Chặn nguồn cung cấp chất cấm

00:00 - Thứ Sáu, 15/04/2016 Lượt xem: 2030 In bài viết
Việc sử dụng chất cấm và lạm dụng thuốc kháng sinh, an thần trong chăn nuôi và giết mổ; dùng chất tạo màu vàng ô trong công nghiệp nhuộm chế biến thực phẩm (măng, cải chua, ruốc…); dùng acid pha loãng làm giấm thực phẩm… là những vi phạm bị phát hiện gây ra mối lo ngại toàn xã hội. Nhiều giải pháp cụ thể, quyết liệt để ngăn chặn hoạt động này đang được các ngành triển khai cấp tập.

Nuôi heo an toàn sinh học không cần sử dụng chất cấm, một mô hình cần nhân rộng.

Heo có chất tạo nạc, xử lý ra sao?

Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), một trong những giải pháp cơ bản để xử lý tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là rà soát các quy định của Nhà nước, phải đủ sức răn đe thay vì chỉ xử phạt hành chính như thời gian qua; kết hợp chặt chẽ với lực lượng công an kiểm tra đột xuất, đồng thời tuyên truyền có trọng điểm, công bố thông tin những nơi vi phạm, khoanh vùng, xác định đối tượng sử dụng… Nhờ vậy, theo ông, đến nay đã giải quyết cơ bản tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trong đó xác định nguồn cung cấp Salbutamol chủ yếu từ nhập khẩu dùng cho người. Bộ Y tế đã kiểm tra các đơn vị được phép nhập khẩu, tạm đình chỉ nhập khẩu và đưa Salbutamol vào danh mục kiểm soát... Có thể nói, cách làm này đã bịt lỗ hổng bị lợi dụng thời gian qua của các đơn vị nhập khẩu.

Việc xác định khu vực và đối tượng sử dụng cũng được khoanh vùng (tập trung ở Đông Nam bộ): các cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi nhỏ lẻ, thương lái và chủ trang trại - nhất là những trại nuôi sử dụng thực phẩm dư thừa từ các bếp ăn tập thể và các vựa hàng. Mỗi tỉnh có cách làm riêng, như Bình Dương, Đồng Nai vận động và yêu cầu các cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi, chủ trang trại và cả đội ngũ thương lái ký cam kết không được sử dụng chất cấm. Đây là “lực lượng” thời gian qua gây nhiều tai tiếng khi khuyến khích người nuôi sử dụng chất cấm để được mua giá cao.

Theo Thanh tra Bộ NN-PTNT, trong quản lý vẫn còn khoảng trống và chồng chéo trách nhiệm giữa 3 ngành y tế, công thương và NN-PTNT. Ngoài ra, trong văn bản pháp luật, thương lái không nằm trong quy định để quản lý hay xử lý. Trong khi nếu không quản lý nhóm đối tượng này thì rất khó quản lý nguồn, đường đi của thực phẩm. Hiện nay, dư luận băn khoăn về việc đã chặn được đường đi của chất cấm nhưng heo đã ăn chất cấm rồi thì sao? Khi cho heo ăn chất cấm sẽ tăng tỷ lệ nạc, giảm mỡ và nếu không bán nhanh heo sẽ bị chết. Vì vậy, người nuôi chỉ sử dụng khi heo sắp xuất chuồng khoảng 15 ngày. Trong trường hợp này, có 2 cách giải quyết: Tiêu hủy hoặc giữ lại 15 ngày chờ phân hủy hết chất cấm. Nhưng từ trước nay chưa có trường hợp tiêu hủy vì thủ tục phức tạp.

Một mối lo khác là việc lạm dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, Bộ NN-PTNT đã có văn bản gửi Bộ Công an, Bộ Y tế, và 63 tỉnh, thành phố trong việc phối hợp chặt và quy trách nhiệm cụ thể, đồng thời phải có công cụ và phương tiện khi hoạt động như phương tiện kiểm định nhanh.

Cấm để sợ nhưng “xây” mới quan trọng

Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, bên cạnh việc phòng chống, vấn đề xây dựng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, không sử dụng chất cấm, không lạm dụng chất kháng sinh là điều quan trọng. Tiến sĩ Lã Văn Kính, Phó viện trưởng Viện Chăn nuôi quốc gia, kiêm Giám đốc Phân viện Chăn nuôi Nam bộ, cho biết có thể chăn nuôi heo không cần sử dụng chất cấm nhưng vẫn hiệu quả. Dùng biện pháp sinh học là làm giảm vi khuẩn trong chuồng, chủng ngừa, dùng chất acid tạo môi trường pH thấp, làm ức chế khuẩn hại, tốt cho khuẩn có lợi. Về dinh dưỡng, cần cung cấp đủ năng lượng và bổ sung thêm chất béo cho vật nuôi. Cung cấp acid amin, đảm bảo đủ lượng và với tỷ lệ cân bằng giữa các acid amin. Việc không sử dụng kháng sinh, trong 2 - 3 năm đầu năng suất bị giảm nhưng sau đó khi áp dụng hiệu quả các giải pháp, sẽ phục hồi năng suất như kinh nghiệm của Thụy Điển, Đan Mạch. Muốn vậy cần làm đồng bộ các giải pháp, trong đó ngăn ngừa các vật nuôi không bị bệnh, hạn chế tối đa nguồn lây nhiễm từ bên ngoài vào trong trại nuôi. Cách ly tốt, tiêu diệt hay hạn chế vi khuẩn gây bệnh bằng cách sát trùng từ trong và ngoài chuồng trại, kể cả dụng cụ, phương tiện, giày dép. Chọn lựa nguồn nguyên liệu thức ăn không có nấm độc hay độc tố. Sử dụng chất thay thế kháng sinh như acid hữu cơ, thảo dược…

Theo TS Nguyễn Văn Bắc, Phó Văn phòng Đại diện phía Nam Trung tâm Khuyến nông quốc gia, hiện nay có nhiều mô hình chăn nuôi heo, gia cầm, thủy sản theo phương pháp an toàn sinh học tại nhiều tỉnh phía Nam. Điều quan trọng là hướng dẫn bà con để nhân rộng các mô hình.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top