Tự tin và đồng lòng

00:00 - Thứ Bảy, 16/04/2016 Lượt xem: 2704 In bài viết
ĐBP - Nằm trong danh sách 65 huyện đặc biệt khó khăn của cả nước theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, nền kinh tế của Điện Biên Đông chủ yếu là sản xuất nông nghiệp với phương thức tự cung tự cấp. Những năm qua, phát huy truyền thống đơn vị anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đoàn kết, sáng tạo, tranh thủ mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng thế mạnh, nhờ đó tình hình kinh tế - xã hội của huyện có nhiều chuyển biến tích cực...

Những ngày này, cũng như các địa phương trong tỉnh, đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Điện Biên Đông đang nô nức chuẩn bị cho sự kiện chính trị quan trọng: Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021. Mới đây (ngày 5/4), tại buổi làm việc với đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Mùa A Sơn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử tỉnh - dẫn đầu, bên cạnh nội dung chính liên quan tới công tác chuẩn bị bầu cử, lãnh đạo UBND huyện Điện Biên Đông đã báo cáo khái quát kết quả phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn huyện trong quý I/2016.

Bản Xa Vua A, xã Phình Giàng, huyện Điện Biên Đông.

Theo đó, ngay từ đầu năm, huyện tập trung triển khai chỉ đạo việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Dự ước đến thời điểm này, toàn huyện gieo cấy gần 700ha lúa đông xuân; đợt rét đậm, rét hại đầu năm đã làm chết gần 340 con gia súc, ảnh hưởng nhiều đến kinh tế hộ của nhân dân và đương nhiên cả tốc độ phát triển kinh tế chung toàn huyện. Trước tình hình trên, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kịp thời khắc phục, tăng cường phòng dịch nên tổng đàn gia súc và gia cầm của huyện tăng từ 3% - 6% so với chỉ tiêu kế hoạch. Ngoài ra, ở thời điểm hiện tại, nhân dân trên địa bàn huyện cũng đang nỗ lực khắc phục các diện tích rừng bị cháy, đẩy mạnh trồng mới, khoanh nuôi bảo vệ vốn rừng.

Thực hiện chủ trương “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Điện Biên Đông đến năm 2020” của UBND tỉnh Điện Biên, với định hướng phát triển được xác định: Vùng kinh tế động lực (trung tâm huyện và dọc tỉnh lộ 130 kéo dài) gồm các xã: Mường Luân, Luân Giói, Chiềng Sơ, Keo Lôm, Phì Nhừ và thị trấn huyện lỵ. Vùng kinh tế này được hình thành trên cơ sở các địa bàn dọc theo tỉnh lộ 130 kéo dài từ Keo Lôm - thị trấn Na Son - Phì Nhừ - Mường Luân - Luân Giói - Chiềng Sơ. Hướng phát triển chính là dịch vụ thương mại, sản xuất nông lâm nghiệp gắn với vùng chuyên canh lúa nước ở Mường Luân, Luân Giói, chuyên canh ngô, đậu tương ở Keo Lôm, Phì Nhừ; chăn nuôi bò thịt ở Chiềng Sơ, Luân Giói... Trong số các lĩnh vực công tác, đáng kể nhất là việc Điện Biên Đông trở thành đơn vị đầu tiên trong tỉnh hoàn thành chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Với việc gần như đồng loạt các hộ nghèo được làm nhà mới, bộ mặt nông thôn vùng sâu, vùng xa Điện Biên Đông như có phép lạ làm nên cuộc thay đổi thật đáng được ghi nhận.

Như mọi người từng biết: Điện Biên Đông là một huyện nghèo, nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, trong đó chăn nuôi đại gia súc có vai trò rất lớn. Bằng vào những gì ta thấy hôm nay, hoàn toàn có cơ sở để tin rằng kết quả bước đầu của chủ trương tận dụng đất rừng để chăn nuôi bò là một giải pháp tích cực, phù hợp nhằm khai thác hiệu quả tài nguyên rừng, hướng tới mục tiêu hình thành và phát triển các trang trại chăn nuôi có quy mô lớn hơn tại những vùng có ưu thế về các khu chăn thả tự nhiên. Những năm qua, phát huy truyền thống đơn vị anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện đã đoàn kết, sáng tạo vượt qua khó khăn, nêu cao quyết tâm, tranh thủ mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng thế mạnh để phát triển; do đó tình hình kinh tế - xã hội của huyện có nhiều chuyển biến tích cực, an ninh chính trị tiếp tục được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo... Những ngày này, hàng loạt cây cầu và tuyến đường đi các xã: Phì Nhừ, Pú Hồng, Phình Giàng, Mường Luân, Chiềng Sơ... được nâng cấp hoặc mở mới đã và đang sắp sửa hoàn thành; giúp cho các xã này “gần” hơn so với cuộc sống bên ngoài.

