Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

Nhiều cải thiện nhờ ý thức của người tiêu dùng

00:00 - Thứ Tư, 30/03/2016 Lượt xem: 2718 In bài viết
ĐBP - Thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Số vụ vi phạm về ATVSTP, số ca ngộ độc thực phẩm giảm… Có được kết quả đó, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng qua công tác thanh, kiểm tra, đẩy mạnh việc tuyên truyền, thì ý thức của người tiêu dùng cũng là một trong những nhân tố quan trọng góp phần đảm bảo ATVSTP…

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thúy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP, cho biết: Đảm bảo ATVSTP là công việc hết sức khó khăn. Bởi để làm tốt được công tác đó, không chỉ cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan liên ngành mà ý thức, trách nhiệm của người tiêu dùng trong đảm bảo vệ sinh thực phẩm vẫn là chính. Dù cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh, xử phạt nghiêm những đơn vị kinh doanh, sản xuất chưa đủ tiêu chuẩn hoạt động hay có dấu hiệu vi phạm về ATVSTP đến đâu, nhưng bản thân người tiêu dùng không có kiến thức, không tích cực tuân thủ nguyên tắc về ATVSTP thì cũng khó mà hiệu quả. Bà Hồng lý giải: Cách đây khoảng 3 năm, số vụ vi phạm thuộc lĩnh vực ATVSTP cao cho dù các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác tuyên truyền, mở các lớp tập huấn về ATVSTP từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra, nhắc nhở đơn vị kinh doanh, cơ sở sản xuất, song thực trạng đó vẫn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, nhiều ca ngộ độc thực phẩm có tính chất nguy hiểm…

Đoàn công tác Chi cục ATVSTP tỉnh kiểm tra ATVSTP tại Khách sạn Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ.

Tuy nhiên, khi đời sống của người dân nâng lên, nhu cầu và điều kiện tiếp cận kiến thức về vệ sinh thực phẩm đã có nhiều chuyển biến, người tiêu dùng sẵn sàng tẩy chay những sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Qua thông tin từ các phương tiện truyền thông và kinh nghiệm bản thân người tiêu dùng đã biết cách chọn những sản phẩm phù hợp và tốt cho sức khỏe… Chính vì thế, năm 2014 và 2015, mặc dù tỉnh có nhiều sự kiện chính trị quan trọng, song các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống trên địa bàn đều đảm bảo ATVSTP. Riêng năm 2015, Sở Y tế phối hợp với các cơ quan chức năng thành lập 71 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành; Chi cục ATVSTP thực hiện 8 đoàn kiểm tra tại 2.846 lượt cơ sở; trong đó, 2.209 cơ sở đạt tiêu chuẩn (chiếm 77,6%). Các cơ sở không đạt chuẩn ATVSTP phần lớn do không đảm bảo quy định về địa điểm sản xuất, chế biến; không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP hoặc hết hạn; trang bị bảo hộ lao động chuyên dụng cho công nhân chưa đầy đủ và cơ sở dịch vụ ăn uống giải khát nhỏ lẻ chưa thực hiện đúng các quy định.

Ý thức của người tiêu dùng trong đảm bảo ATVSTP tăng lên, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã quan tâm hơn đến việc đảm bảo sức khỏe cho người dân, thực hiện đầy đủ các quy trình, quy định, làm các thủ tục liên quan đến kinh doanh, chế biến thực phẩm.

Chúng tôi dạo quanh một số tuyến đường trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ như: Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Công Chất… “mục sở thị” không ít những quán ăn vỉa hè, hàng rong quanh cổng trường, các nhà hàng, khách sạn, siêu thị… Cảm nhận chung là công tác đảm bảo ATVSTP được người bán, chủ các đơn vị kinh doanh và chế biến thực phẩm khá quan tâm, khiến người tiêu dùng phần nào an tâm với những lựa chọn của mình. Chị Nguyễn Thị Loan, phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ - khách mua hàng tại Siêu thị Hoa Ba, chia sẻ: Để chọn một mặt hàng nào đó, việc đầu tiên đối với mình là xem các thông tin liên quan đến sản phẩm, như: Hạn sử dụng, nguồn gốc, xuất xứ… sau đó mới quan tâm đến giá cả. Như trước đây, những điều đó dường như mình không quan tâm. Chị Vũ Thị Hoàn ở phường Noong Bua, TP. Điện Biên Phủ thì bộc bạch: Bây giờ tivi, báo, đài nói rất nhiều về vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan để cho rau phát triển nhanh, gia súc gia cầm nhanh lớn, nhiều nạc, đẻ trứng nhiều; rồi vấn đề sử dụng chất cấm để bảo quản thực phẩm… Để tránh mua phải thực phẩm không đảm bảo ATVSTP, mấy chị em ở tổ dân phố chúng tôi thường vào internet xem hướng dẫn phân biệt thực phẩm an toàn và không an toàn, các thông tin cần kiểm tra trước khi mua hàng. Bây giờ, tôi đi chợ nhìn lợn quá nhiều nạc, rau quá xanh tốt, hàng hết hạn sử dụng hoặc chữ không rõ ràng thì chẳng bao giờ mua…

Có thể nói rằng, vấn đề ATVSTP thời gian gần đây ở Điện Biên đã được cải thiện đáng kể. Kết quả đó là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng và đặc biệt là ý thức tự bảo vệ mình của người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong điều kiện cơ chế thị trường hiện nay, ngoài các vấn đề liên quan đến kiến thức trong bảo quản, chế biến, sử dụng thực phẩm liên quan mật thiết đến người tiêu dùng, vấn đề sử dụng chất hóa học trong nuôi trồng, chế biến, bảo quản thực phẩm là vấn đề rất đáng lo ngại. Thực tế này đòi hỏi cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cả cơ quan chức năng quản lý và người tiêu dùng trong thời gian tiếp theo.

Bài, ảnh: Văn Quyết
Bình luận
Back To Top