Di chuyển dân để xây dựng thủy lợi Nậm Khẩu Hu:

Đi không được, ở không xong

00:00 - Thứ Sáu, 25/03/2016 Lượt xem: 2697 In bài viết
Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 Công trình thủy lợi Nậm Khẩu Hu, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư ngày 2/7/2007 và phê duyệt điều chỉnh bổ sung dự án đầu tư tại Quyết định số 2315/QĐ-UBND, ngày 25/12/2009, với tổng mức đầu tư 236 tỷ đồng, thuộc nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Mục tiêu của dự án là cấp nước tưới cho 370ha lúa 2 vụ, thuộc 2 xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên), Thanh Minh (TP. Điện Biên Phủ) và 500ha hoa màu, cây công nghiệp của xã Thanh Nưa (nay là 2 xã Hua Thanh và Thanh Nưa) huyện Điện Biên...

...Ngoài ra công trình còn cung cấp nước sinh hoạt cho 100.000 người dân vùng lòng chảo Điện Biên, kết hợp phát điện công suất lắp máy N1m=3.0MW. Đây là dự án quy mô lớn, có tầm quan trọng đặc biệt trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng, dự án đang làm ảnh hưởng đến không ít đến cuộc sống người dân. Công trình thủy lợi Nậm Khẩu Hu được khởi công chính thức năm 2010, theo kế hoạch hoàn thành vào năm 2015. Tuy nhiên, đến thời điểm này dự án thủy lợi Nậm Khẩu Hu còn dang dở.

Ngôi nhà của anh Sùng A Chư, bản Nậm Khẩu Hu đã hư hỏng nặng nhưng anh không dám sửa chữa.

Theo Quyết định phê duyệt dự án, có 33 hộ dân bản Nậm Khẩu Hu thuộc khu vực lòng hồ cần được sắp xếp tái định cư và 21 hộ dân bản Co Pục, xã Hua Thanh trong vùng có nguy cơ sạt lở cần di chuyển. Phương án di chuyển dân được phê duyệt từ năm 2011, nhưng đến nay họ vẫn chưa thể đi đâu vì chưa được bố trí tái định cư và chưa nhận được tiền đền bù để di chuyển đến nơi ở mới. Ông Đào Quang Lịch, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án chuyên ngành nông nghiệp (Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) cho biết, theo phương án ban đầu, sẽ chuyển 33 hộ dân bản Nậm Khẩu Hu lên khu vực đỉnh đèo Cò Chạy thuộc xã Hua Thanh, cách nơi ở cũ 7km, với tổng kinh phí 51,37 tỷ đồng. Theo đó, sẽ bố trí 6ha đất ở và 16ha đất sản xuất cho các hộ dân. Song do đơn giá đền bù đất đai có sự thay đổi nên kinh phí đã tăng lên gần 100 tỷ đồng. Vì vậy, Ban Quản lý đã báo cáo UBND tỉnh, nhưng do số tiền quá lớn nên chưa có nguồn. Vì vậy, chưa thể di chuyển các hộ dân đi nơi khác. Đây cũng là nguyên nhân làm ảnh hưởng tiến độ thi công dự án.

5 năm trời chờ đợi di chuyển hàng chục hộ dân Nậm Khẩu Hu luôn ngày đêm lo lắng. Trong căn nhà cấp 4 lụp xụp, ông Giàng Chờ Và nói với chúng tôi về nỗi lo lắng, sự phấp phỏng trong tâm trí ông. Cột trụ, cột chống mái nhà mục nát, nhưng gia đình không được phép sửa chữa hay xây dựng lại. Không chỉ vậy, cũng đã 5 năm trôi qua, vợ chồng ông Và gần như không còn đất sản xuất. Ông Và chia sẻ: “Người dân nơi đây phải chịu thiệt thòi đủ đường từ khi có dự án xây dựng hồ thủy lợi. Đất đai có cũng không dám trồng mới bất kỳ loại cây gì. Vườn cây lâu năm đã già cỗi, kém hiệu quả vẫn không dám chặt bỏ để trồng loại cây khác. Nhà cửa thì chỉ làm tạm bợ, không thể xây dựng kiên cố”. Còn gia đình anh Sùng A Chư, người dân bản Nậm Khẩu Hu cho biết, trước đây, nhiều lần cán bộ đến đo đạc đất đai, đếm cây cối và chụp ảnh hiện trạng nhà của người dân nhưng chờ hết năm này qua năm khác vẫn không thấy động tĩnh gì. Nhiều năm trôi qua, đời sống của bà con nhân dân gặp không ít khó khăn.

Anh Giàng A Tu, Trưởng bản Nậm Khẩu Hu, cho biết thêm: “Quy hoạch “treo” đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân. Có tiền nhưng không xây nhà được vì không được cấp phép. Vả lại, nằm trong quy hoạch, chưa biết giải tỏa lúc nào nên chẳng ai dám xây dựng. Vì thế, đất rộng nhưng nhiều gia đình con cái đông, dựng vợ gả chồng rồi đành phải ở chen chúc vì không thể cơi nới nhà cửa hoặc tách hộ xây nhà riêng. Chuyện đi - ở luôn làm chúng tôi phấp phỏng”.

Tìm lời giải cho việc di dân ở Nậm Khẩu Hu, tại buổi làm việc của Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Sơn với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữa tháng 3 vừa qua, ông Đào Quang Lịch đã đưa ra phương án là tái định cư tại chỗ, vén dân lên cao chỉ tốn hơn 14,5 tỷ đồng mà thuận lợi. Tuy nhiên, theo ý kiến của Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Sơn thì phương án đó không khả thi, bởi nếu vén dân lên cao thì rác, nước thải sinh hoạt sẽ đổ hết xuống lòng hồ trong khi thủy lợi phục vụ nước sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân lòng chảo Điện Biên. Vì vậy, Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Sơn, yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục nghiên cứu phương án ban đầu, di dân lên đỉnh đèo Cò Chạy, dù tốn kém kinh phí hơn. Như vậy, thời gian tới, để đảm bảo định canh định cư cho người dân bản Nậm Khẩu Hu, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần nhanh chóng khảo sát, di chuyển dân để đảm bảo đời sống cho bà con.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top