Mới đây, đầu tháng 4/2016, trong chuyến công tác tại huyện Điện Biên Đông, chúng tôi có buổi làm việc với bác sỹ Nguyễn Văn Minh - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện. Bác sỹ Nguyễn Văn Minh vừa có chuyến đi dài ngày cùng đoàn cán bộ của Trung tâm Y tế huyện, thực hiện tuyên truyền về tiêu chí y tế trong xây dựng nông thôn mới, tại một số xã tít tận thượng nguồn sông Mã nơi phần đất tiếp giáp với tỉnh Sơn La. Trả lời câu hỏi của chúng tôi về hiện trạng y tế các thôn bản hiện nay, ông bảo: “Tất nhiên so với yêu cầu thì vẫn còn một khoảng cách, song cũng phải đánh giá một cách công bằng là tình hình khả quan không chỉ gấp chục lần trước đây mà tại nhiều làng bản vùng sâu vùng xa, nói không sợ quá lời là gấp cả trăm lần. Hệ thống y tế từ huyện đến cơ sở không ngừng phát triển, việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày càng được chú trọng và nâng cao, hàng năm trên 95% số trẻ em trong huyện được tiêm chủng các loại vắc-xin”. Bằng vốn sống thực tế của người từng mấy chục năm gắn bó với y tế huyện Điện Biên Đông, bác sỹ Nguyễn Văn Minh kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về trước đây người dân chỉ quen chữa bệnh bằng cúng ma với những hủ tục rất tốn kém về vật chất, thì nay nơi nào cũng có y tá bản, nhiều xã có trạm y tế với những thiết bị chuyên môn từng bước đáp ứng yêu cầu cao hơn trong khám chữa bệnh của cơ sở.

Trong ký ức của không ít cán bộ và nhân dân trong huyện, hơn 20 năm trước lúc Chính phủ ra Nghị định 59/1995/NĐ-CP, quả thực có nhiều người tỏ ý lo ngại cho tương lai của huyện Điện Biên Đông. Kể cũng có lý, bởi 10 xã tách ra đều là những xã đặc biệt khó khăn, thuộc chương trình 135/CP của Chính phủ. Vì thế mà ngày ấy có người gọi đùa Điện Biên Đông là “huyện 135”, không ngờ sau này thành “huyện 30a/CP” thật. Thế rồi, chấp hành lệnh điều động của tổ chức, những cán bộ đầu tiên của huyện Điện Biên Đông khăn gói lên đường. Trong khó khăn người Điện Biên Đông nắm tay cùng đi lên, phương thức “3 con - 4 cây” ra đời như một cứu cánh, được hàng nghìn hộ nông dân hưởng ứng. Dĩ nhiên, có sự giúp đỡ quan trọng của Nhà nước để các hộ đầu tư về giống, xây dựng chuồng trại và quy hoạch đồng cỏ chuyên canh.

Trên bước đường xóa đói giảm nghèo, Đảng bộ huyện chỉ đạo triển khai quyết liệt Quyết định 196/QĐ-UBND ngày 21/02/2008 của UBND tỉnh Điện Biên. Theo đó, trong khoảng thời gian hơn một thập kỷ (2008-2020), Điện Biên Đông có cơ hội “thử sức mình” với những quan điểm phát triển: Tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định chính trị, tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh. Phấn đấu nâng cao tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa trên cơ sở khai thác tối đa nguồn lực nội tại và nguồn lực đầu tư từ bên ngoài. Phát triển mạnh sản xuất nông lâm nghiệp, hàng hóa, dịch vụ, công nghiệp chế biến làm nền tảng cho tăng trưởng kinh tế. Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, huy động mọi nguồn lực khai thác tiềm năng, lợi thế đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội huyện Điện Biên Đông với tốc độ nhanh hơn thời kỳ vừa qua.

Báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa V (nhiệm kỳ (2015-2020), cho thấy thành công dù sao cũng chỉ là ban đầu và những bước đi tiếp theo mới thực sự quan trọng. Với tinh thần ấy, xin hãy tự tin và đồng lòng, đặt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh quốc tế, trong sự hợp tác chặt chẽ với các đơn vị bạn trong tỉnh, đặc biệt là thành phố Điện Biên Phủ để phát triển kinh tế có chất lượng cao hơn. Cùng với đó là mở mang và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc. Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ, cải thiện môi trường sinh thái, trong đó bảo vệ và phát triển vốn rừng được coi là nhiệm vụ trọng tâm về môi trường trong giai đoạn đến năm 2020...

Bài, ảnh: Thu Loan
Bình luận
Back To Top