Chuyển biến về bình đẳng giới ở Phình Giàng

00:00 - Thứ Sáu, 13/05/2016 Lượt xem: 3227 In bài viết
ĐBP - Từ lâu, bình đẳng giới là vấn đề luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Ngày nay, khi xã hội càng phát triển thì việc nam nữ bình quyền không chỉ được chú trọng ở thành thị, nơi có đời sống cao, mà ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, vấn đề bình đẳng giới cũng đang được quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là trong nhận thức từ phía nam giới...

Chúng tôi vừa có dịp cùng cán bộ Trung tâm Y tế huyện Điện Biên Đông đi tuyên truyền về bình đẳng giới tại xã vùng cao Phình Giàng, huyện Điện Biên Đông. Điều đặc biệt ở đây, thành phần đến dự buổi tuyên truyền đều là nam giới; trong đó có cả trưởng bản, đoàn viên thanh niên, cán bộ y tế bản, giáo viên… Buổi tuyên truyền kéo dài từ 9 - 12 giờ, mặc dù thời tiết nóng nực, nhưng tất cả vẫn chăm chú lắng nghe và hăng hái phát biểu.

Bác sỹ Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Điện Biên Đông hướng dẫn thảo luận về bình đẳng giới cho người dân xã Phình Giàng.

Bằng những kiến thức, sự hiểu biết thu được từ buổi tuyên truyền, anh Vàng A Vừ, bản Pa Cá cho biết: “Buổi tuyên truyền đã giúp tôi nhận ra nhiều điều. Trong gia đình, vợ chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau; phải có ý thức, trách nhiệm thực hiện các quyền và nghĩa vụ một cách công bằng. Trước đây, chiều theo mong muốn của bố mẹ, tôi đã bắt vợ đẻ bằng được con trai. Nhưng nếu là bây giờ, tôi sẽ khuyên bố mẹ chỉ dừng ở 2 con để có điều kiện nuôi dạy cho tốt. Dù đó là hai cháu gái”.

Xưa nay, tư tưởng trọng nam khinh nữ đã ăn sâu, bén rễ vào trong đời sống của đồng bào các dân tộc vùng cao. Có những gia đình đã có 7 con gái nhưng vẫn tiếp tục đẻ bằng được con trai. Nếu như tư tưởng này được xóa bỏ thì đây sẽ là một trong những yếu tố quan trọng giúp xã hội phát triển, nâng cao đời sống người dân vùng khó khăn.

Qua những câu chuyện của cánh “mày râu” trong xã, chúng tôi nhận thấy rõ vai trò của họ về việc thực hiện bình đẳng giới trong gia đình. Phần lớn họ đã vượt qua được những quan niệm, ảnh hưởng của tư tưởng lạc hậu để thay đổi nhận thức của chính mình. Anh Vàng A Tủa, bản Phá Khẩu chia sẻ: “Là đàn ông tiến bộ phải biết chia sẻ, tôn trọng người phụ nữ trong gia đình. Trong mọi công việc phải biết cùng nhau bàn bạc, giải quyết; không nên dùng bạo lực với phụ nữ”. Đàn ông gia trưởng, xem nhẹ vai trò của phụ nữ, trong xã hội hiện nay không phải là hiếm. Để có được bình đẳng giới bền vững trong xã hội phải bắt đầu từ mỗi gia đình, trong đó có sự đóng góp quan trọng về vai trò của nam giới; hay nói cách khác, sự tiến bộ trong nhận thức của nam giới là chìa khóa thành công trong thực hiện bình đẳng giới.

Ông Giàng Nỏ Chừ, Trưởng bản Sa Vua B cho biết: Ông đã được tham gia vài buổi tuyên truyền về bình đẳng giới như thế này. Theo ông, những buổi tuyên truyền như vậy sẽ đem lại hiệu quả rất tích cực. Và mỗi lần tổ chức họp bản, ông thường lồng ghép để tuyên truyền, phân tích, giảng giải cho bà con nhận thức rõ vai trò của bình đẳng giới đối với sự tiến bộ, phát triển của xã hội. Giờ đây, vấn đề bình đẳng giới ở bản Sa Vua B đã có những bước tiến mới. Nam nữ đều được đi học như nhau, không còn tình trạng trọng nam khinh nữ; điều đáng mừng nhất là ông không còn phải thường xuyên đi giải quyết những vụ bạo lực gia đình như trước đây, khi mà nạn nhân bị bạo hành lại chính là những người phụ nữ.

