Góc nhìn nhà báo

Cần sự quan tâm, phối hợp

00:00 - Thứ Sáu, 08/04/2016 Lượt xem: 1681 In bài viết
ĐBP - Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, của các tổ chức trong và ngoài nước, nên văn hóa nói chung và văn hóa phi vật thể nói riêng, có nhiều cơ hội được sưu tầm, khôi phục và chấn hưng. Theo đó, tại nhiều địa phương và với nhiều dân tộc, các lễ hội, các hình thức sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa, văn nghệ, tập quán trong cưới hỏi, ma chay... lần lượt được phục dựng. Kết quả là công tác bảo tồn, phát triển vốn văn hoá dân gian miền núi, vùng dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện; đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân được nâng cao một bước; ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của người dân được khơi dậy và ít nhiều nâng lên.

Tuy nhiên, khách quan mà nói còn rất nhiều khó khăn đặt ra trong quá trình thực hiện. Trở ngại lớn nhất và cũng là trở ngại đầu tiên trong hoạt động bảo tồn văn hoá, đó là kinh phí. Trở ngại thứ hai, đó là tầm nhìn, là năng lực, là tâm huyết của lãnh đạo các cấp, các ngành - mà ở đây, đặc biệt là những người, những ngành có nhiều ảnh hưởng nhất. Tiếp theo, “rào cản” thứ ba đó là quá trình thực hiện - nghĩa là ai làm, làm gì và làm thế nào? Bởi một điều đơn giản mà ai cũng biết là khi đồng vốn bảo tồn không thật sự phát huy hiệu quả, thì chẳng những mục tiêu “bảo tồn” không đạt được mà còn “mất đi” những thứ khác. Cuối cùng, “cửa ải” thứ tư trên con đường bảo tồn, đó là nhận thức của người dân - những chủ thể văn hoá - về những giá trị văn hoá truyền thống của chính dân tộc mình.

Trong khi theo thời gian, ngày một vắng đi những người hiểu biết, say mê và thực sự tâm huyết với văn hoá truyền thống các dân tộc; thì lớp trẻ bằng nhiều cách cả thụ động cũng như chủ động, đã “nhập” về cho dân tộc mình, làng bản mình, gia đình mình và bản thân mình thứ văn hoá lai căng thời thượng mà nhiều khi, chính họ cũng không hiểu biết gì. Nếu ai muốn kiểm chứng, xin hãy tới một bản văn hóa Thái bất kỳ hỏi xem có bao nhiêu thanh niên biết về trường ca “Táy pú xấc” của chính dân tộc Thái. Tương tự như thế, hãy tới một bản Mông bất kỳ, hỏi xem có bao nhiêu cô gái biết về trường ca “Tiếng hát làm dâu” nổi tiếng của chính dân tộc Mông; hãy tới một bản Hà Nhì bất kỳ, hỏi xem còn mấy người thuộc dù chỉ vài ba câu của trường ca Lờ há pá di của chính dân tộc Hà Nhì... Vào thời điểm này (04/2016), ngay tại thành phố Điện Biên Phủ nói riêng và lòng chảo Mường Thanh nói chung, trong gần 100 nóc nhà của bản văn hóa - du lịch được xếp hạng hẳn hoi, mà tuyệt nhiên không thấy một bộ khau cút nào dù được làm theo lối “cách điệu”(!). Điều đó đồng nghĩa với việc người dân nơi đây đang dần quên đi câu chuyện thiên di vinh quang nhưng cũng đầy khổ đau của tổ tiên người Thái; quên đi lời nguyền thiêng liêng để các thế hệ hậu duệ có thể qua đó mà nhận ra dòng tộc của mình, họ mạc mình, nhắc lại cho mình một niềm tin kiêu hãnh trong quá khứ sinh thành...

Theo ý kiến các chuyên gia, ngoài trách nhiệm của ngành Văn hoá - Thể thao & Du lịch, công tác gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hoá các dân tộc thiểu số, cần có sự quan tâm phối hợp một cách hiệu quả của các cấp uỷ, chính quyền địa phương trong việc nâng cao nhận thức cho đồng bào. Thiết nghĩ, khôi phục các lễ hội văn hóa truyền thống, tăng cường hoạt động giao lưu văn hoá cộng đồng, quán triệt tinh thần, giáo dục tư tưởng nhân văn... là việc cần làm, làm thường xuyên và nhất là làm có bài bản, có trách nhiệm và có khát vọng. Di sản văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số chỉ thực sự được giữ gìn, phát huy khi có sự quan tâm thật sự và nghiêm túc của các ngành, các cấp và sự hưởng ứng tích cực từ chính người dân của những dân tộc đó...

Song Sơn
Bình luận
Back To Top