Có giấy phép lái xe quốc tế, chưa chắc được lái xe ở nước ngoài

00:00 - Thứ Sáu, 08/04/2016 Lượt xem: 1879 In bài viết
Trên cơ sở Nghị quyết của Chính phủ Việt Nam về việc gia nhập Công ước quốc tế 1968 về Giao thông đường bộ và Công ước về Biển báo - Tín hiệu đường bộ (gọi tắt là Công ước Vienna), ngày 20-8-2014, Liên hiệp quốc đã công nhận Việt Nam chính thức tham gia công ước này.

Theo đó, công dân Việt Nam được cấp giấy phép lái xe (GPLX) quốc tế sẽ có giá trị sử dụng, được lái xe ở 85 quốc gia tham gia Công ước Vienna mà không phải học, thi lấy GPLX của nước sở tại. GPLX quốc tế sẽ được cấp theo mẫu thống nhất của Công ước Vienna, theo dạng quyển có nhiều trang (giống hộ chiếu), in bằng 4 thứ tiếng cơ bản là Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha và tiếng của nước cấp GPLX đó. Trong GPLX sẽ ghi rõ người có GPLX quốc tế được lái ô tô, mô tô loại nào. GPLX quốc tế có thời hạn theo quy định chung của công ước từ 1 - 3 năm.

Khi người Việt Nam sử dụng GPLX quốc tế ở những nước tham gia Công ước Vienna thì không cần phải đăng ký trước với cơ quan quản lý giao thông ở nước đó. Người sử dụng GPLX quốc tế khi lái xe nếu được cơ quan kiểm soát giao thông yêu cầu xuất trình GPLX thì xuất trình theo yêu cầu để họ kiểm tra. Còn những người ở các nước tham gia Công ước Vienna có GPLX quốc tế do quốc gia của mình cấp khi đến Việt Nam sẽ được Việt Nam công nhận GPLX đó. GPLX quốc tế do Việt Nam cấp chỉ được sử dụng ở nước ngoài. Ở trong nước, người dân vẫn phải sử dụng GPLX thông thường.

Thời gian qua, TPHCM đã cấp hàng trăm GPLX quốc tế cho người dân và người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia về giao thông, những người được cấp GPLX quốc tế khi đến nước có công nhận bằng quốc tế đó, vẫn phải làm thủ tục để được họ cấp GPLX của nước họ.

Điều này có nghĩa, không phải cứ có bằng quốc tế, ra nước ngoài thì có thể lái xe ngay, dù đó là quốc gia có công nhận bằng quốc tế theo Công ước Vienna. Bởi vì tình trạng giao thông mỗi nước mỗi khác, hiện nay nhiều nước quy định lưu thông bên trái và xe tay lái nghịch (khác với Việt Nam). Như vậy, muốn được lưu thông, bắt buộc phải học luật giao thông của nước sở tại.

Ông Võ Trọng Nhân, Trưởng phòng Quản lý sát hạch và Cấp giấy phép lái xe thuộc Sở Giao thông Vận tải TPHCM, cũng khẳng định TPHCM cấp GPLX quốc tế đúng theo công ước nêu trên, tuy nhiên người có GPLX có lưu thông được hay không còn tùy thuộc vào luật giao thông của các nước sở tại có luật và phương tiện lưu thông tương đương (tức là gần giống với quy định của Việt Nam). Nếu không thì có thể phải học lại luật giao thông đường bộ nước đó.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top