Cùng các cộng sự của mình, Bác sỹ chuyên khoa I Nguyễn Văn Minh - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Điện Biên Đông mỗi năm thực hiện hàng chục chuyến đi về các xã, bản vùng sâu tuyên truyền về y tế nói chung và bình đẳng giới nói riêng. Ông cho biết: Với đồng bào thiểu số vùng cao, nhất là các bậc cao niên, vấn đề tuyên truyền bình đẳng giới được xem là cuộc cách mạng về nhận thức. Ngày trước nhìn chung nhân dân vùng cao khó khăn hơn bây giờ rất nhiều, cho nên việc sinh con trai để có những người đàn ông khỏe chân mạnh tay làm trụ cột gia đình là một nhu cầu xuất phát từ thực tế cuộc sống (nhất là cuộc sống du canh du cư). Tuy nhiên, nay thì khác, cuộc sống ngày càng khá hơn, quan niệm xã hội thay đổi và nhiều gia đình đã thay đổi tư tưởng không nhất thiết cứ phải có đàn ông mới có “chỗ dựa” cho gia đình. Vì vậy, không ít gia đình dù chỉ sinh con một bề, song họ vẫn vui vẻ chấp nhận, gia đình vẫn trong ấm ngoài êm. Đó là thành quả của toàn xã hội, trong đó có vai trò quan trọng của ngành Y tế với những cuộc tuyên truyền thường xuyên, bền bỉ và lặng lẽ về bình đẳng giới.

Ở xã Phình Giàng, giao thông đi lại khó khăn, kinh tế chậm phát triển, nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế. Những năm trước đây, tư tưởng trọng nam khinh nữ còn phổ biến. Người phụ nữ, nhất là phụ nữ Mông rất chăm chỉ, chịu khó thức khuya dậy sớm làm lụng, chăm sóc chồng con. Thế nhưng, họ lại không có quyền hành gì trong gia đình, chồng bảo sao thì làm vậy. Họ không dám tự quyết định bất cứ một việc gì. Không tự ý mua bán, không tự ý đi khám bệnh; ngay cả việc đến trạm y tế sinh đẻ cũng phải do người chồng quyết định, chồng đồng ý mới được đi, nếu không thì phải đẻ ở nhà.

Những năm gần đây, nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và ngành Y tế; cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới của đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn; do vậy, vấn đề bình đẳng giới ở xã Phình Giàng đang có những thay đổi tích cực, trong đó phải kể đến vai trò và nhận thức của nam giới đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Tại Phình Giàng hiện nay, người phụ nữ được quyết định những vấn đề mà trước đây không được phép và được chồng chia sẻ những công việc nặng nhọc trong gia đình; khi ốm đau, sinh nở họ có quyền được đến trạm y tế để khám, điều trị. Theo cán bộ Trạm Y tế xã Phình Giàng, những năm gần đây, tỷ lệ phụ nữ đến khám, sinh nở và tiếp cận các dịch vụ y tế nhiều gấp 3 lần những năm trước. Nhiều người chồng quan tâm đến vợ còn yêu cầu cán bộ y tế tư vấn, chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất cho vợ mình…

Tất cả những điều đó được xem là những tín hiệu vui về vấn đề bình đẳng giới ở xã Phình Giàng, huyện Điện Biên Đông. Đúng như chia sẻ của Bác sỹ Nguyễn Văn Minh: Hy vọng rằng, với những giải pháp đã, đang và sẽ thực hiện của Đảng, Nhà nước, cùng các cấp, các ngành và toàn xã hội, trong thời gian tới vấn đề bình đẳng giới tiếp tục sẽ có những thay đổi rõ nét hơn, không chỉ ở xã Phình Giàng mà còn lan tỏa đến nhiều bản làng vùng cao, vùng xa khác.

Bài, ảnh: Linh Giang
Bình luận
Back To Top