Trạm bảo vệ thực vật huyện Điện Biên:

Phải thường xuyên báo cáo tiến độ phát triển châu chấu tre

00:00 - Thứ Sáu, 15/04/2016 Lượt xem: 3285 In bài viết
ĐBP - Tháng 8/2015 mới di thực vào địa bàn xã Phu Luông, Mường Lói (huyện Điện Biên), nhưng châu chấu tre đã phát triển mạnh, gây hại nặng cho các rừng tre. Thức ăn chính của châu chấu tre là lá, thân tre nhưng khi nguồn thức ăn hết thì châu chấu tre sẽ di chuyển và gây hại trên cây trồng nông nghiệp, đặc biệt là lúa, ngô, mía.

Hiện tại, châu chấu tre mới gây hại trên một số diện tích rừng tre thuộc bản Trung tâm, bản Na Há (xã Phu Luông) và bản Lói (xã Mường Lói) với thiệt hại, mật độ không đáng kể, song thời tiết những tháng tới (đặc biệt từ tháng 5-9/2016) sẽ thuận lợi cho châu chấu tre phát triển, gây hại trên diện rộng. Nếu không được kiểm soát, ngăn chặn kịp thời, rất có thể châu chấu tre sẽ phát triển thành dịch, gây hại trên nhiều địa bàn các xã, huyện lân cận.

Để khống chế, khoanh vùng tiến tới diệt trừ nạn châu chấu tre trên địa bàn huyện Điện Biên, Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh đề nghị UBND huyện Điện Biên chỉ đạo Phòng NN-PTNT, Hạt Kiểm lâm, Trạm Khuyến nông – khuyến ngư và các ban quản lý rừng trên địa bàn tăng cường phối hợp, kiểm tra tình hình phát triển, gây hại của châu chấu tre. Trong đó, tập trung xác định các khu vực châu chấu tre đã đẻ trứng, mật độ ổ trứng, thời kỳ phát dục, diện tích khu vực đẻ trứng... để nhận định, dự báo khả năng phát triển của châu chấu tre. Trước mắt, UBND hai xã Mường Lói, Phu Luông phải tập trung thực hiện các giải pháp kỹ thuật để giám sát, phòng trừ sớm và phòng trừ khi châu chấu tre di chuyển; đôn đốc nông dân thường xuyên thăm đồng, kiểm tra diện tích lúa ngô đã gieo trồng để có biện pháp phòng trừ châu chấu tre theo hướng dẫn, hạn chế thiệt hại do châu chấu tre gây ra. Định kỳ 15 ngày một lần, Trạm bảo vệ thực vật huyện phải tổng hợp, báo cáo UBND huyện Điện Biên, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh về tình hình phát triển, gây hại của châu chấu tre trên địa bàn.

Châu chấu tre có tên khoa học là ceracris kiangsu, là đối tượng dịch hại nguy hiểm, khó kiểm soát, dễ bùng phát thành dịch, gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp trong thời gian ngắn. Việc phòng trừ châu chấu tre bằng thuốc hoá học chỉ đạt hiệu quả cao nếu tiến hành sớm vào thời kỳ châu chấu mới nở (chưa có cánh). Do vậy, phòng trừ sớm khi châu chấu còn non là cách hiệu quả và ít tốn kém.

Bích Hạnh
Bình luận
Back To Top