Vai trò của công đoàn trong việc tổ chức hội nghị người lao động

00:00 - Thứ Tư, 13/04/2016 Lượt xem: 4010 In bài viết
ĐBP - Toàn tỉnh hiện có 57 doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS). Các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn hàng năm đều tổ chức hội nghị người lao động, ban hành các quy chế, quy định về thực hiện quy chế dân chủ tại doanh nghiệp với các nội dung quan trọng, chủ yếu như: Nội quy lao động, nội quy an toàn vệ sinh lao động, thỏa ước lao động tập thể; quy chế trả lương, tiền thưởng, phân phối quỹ phúc lợi; xây dựng, sử dụng quỹ khen thưởng; ban hành quy chế phối hợp trách nhiệm giữa ban giám đốc và ban chấp hành công đoàn; nội quy khám chữa bệnh, nội quy bếp ăn tập thể; kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ tay nghề, lý luận chính trị; kế hoạch tuyển dụng, hợp đồng lao động; kế hoạch bảo hộ lao động...

Giám đốc Công ty Xăng dầu Điện Biên trao giấy khen cho các tập thể tại Hội nghị người lao động năm 2016.

Hầu hết các doanh nghiệp đã chủ động công khai, thông báo với người lao động các chế độ chính sách của Nhà nước về tiền lương, mức lương vùng, tiền thưởng; nội quy an toàn lao động, quy trình vận hành máy móc, thiết bị có yếu tố nghiêm ngặt; phiếu giao việc và kiểm tra thiết bị trước khi thao tác; ngay từ khi tuyển dụng lao động bổ sung đều giới thiệu, tập huấn các nội dung liên quan để người lao động nắm được. Việc trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn cũng đã được các doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật. Điều quan trọng, tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện lấy ý kiến rộng rãi của người lao động tham gia trực tiếp, ý kiến tổng hợp từ các tổ, đội sản xuất, tại các cuộc họp giao ban định kỳ... nhằm phát huy vai trò của người lao động ngay từ cơ sở trong việc đề ra giải pháp, nâng cao năng suất lao động, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động và hiệu quả thời gian lao động, công suất máy móc thiết bị, sản phẩm hàng hóa sản xuất ra đạt tiêu chuẩn, chất lượng. Những nội dung liên quan đến quyền lợi của người lao động được tập trung bàn thảo sâu hơn, như: Việc ký kết hoặc chấm dứt hợp đồng lao động thông qua văn bản trực tiếp, các nội dung có lợi hơn đối với người lao động được ghi vào thỏa ước lao động tập thể, những nội dung quy định của doanh nghiệp yêu cầu người lao động phải tuân thủ và chấp hành. Với các hình thức tổ chức phù hợp, ban chấp hành CĐCS đã chủ động phối hợp cùng người sử dụng lao động chuẩn bị các nội dung, chủ trì tổ chức hội nghị người lao động đạt 80%. Có thể khẳng định, thông qua hội nghị người lao động các doanh nghiệp đã thực hiện nghiêm túc việc kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động, sản xuất  kinh doanh; kiểm điểm hoạt động của ban chấp hành CĐCS; công tác phát động và tổ chức các phong trào thi đua, khen thưởng thành tích được quan tâm chú trọng hơn.

Một trong những nội dung quan trọng nữa là công tác giám sát của người lao động thông qua vai trò đại diện của ban chấp hành công đoàn, của ban thanh tra nhân dân với hình thức trực tiếp trong thực hiện các quy định, quy chế doanh nghiệp thông qua hình thức trao đổi trực tiếp được phát huy, song chủ yếu tập trung vào những lợi ích thiết thực nhất, còn việc tham gia ý kiến của người lao động thông qua các cuộc đối thoại với lãnh đạo doanh nghiệp thường ít được thực hiện, hình thức triển khai lấy ý kiến đối với các quy định, quy chế của một số doanh nghiệp chưa phù hợp, người lao động chưa tích cực chủ động tham gia góp ý hoặc còn mang tính đại diện, hình thức.

Xác định việc tổ chức hội nghị người lao động hàng năm theo quy định của pháp luật cần thực hiện nghiêm túc, kết hợp các hội nghị khác có sự tham gia của CĐCS, phải thực sự là diễn đàn, là nơi phát biểu chính kiến của người lao động, về thực hiện các chính sách, chế độ của Nhà nước, về hoạt động và thực hiện pháp luật tại doanh nghiệp. Tôn trọng ý kiến cá nhân của người lao động, cần phát huy, khơi dậy tinh thần sáng tạo, trách nhiệm, nhất là những ý kiến mang tính đột phá, chiến lược, tính giải pháp cao; cần xây dựng cơ chế phản biện, từ đó tổng hợp được những kiến nghị, đề xuất hay đưa vào áp dụng. Phải xem ý kiến người lao động thực sự là tài sản quý, là trung tâm của mọi hoạt động ở doanh nghiệp. Gắn việc thực hiện quy chế dân chủ trong các doanh nghiệp với việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, chăm lo kịp thời đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động để gắn bó lâu dài, chia sẻ khó khăn, cùng đoàn kết xây dựng doanh nghiệp ngày càng phát triển bền vững.

            Bài, ảnh: Phạm Thị The

(Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh)

Bình luận
Back To Top