Điện Biên đón các anh về

00:00 - Thứ Sáu, 15/04/2016 Lượt xem: 2405 In bài viết
ĐBP - Tháng Tư, hoa gạo đỏ rực trên các sườn đồi, những cơn gió Lào ràn rạt trên cánh đồng Mường Thanh. Dọc tuyến đường mang tên vị tướng Võ Nguyên Giáp từng đoàn người cầm cờ hoa đứng nghiêm trang vẫy chào đoàn xe quân đội chở 27 di hài những người lính quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên nước bạn Lào về với đất mẹ thiêng liêng. Đã nhiều lần tôi được tham gia lễ đón các anh trở về Tổ quốc, nhưng lần nào cũng không khỏi nghẹn ngào, xúc động, như thể sự hy sinh của các anh vừa mới chỉ ngày hôm qua.

Đón nhận hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam về an táng tại Nghĩa trang Liệt sỹ Tông Khao.

Trong câu chuyện với Đại tá Nguyễn Văn Huy, Đội trưởng Đội quy tập mộ liệt sỹ phụ trách tìm kiếm hài cốt quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại 6 tỉnh Bắc Lào, chúng tôi mới biết không phải chỉ hôm nay, mà mỗi lần tìm được một phần mộ, trong tim các anh lại trào dâng cảm xúc thật khó nói thành lời. Trong đợt 1 năm 2016 các anh tìm kiếm và quy tụ được 38 phần mộ, trong đó chỉ có 17 phần mộ là xác định được thông tin của liệt sỹ. Khi các chiến sĩ hy sinh, được đồng đội chôn cất kèm theo những vật dụng có khắc tên tuổi, quê quán hoặc thông tin cá nhân được ghi chép cẩn thận và cất trong lọ penicillin. Nhưng do thời gian và điều kiện môi trường khắc nghiệt nơi chiến trường, rất ít thông tin còn giữ được. Đôi khi có những lọ penicillin được tìm thấy cùng hài cốt các anh nhưng tờ giấy chứa thông tin bên trong đã mục nát hoặc bay mất chữ. Chỉ những lọ penicillin được nắp lại và bọc túi nilon bên ngoài thì may ra mới giữ được thông tin…

Giữa khói hương ngào ngạt trên các phần mộ ở Nghĩa trang Liệt sỹ Tông Khao, những người có mặt tại lễ truy điệu ai cũng nghẹn ngào, đỏ hoe khóe mắt. Giữa không khí linh thiêng, khói hương nghi ngút không gian trầm mặc mà tôn nghiêm, một người lính già bật lên tiếng khóc! Xung quanh ai ai cũng hướng những ánh mắt nhòa lệ về phía ông. Ông bước từng bước run rẩy đi đến từng phần mộ để an ủi đồng đội vừa mới trở về đây. Ông nói nghẹn ngào trong tiếng nấc: Các anh về đây rồi! Các anh được về với đất mẹ thật rồi! Còn bao nhiêu người chưa về được…

Lúc mặt trời đứng bóng cũng là khi buổi lễ kết thúc, những giọt mồ hôi hòa lẫn với nước mắt lấp lánh trên gương mặt rám nắng và hằn vết chân chim. Nhiều phóng viên có mặt tại lễ truy điệu xin được hỏi ông về tên, tuổi nhưng ông chỉ trả lời: Tôi chỉ là một người lính bình thường, còn những người nằm đây là đồng đội của tôi năm xưa. Họ đã hy sinh và không có tên trên bia mộ nên tên của tôi thì có ý nghĩa gì…

Toàn cảnh lễ truy điệu các anh hùng, liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Tông Khao, ngày 13/4/2016.

Tôi lặng lẽ đi sau người lính già, dù ông không giới thiệu nhưng nhiều người cũng nhận ra ông. Ông là Phạm Tiến Bình, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên. Năm 1964 ông đi bộ đội và chiến đấu ở chiến trường Xiêng Khoảng, Sầm Nưa trên nước bạn Lào, năm 1967 ông được cử về học tại Trường Quân y Quân khu Tây Bắc, năm 1968 ông trở lại với các đồng đội đang chiến đấu tại 6 tỉnh Bắc Lào và làm việc ở Đội phẫu thuật tiền phương.

Trong niềm cảm xúc rưng rưng ông kể: Khi quay lại 6 tỉnh Bắc Lào, tôi không trực tiếp chiến đấu mà chăm sóc những đồng đội bị thương. Có lúc ông cấp cứu cho một đồng đội cụt cả 2 tay, có lúc lại lấy máu của chính mình để cứu đồng đội. Khi còn ở chiến trường tại Nậm Bạc, một đồng đội đã tâm sự với ông rằng: Sau trận này về là tao cưới vợ đấy. Cô ấy rất dịu dàng, nhà ở cùng thôn… Vậy mà rạng sáng hôm sau người đồng đội của ông đã hy sinh trong trận phục kích và tự tay ông đã chôn cất chiến sỹ đó cùng với những dự định còn dang dở.

Sau khi chiến tranh kết thúc, ông Bình trở về công tác trong ngành y tế và năm nào cũng vậy cứ vào dịp lễ tết hay đến ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7, ông lại cùng vợ hoặc những người đồng đội giờ là cựu chiến binh đang sinh sống ở TP. Điện Biên Phủ đến nghĩa trang thăm đồng đội. Ông vẫn thường nói với con cháu mình rằng: Bố còn sống trở về và các con được như ngày hôm nay là nhờ sự hy sinh xương máu của biết bao nhiêu đồng đội đã hy sinh trên chiến trường…

Chia tay người lính già, ông đã tặng cho tôi những vần thơ mà ông mới ghi lại khi nỗi nhớ đồng đội trong ông chợt hiện về:

Đồng đội ơi anh đã về đất mẹ

Một nén tâm nhang xin được tri ân

Không còn rừng già sâu thẳm

Không còn nắng cháy, cỏ khô

Anh đã về đất mẹ yêu thương

Nơi có gừng cay muối mặn

Nơi có ngô đồng, măng đắng, canh cua

Anh đã về đây ấm êm mái rạ

Đất quê yên giấc ngàn thu.

Mỗi vần thơ của ông đều cháy lên tâm nguyện được đưa những người đồng đội của mình đang nằm lại nơi rừng sâu núi thẳm bên nước bạn Lào được về với đất mẹ quê hương. Đó không chỉ là tâm nguyện của những cựu chiến binh như ông Phạm Tiến Bình mà còn là mong muốn của mỗi người dân Việt Nam đang được sống trong một đất nước độc lập, tự do.

Bài, ảnh: Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top