỗ lực xây dựng chuồng trại, phát triển kinh tế từ nông nghiệp, vươn lên xóa đói giảm nghèo, góp phần cùng chính quyền địa phương củng cố hệ thống chính trị từ xã đến thôn, bản, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Trước đây, người dân sống dựa vào cây ngô, lúa nương với lối du canh, du cư, chọc lỗ tra hạt, diện tích nhỏ hẹp cho năng suất thấp. Để tìm hướng thoát nghèo bền vững cho người dân trong sản xuất nông nghiệp, Đảng bộ, chính quyền xã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân bỏ lối canh tác lạc hậu, khai hoang lúa nước, tăng cường đưa giống mới năng suất cao vào trồng; áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt. Với tổng diện tích trên 8.422ha đất nông nghiệp, chính quyền xã phối hợp cùng Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện cấp những giống lúa, ngô cho năng suất cao, như: IR64, bắc thơm, ngô VN10... tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển nông nghiệp. Để phát triển đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là hỗ trợ người nghèo có phương tiện sản xuất, từ nguồn hỗ trợ, xã đã cấp 112 con dê sinh sản cho 26 hộ nghèo; 12 con bò cho người dân bản: Nà Sản A, Phà Só B, Ca Tâu... Đồng thời, huy động mọi nguồn lực từ các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa hệ thống kênh mương nội đồng, đường giao thông nông thôn: Nâng cấp, sửa chữa hệ thống thủy lợi bản Chóng A, B phục vụ nước tưới tiêu cho gần 20ha lúa hai vụ; làm đường giao thông liên bản Sa Dung A, B... Kinh tế dần chuyển dịch theo hướng đa dạng, với lương thực bình quân trên 380kg/người/năm, người dân ở Sa Dung không những đã thoát khỏi cảnh “bữa đói, bữa no” trong những tháng giáp hạt mà còn có sản phẩm bán ra thị trường.

Đến thăm gia đình anh Sùng A Say, bản Tìa Ghếnh khi anh đang chăm sóc gia súc. Trò chuyện với chúng tôi, anh Say chia sẻ: Trước đây, do kinh tế gia đình khó khăn, thiếu vốn nên anh chỉ nuôi gia súc, gia cầm làm sức kéo sản xuất nông nghiệp và phục vụ bữa ăn gia đình. Những năm gần đây, nhận thấy nuôi gia súc, gia cầm mang lại hiệu quả kinh tế cao nên anh mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại, mua trâu, lợn, gà giống về nuôi... Đến nay, nhờ kinh nghiệm, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc nên đàn gia súc, gia cầm sinh trưởng và phát triển tốt. Hiện nay, gia đình anh nuôi 4 con trâu, bò và hàng trăm con gia cầm; trồng gần 1.000m2 lúa nước, 4.000m2 nương ngô. Mỗi năm trừ chi phí gia đình anh thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng.

Phấn khởi hơn cả là kinh tế khá lên, các gia đình có điều kiện chăm lo cho việc học của con em mình. Đến nay, 100% trẻ em của xã được đến trường đúng độ tuổi; nhiều học sinh ở những bản xa xôi, như: Háng Tầu, Háng Hịa, Phà Só A, B... cũng tích cực đến trường, đến lớp. Hệ thống cơ sở vật chất, trường lớp dần được kiên cố hóa, trang thiết bị dạy học đầy đủ, đội ngũ giáo viên có trình độ, đảm bảo chất lượng giảng dạy với 3 cấp học từ mầm non đến trung học cơ sở đã biến ước mơ, khát khao được theo đuổi con chữ của các em trở thành hiện thực.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top