Bài học sau vụ cháy rừng ở Mường Đăng

00:00 - Thứ Sáu, 06/05/2016 Lượt xem: 3079 In bài viết
ĐBP - Trong hơn 8 ngày đêm, từ chiều ngày 11 - 19/4, tại khu vực bản Nậm Pọng, xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng đã liên tiếp xảy ra 3 vụ cháy rừng lớn. Dù chính quyền và nhân dân trong huyện đã nỗ lực vào cuộc, hàng nghìn lượt người thuộc các lực lượng đã được huy động tham gia chữa cháy cả ngày và đêm, nhưng thiệt hại mà vụ cháy gây ra vẫn lên tới 100ha rừng. Những đám cháy chỉ được dập tắt hoàn toàn khi trên địa bàn huyện Mường Ảng có trận mưa lớn vào sáng 19/4. Trong khi đó, mùa khô năm nay vẫn còn kéo dài hơn một tháng nữa, nguy cơ cháy rừng vẫn ở mức rất cao, nếu như lại có những vụ cháy tương tự xảy ra thì đâu sẽ là bài học?

Lực lượng tham gia chữa cháy rừng tại bản NậmPọng, xã Mường Đăng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đức, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Ảng cho biết: Ngay từ đầu mùa khô, chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch, phương án phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR). Ngày 24/3, UBND huyện Mường Ảng đã chỉ đạo thành lập chốt trực tại xã Mường Đăng gồm 5 người, duy trì trực 24/24 giờ để tuần tra, kiểm soát tại các khu vực có nguy cơ cháy cao, thường xuyên theo dõi diễn biến, cảnh báo nguy cơ cháy và báo cáo tình hình về Ban Chỉ đạo PCCCR của huyện… Trong công tác PCCCR thì việc phòng cháy là quan trọng nhất, vì vậy Hạt Kiểm lâm huyện thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền về công tác PCCCR đến chủ rừng và từng hộ gia đình. Nhưng do tập quán làm nương, chăn thả gia súc của người dân đã gắn với rừng từ nhiều đời nay nên việc tuyên truyền chưa đạt được hiệu quả. Mặt khác, theo quy định của Qũy Bảo vệ và Phát triển rừng, tại Thông báo số 10 ban hành ngày 29/1/2016 thì diện tích rừng trên địa bàn huyện Mường Ảng (thuộc lưu vực sông Mã) chỉ được chi trả dịch vụ môi trường rừng với số tiền 6.594 đồng/ha. Do không có nhiều quyền lợi thiết thực nên việc gắn trách nhiệm cho chủ rừng cũng rất khó thực hiện.

Tại cuộc họp sáng ngày 22/4, UBND huyện Mường Ảng đã nghiêm túc đánh giá, kiểm điểm công tác chữa cháy rừng bản Nậm Pọng. Trong vụ chữa cháy rừng này, phương châm chữa cháy 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ) đã được áp dụng nhưng hiệu quả thực sự chưa cao. Mặc dù đám cháy được phát hiện sớm nhưng khống chế chưa kịp thời. Thời điểm phát hiện vụ cháy thứ nhất tại bản Nậm Pọng vào 16 giờ ngày 11/4, nhưng đến tận 10 giờ ngày 12/4 mới tổ chức chữa cháy. Phương tiện được sử dụng là cành cây tươi, dao phát và cuốc, xẻng; biện pháp chữa cháy được áp dụng xuyên suốt là phát đường băng cản lửa rộng 1,5 - 2m. Song do địa hình khu vực xảy ra cháy có độ dốc lớn, đa số là dốc trên 30o, có chỗ 45o nên việc phát đường băng cản lửa không mấy hiệu quả. Chính vì vậy, sau gần 3 ngày đêm, với trên 700 lượt người tham gia chữa cháy, đến 8 giờ ngày 15/4, đám cháy mới được khống chế, thiệt hại khoảng 84ha rừng.

Khu vực cháy nằm sâu trong rừng nên để huy động nhân, vật lực và phương tiện chữa cháy cũng gặp rất nhiều khó khăn. Để tổ chức đưa được lực lượng chữa cháy từ trung tâm huyện đến khu vực cháy phải mất khoảng 5 - 6 giờ. Nên điều quan trọng nhất là phải tính toán khoảng cách hợp lý để bố trí nhân lực chữa cháy từ khoảng cách gần nhất, như là từ khu vực bản Nậm Pọng lên. Ông Giàng A Chu, Chủ tịch HĐND xã Mường Đăng cho biết: Dù đã nhiều năm không đi rừng, nhưng bây giờ tôi đi từ bản Nậm Pọng lên đỉnh núi đang cháy cũng chỉ hết hơn 2 tiếng. Như vậy, việc huy động lực lượng chữa cháy tại địa bàn xảy ra cháy được xem là giải pháp hiệu quả nhất. Tuy nhiên, nếu đám cháy xảy ra vào thời điểm nhân dân đi làm nương thì để huy động được lực lượng cần thiết là rất khó khăn.

Sau một số vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn huyện Mường Ảng thời gian qua, có nhiều người dân cố tình vào rừng, đặc biệt tại khu vực từng xảy ra cháy để chặt phá những cây còn sót lại lấy đất làm nương và săn bắn động vật hoang dã, như ở khu rừng thuộc bản Nậm Pọng, Chan 1, Chan 2 của xã Mường Đăng. Ngay sau đó, ngày 26/4, UBND huyện Mường Ảng đã ban hành lệnh cấm. Đồng thời, yêu cầu chủ tịch UBND các xã, thị trấn khẩn trương tổ chức tuyên truyền, quán triệt đến người dân trên địa bàn. Hạt Kiểm lâm xây dựng kế hoạch, phối hợp với Công an huyện thành lập tổ liên ngành tăng cường xuống các xã tuần tra, kiểm soát và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm.

Mỗi năm, có nhiều vụ cháy rừng ở mức độ khác nhau xảy ra trên địa bàn tỉnh ta, nhưng sau tất cả những vụ cháy thì một kết luận chung chung quen thuộc vẫn được đưa ra đó là: do ý thức của người dân. Và việc để xảy ra những vụ cháy phải huy động đến hàng nghìn người tham gia dập lửa, gây thiệt hại trên 100ha rừng như ở bản Nậm Pọng vừa qua, nguyên nhân xác định cũng là do ý thức của người dân. Mặc dù nguyên nhân cháy có thể do sự vô tình của người dân hay thế nào đi nữa thì cũng cần có biện pháp xử lý thỏa đáng.

Bài, ảnh: Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top