Khi nghị quyết hợp lòng dân

00:00 - Thứ Hai, 11/04/2016 Lượt xem: 1782 In bài viết
ĐBP - Xóa đói giảm nghèo là việc không dễ và cần cả quá trình, nhưng với kết quả giảm nghèo “ấn tượng” mà huyện Điện Biên đạt được sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết số 11 của Đảng bộ huyện về chương trình xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2015, một lần nữa khẳng định: khi nghị quyết hợp lòng dân, khơi dậy được sức dân thì việc lớn hay nhỏ, khó hay dễ đều sẽ thành công…

Xuất phát từ thực tiễn các xã trên địa bàn đều là xã thuần nông, sản xuất nông nghiệp gắn liền với đời sống, thu nhập của người dân. Vì vậy, một trong số giải pháp được Đảng bộ huyện Điện Biên đề ra trong quá trình thực hiện xóa đói giảm nghèo là chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng xóa dần tính chất thuần nông; khai thác tiềm năng; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất theo hướng hàng hóa.

Người dân xã Thanh Chăn nuôi lợn sinh sản, góp phần tăng thu nhập.

Dưới sự định hướng, lãnh, chỉ đạo của Đảng bo, chính quyền các cấp trong huyện, sự vào cuộc của các tổ chức hội, đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động đã giúp người dân thay đổi nếp nghĩ cách làm, vươn lên xóa đói giảm nghèo. Không chỉ là vùng trọng điểm lúa của cả tỉnh, người dân các xã vùng lòng chảo Điện Biên còn đi đầu trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Thực hiện hiệu quả nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng giá trị kinh tế cao, như trồng cam ở bản Lếch Cang; chăn nuôi lợn thịt ở bản Thanh Hồng 11 (xã Thanh Chăn); trồng rau màu tại xã Pom Lót và Thanh Luông; trồng cây cảnh tại xã Thanh Hưng, Thanh Luông… góp phần tích cực nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Bà Hà Thị Bích Nhung, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng, cho biết: Nhằm thực hiện hiệu quả chương trình xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững, song song với việc tuyên truyền, vận động người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi; chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, Đảng bộ, chính quyền xã Thanh Hưng đã phát huy tốt vai trò tiên phong làm kinh tế của cán bộ, đảng viên để nhân dân học tập và làm theo. Và với bà Nhung, không chỉ hoàn thành tốt trong nhiệm vụ ở xã, gần 5 năm qua, bà cùng gia đình đi đầu trong việc chuyển phần diện tích đất vườn trồng rau màu sang trồng các loại hoa có giá trị kinh tế phục vụ nhu cầu thị trường. Thấy việc chuyển đổi mô hình trồng hoa hiệu quả; bà Nhung cũng nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc để hoa ra đúng thời vụ nên người dân ở nhiều thôn, đội trong xã đã chuyển đổi một phần diện tích đất trồng lúa, rau màu; đất vườn sang trồng hoa, trồng cây cảnh vừa tạo việc làm và đem lại thu nhập ổn định. Hiện nay, toàn xã có hơn 100 hộ trồng hoa, cây cảnh, thu nhập trung bình từ 50 - 100 triệu đồng/hộ/năm. Ngoài ra, các mô hình nuôi cá rô phi đơn tính, nuôi vịt siêu trứng, lợn sinh sản… khá hiệu quả đã giúp đời sống của người dân được cải thiện, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo trong toàn xã. Hiện nay, Thanh Hưng còn 5,5% hộ nghèo, thu nhập bình quân đạt 12 triệu đồng/người/năm.

Đối với các xã vùng ngoài của huyện Điện Biên để thực hiện mục tiêu Nghị quyết đề ra, trên cơ sở chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, việc sử dụng nguồn vốn và triển khai các mô hình kinh tế hiệu quả rồi nhân ra diện rộng đều được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương khích lệ. Điển hình, như mô hình nuôi bò sinh sản theo nhóm hộ tại các xã: Hẹ Muông, Pa Thơm, Mường Lói, Thanh Nưa, Núa Ngam, Na Tông, Hua Thanh… với hình thức chăn thả luân phiên giữa các hộ, không chỉ tiết kiệm được công chăm sóc mà còn giúp đàn bò tăng khả năng sinh sản.   

Xác định xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần sự vào cuộc của toàn xã hội, chính vì vậy Huyện ủy Điện Biên đã tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, quản lý của chính quyền, phát huy sức mạnh của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội để làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân để nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Trong đó, huyện chú trọng thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ trực tiếp đối với hộ nghèo, người nghèo, chính sách đặc thù cho địa bàn khó khăn, tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Thực hiện lồng ghép chương trình xóa đói giảm nghèo với các chương trình, dự án; đồng thời ưu tiên các nguồn lực để thực hiện hiệu quả mục tiêu xóa đói giảm nghèo, đảm bảo điều kiện thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh cho người dân, nhất là ở các thôn, bản đặc biệt khó khăn… Với các giải pháp triển khai đồng bộ, sau gần 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 11, nhiều mục tiêu trong chương trình xóa đói giảm nghèo của huyện không chỉ đạt mà còn vượt mục tiêu đề ra. Tính đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 14,56%; 65% số thôn, bản được cấp nước hợp vệ sinh, người nghèo được tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cơ sở hạ tầng nông thôn được nâng lên và đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.

Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top