Xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư

Nhiều tín hiệu đáng mừng

00:00 - Thứ Hai, 16/05/2016 Lượt xem: 2249 In bài viết
ĐBP - Sau hơn 3 năm triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên, gắn với phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; công tác xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư trên địa bàn tỉnh đã thực sự đi vào đời sống, góp phần đáng kể vào việc ổn định nơi cư trú, từng bước thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bà Dương Thị Chung, Phó Trưởng phòng Di sản văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cho biết: Nghị quyết được triển khai đã nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ trong triển khai thực hiện giữa các ngành, đoàn thể; đặc biệt là sự tham gia hưởng ứng mạnh mẽ của người dân. Kết quả là, toàn tỉnh đã có 69.234 gia đình đạt chuẩn văn hóa, chiếm 60% số gia đình; 924 thôn, bản, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa, chiếm 52% số thôn, bản, tổ dân phố trong toàn tỉnh. Việc xây dựng hương ước, quy ước được ngành Tư pháp phối hợp với các sở, ban ngành và chính quyền địa phương triển khai tích cực, theo đúng quy trình soạn thảo, lấy ý kiến rộng rãi của người dân trước khi trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tính đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 749 hương ước, quy ước được phê duyệt và phổ biến đến cộng đồng dân cư. Hương ước, quy ước được đa số người dân đồng thuận, chấp hành nghiêm túc, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn, phát huy phong tục tập quán tốt đẹp trong cộng đồng dân cư, bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần xây dựng nếp sống văn minh.

Bên cạnh đó, việc xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động thiết chế văn hóa tại cơ sở đã đạt những bước phát triển nhất định, góp phần xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của chính người dân. Hàng năm, cán bộ văn hóa xã hội đều được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, hướng dẫn công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ… Phong trào văn nghệ quần chúng phát triển mạnh về cả số lượng và chất lượng. Toàn tỉnh có 1.100 đội văn nghệ quần chúng, trung bình mỗi năm tổ chức 3.000 buổi diễn. Việc xây dựng và tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa cho đồng bào các dân tộc thiểu số được quan tâm và triển khai tích cực. Giai đoạn 2013 – 2015, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức 4.250 buổi chiếu phim lưu động tại bản vùng cao, thu hút hơn 1,3 triệu lượt người xem; tổ chức 135 buổi biểu diễn nghệ thuật thu hút 119.000 lượt người xem. Ngoài ra, các đơn vị chuyên môn đã tổ chức lồng tiếng dân tộc thiểu số được 9 bộ phim chuyên đề và phóng sự để phục vụ đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa…

Cùng với các hoạt động khác, công tác xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư đã và đang hình thành nên nếp sống lành mạnh, văn minh của người dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, còn góp phần giúp người dân thực hiện quyền làm chủ của mình trong việc nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần, từng bước xoá đói giảm nghèo, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Hải Phong
Bình luận
Back To Top