Bộ Tư pháp họp báo với nhiều vấn đề nóng

00:00 - Thứ Sáu, 08/04/2016 Lượt xem: 1811 In bài viết
Sáng 8/4, cuộc họp báo quý I năm 2016 do Bộ Tư pháp tổ chức đã diễn ra khá sôi động với các vấn đề được các nhà báo quan tâm như quy định "phạt tù người ngoại tình", việc bồi thường oan sai, hay các vấn đề xung quanh Luật Tiếp cận thông tin...

Cuộc họp thường kỳ của Bộ Tư pháp có sự tham gia của lãnh đạo các đơn vị và các cơ quan thông tấn báo chí cả nước.

Tại cuộc họp báo, ông Trần Tiến Dũng, Thứ trưởng, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ Tư pháp cho biết, trong quý I/2016, ngành Tư pháp đã bám sát Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 7/1/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016.

Ông Trần Tiến Dũng - Thứ trưởng, Chánh Văn phòng, người Phát ngôn của Bộ Tư pháp - chủ trì cuộc họp.

Đặc biệt, một số nội dung chủ yếu của Luật Tiếp cận thông tin được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII cũng đã được đại diện bộ thông tin tới báo chí. Luật gồm 5 chương, 37 điều với các nội dung chủ yếu sau:

- Chủ thể thực hiện quyền tiếp cận thông tin là công dân. Người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và người dưới 18 tuổi thực hiện quyền này thông qua người đại diện theo pháp luật. Những trường hợp là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam chỉ được yêu cầu cung cấp những thông tin có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của họ.

- Về chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin, luật quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc cung cấp thông tin và bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân. Tuy nhiên, các cơ quan chỉ có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình tạo ra, ngoại trừ UBND cấp xã các khu vực vùng sâu vùng xa, vùng điều kiện khó khăn có thêm trách nhiệm cung cấp thông tin do mình nhận được từ cơ quan khác.

- Công dân được tiếp cận thông tin bằng hai cách thức: Tự do tiếp cận thông tin do cơ quan nhà nước công khai; yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin.

- Công dân được tiếp cận tất cả thông tin của cơ quan nhà nước theo quy định của luật này, trừ thông tin công dân không được tiếp cận và thông tin không đáp ứng các điều kiện quy định tại luật này.

- Công dân sẽ được cung cấp thông tin một cách thuận tiện, nhanh chóng và ít tốn kém nhất. Thời hạn cung cấp với các thông tin đơn giản chậm nhất là 3 đến 5 ngày làm việc, với các thông tin phức tạp chậm nhất là 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ.

Nhiều phóng viên đặt câu hỏi trong cuộc họp và đã được đại diện Bộ Tư pháp giải đáp.

Tại cuộc họp, phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí cũng đặt ra câu hỏi về một số bộ luật, quy định, vụ việc cụ thể trong thời gian qua và đã nhận được giải đáp từ lãnh đạo Bộ Tư pháp.

Liên quan tới việc thực hiện Chỉ thị 02/CT-BTP về việc cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp không uống rượu, bia trong giờ làm việc, ông Trần Tiến Dũng đánh giá: “Chỉ thị 02 là một chỉ thị tốt và đã đi vào cuộc sống. Qua quá trình thực hiện, chúng tôi hầu như không phát hiện có sai phạm, chỉ có một trường hợp duy nhất là Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An Nguyễn Văn Gấu. Chúng tôi đã yêu cầu kiểm điểm và cắt thi đua đối với trường hợp này. Qua đó, toàn ngành thi hành án đã có nhắc nhở chung, đồng thời Bộ cũng đã thành lập tổ công tác đi kiểm tra việc triển khai của các cán bộ công chức viên chức”.

Về vấn đề thí điểm phần mềm hộ tịch và kết nối với phần mềm cấp mã số định danh tại 4 tỉnh, 4 thành phố và 1 huyện thuộc tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Công Khanh - Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực - cho biết, muốn khai thác được lợi ích của số định danh cá nhân, tất cả các cơ quan thực hiện thủ tục hành chính phải có các phần mềm tương ứng để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia.

Trong 3 tháng vừa qua, Bộ Công an và Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ để cùng thực hiện và khắc phục một số khó khăn, nhất là về kỹ thuật và kết quả đạt được sau quá trình thí điểm tương đối khả quan. Thời gian từ khi cấp giấy khai sinh tới khi có sổ định danh kéo dài chưa đến 1 phút.

Tuy nhiên, tình trạng sai sót khi nhập dữ liệu cũng là một vấn đề nan giải, nhất là tại thành phố Hà Nội. Cơ sở hạ tầng thông tin của bộ hiện nay còn hạn chế, bởi vậy việc triển khai toàn bộ phần mềm trên toàn quốc chưa thể đáp ứng được.

Về quyền chuyển đổi giới tính được quy định tại Điều 37 trong Bộ luật Dân sự 2015, ông Nguyễn Thanh Tú – quyền Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế cho biết, đây là vấn đề phức tạp và có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Bởi vậy Quốc hội quyết định phải có một bộ luật quy định cụ thể về vấn đề này để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người chuyển đổi giới tính.

Tại hội nghị cao cấp toàn cầu do tạp chí The Economist tổ chức ngày 3/3 vừa qua, đại diện của Bộ Tư pháp đã trình bày những nỗ lực và tiến triển trong quy định của Việt Nam về vấn đề này và được hội nghị đánh giá rất cao. Hiện nay trên thế giới, chưa đến 20 quốc gia có quy định về mặt pháp lý để bảo vệ quyền của người chuyển đổi giới tính, và nhiều quốc gia thậm chí còn hình sự hóa vấn đề.

Về tính khả thi của việc xử lý tội vi phạm chế độ một vợ một chồng quy định tại Điều 182 Bộ luật Hình sự, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết, điều kiện để phạt hình sự trong trường hợp này bao gồm hai yếu tố: Làm cho quan hệ hôn nhân của một trong hai bên dẫn đến ly hôn; đã bị xử phạt hành chính về vấn đề này mà còn vi phạm. Mức xử phạt bao gồm phạt cảnh cáo, phạt cảnh cáo không giam giữ đến 1 năm, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm. Việc quy định khung khác nhau căn cứ vào bản chất và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trong vụ việc. Cơ sở của quy định tại Điều 182 là việc hoàn thiện Điều 147 của Bộ luật Hình sự năm 1999.

Về việc bồi thường nhà nước đối với ông Huỳnh Văn Nén, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà nước Trần Việt Hưng cho biết, đây là thẩm quyền giải quyết của tòa án tỉnh Bình Thuận. “Chúng tôi sau khi nhận được đơn của ông Huỳnh Văn Nén cũng đã gửi văn bản sang Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao để trao đổi và phối hợp, tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi. Vấn đề này cũng đã được đề cập trong cuộc họp liên ngành ngày 10/3 vừa qua. Theo đó, ông Nén đã làm đơn yêu cầu bồi thường gửi đến TAND Tối cao. TAND Tối cao sẽ có văn bản chính thức hướng dẫn ông Huỳnh Văn Nén làm thủ tục và hoàn thiện hồ sơ để đảm bảo quyền lợi của mình”.

Theo Hanoimoi
Bình luận
Back To Top