Ô nhiễm môi trường từ các điểm giết mổ tự phát

00:00 - Thứ Hai, 16/05/2016 Lượt xem: 2650 In bài viết
ĐBP - Theo thống kê của Chi cục Thú y tỉnh, toàn tỉnh có 12 điểm giết mổ trâu, bò; 165 điểm giết mổ lợn và 30 điểm giết mổ gia cầm với công suất từ 2 – 3 con trâu, bò, lợn và từ 15 – 25 con gia cầm/ngày/điểm; sản lượng giết mổ khoảng 48 tấn thịt/ngày. Nhưng tỉnh ta chưa có điểm giết mổ tập trung, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm chủ yếu được thực hiện tự phát, nhỏ lẻ, giết mổ theo nhu cầu phân bố khắp các huyện trên địa bàn tỉnh, hầu như 100% các điểm giết mổ chưa đáp ứng yêu cầu vệ sinh.

Ông Vũ Mạnh Tưởng, Trưởng phòng Thanh tra, Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Theo quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, mỗi điểm giết mổ khi đưa vào hoạt động phải đáp ứng các điều kiện, như: Cách xa khu dân cư, diện tích đủ rộng theo từng quy mô, điểm giết mổ phải chia thành các khu riêng biệt (khu nuôi nhốt, khu giết mổ, khu để thực phẩm sau khi giết mổ); gia súc, gia cầm phải có nguồn gốc rõ ràng… Đặc biệt phải có hệ thống xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường. Tuy nhiên, thực tế hầu hết các điểm giết mổ nằm xen kẽ trong khu dân cư, chưa có hệ thống xử lý chất thải. Chất thải giết mổ được xả trực tiếp xuống cống nước thải của khu dân cư hoặc sông, suối gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đời sống của người dân.

Cán bộ Phòng Thanh tra, Chi cục Thú y tỉnh kiểm tra hệ thống xử lý chất thải tại cơ sở giết mổ lợn của gia đình anh Hồ Sỹ Võ, tổ dân phố 8, phường Tân Thanh, TP. Điện Biên Phủ.

Phường Tân Thanh (TP. Điện Biên Phủ) là nơi tập trung nhiều điểm giết mổ tự phát để cung cấp thịt và các phụ phẩm cho thị trường TP. Điện Biên Phủ. Anh Hồ Sỹ Võ, chủ điểm giết mổ lợn ở tổ dân phố 8, phường Tân Thanh cho biết: “Mỗi ngày, tôi giết mổ khoảng 7 – 10 con lợn để cung cấp thịt cho các tiểu thương khu vực TP. Điện Biên Phủ. Trong quá trình giết mổ, tôi đã rất chú ý tới công tác vệ sinh, hạn chế gây ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên, không thể xử lý triệt để được”. Theo quan sát của phóng viên, tại điểm giết mổ này, lợn sống được nuôi ngay khu vực giết mổ trên quy mô diện tích chưa đầy 10m2. Các công đoạn giết mổ như: Chọc tiết, làm lông, pha thịt… đều được thực hiện dưới nền sàn xi măng. Sau đó, chất thải (nước thải và chất thải rắn) qua hệ thống ống dẫn, xả trực tiếp ra hệ thống thoát nước của thành phố. Anh Võ giải thích: “Do diện tích quá hẹp, không đủ để xây hầm biogas nên toàn bộ chất thải bắt buộc phải đổ xuống cống nước thải của thành phố vì không còn chỗ nào khác”.

Cùng cán bộ Phòng Thanh tra, Chi cục Thú y tỉnh đi kiểm tra một số điểm giết mổ tại tổ dân phố 19, phường Mường Thanh (TP. Điện Biên Phủ). Các cơ sở giết mổ đều có chung đặc điểm: Diện tích nhỏ hẹp, nằm xen kẽ trong khu dân cư và chưa có hệ thống xử lý chất thải, chất thải đều được thải trực tiếp ra môi trường. Hiện nay, tổ dân phố 19 có 4 điểm giết mổ lợn, chiếm 8,5% số điểm giết mổ gia súc trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ. Hoạt động giết mổ ở đây đang gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống sinh hoạt của người dân khu vực. Bà Nguyễn Thị Xuân, người dân trong tổ bức xúc cho biết: “Mùa đông còn đỡ chứ mùa hè nóng nực thế này thì không thể nào chịu nổi. Đêm không ngủ được vì tiếng gia súc, gia cầm kêu và mùi hôi bốc lên từ rãnh thoát nước. Tôi và các hộ gia đình xung quanh điểm giết mổ đã nhiều lần kiến nghị với phố nhưng hình thức xử lý chỉ dừng lại ở mức độ nhắc nhở, không cải thiện được tình hình”.

Do chế tài xử lý “chưa nghiêm” nên các điểm giết mổ gia súc, gia cầm vẫn “tiện đâu xả đấy”, không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn làm mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Điển hình như, điểm giết mổ gia súc, gia cầm tại chợ Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ. Tại đây, có khoảng 15 – 20 hộ làm nghề giết mổ, với công suất 20 – 30 con gia súc, gia cầm các loại/ngày/điểm. Các chất thải cùng với rác sinh hoạt, nước thải trực tiếp xả ra sông Nậm Rốm, trong khi đó gia súc, gia cầm hầu hết được thu mua ngoài thị trường, không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, nếu con vật bị nhiễm bệnh thì nguy cơ dịch bệnh phát tán rất cao.

Các điểm giết mổ đã và đang gây ra những tác động không nhỏ đến môi trường, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người dân sống xung quanh, đó là thực tế. Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn đang lúng túng trong việc đưa ra các giải pháp khắc phục; trong đó có việc lập các chế tài để xử lý nghiêm.

Bài, ảnh: Nhật Phương
Bình luận
Back To Top