Xử lý nghiêm việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

00:00 - Thứ Tư, 18/05/2016 Lượt xem: 3641 In bài viết
ĐBP - Ông Đỗ Quang Minh, Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cho biết: Chất cấm trong chăn nuôi mà dư luận đang quan tâm hiện nay có 3 loại là: Salbutamol, Clenbuterol và Ractopamine thuộc nhóm Beta - agonist. Chúng có tác dụng làm giãn phế quản, điều khiển các chất dinh dưỡng hướng tới mô cơ, tăng quá trình sinh tổng hợp protein để tích lũy nạc và giảm sinh tổng hợp mỡ, giảm tích lũy mỡ trong cơ thể. Nếu vật nuôi sử dụng nhiều và con người ăn phải các loại thực phẩm có chứa các chất trên thì có thể bị ngộ độc, gây run cơ, đau tim, sảy thai ở phụ nữ, trường hợp nặng có thể gây tử vong.

Lực lượng chức năng tiêu hủy tang vật vi phạm.

Ngày 20/1/2016, căn cứ vào nguồn tin báo, đoàn kiểm tra Sở NN&PTNT phối hợp với Phòng PC49 (Công an tỉnh) tiến hành kiểm tra và phát hiện một cơ sở kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi tại đội 18, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên có hành vi vi phạm: Kinh doanh thức ăn chăn nuôi không có trong danh mục thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản, lấy mẫu gửi đi phân tích. Kết quả cho thấy, toàn bộ số sản phẩm bị phát hiện đều có các chất cấm thuộc nhóm Beta - agonist. Cụ thể, với 9 gói dạng bột đóng túi có trọng lượng 1kg/gói, dán mác nền màu vàng, thông tin trên nhãn mác có ghi dinh dưỡng bổ sung đặc biệt GOLD - 100 có hàm lượng salbutamol 25.800ppb, vượt ngưỡng cho phép 516 lần. Còn 31 gói dạng bột không có nhãn mác, hàm lượng salbutamol là 28.200ppb, vượt ngưỡng cho phép tới 564 lần. Chủ cơ sở kinh doanh trên đã bị xử phạt hành chính gần 100 triệu đồng, đình chỉ hoạt động kinh doanh thức ăn chăn nuôi trong vòng 2 tháng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ số thức ăn chăn nuôi có chất cấm trên.

Từ đầu năm đến nay, ngoài cuộc kiểm tra đột xuất trên, từ ngày 28/3 - 28/4, đoàn kiểm tra liên ngành tiếp tục phối hợp tiến hành kiểm tra 40 đại lý cấp 1 kinh doanh thức ăn chăn nuôi, chủ yếu tập trung trên 2 địa bàn trọng điểm là huyện Điện Biên và TP. Điện Biên Phủ. Sau khi kiểm tra, đoàn công tác đã tiến hành lấy một số mẫu gửi đi phân tích, tuy nhiên, đến cuối tháng 5 mới có kết quả chính thức.

Mặc dù chưa phát hiện trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nhưng việc phát hiện trường hợp kinh doanh chất cấm trong chăn nuôi, nhất là tại một trong những địa bàn trọng yếu phát triển về chăn nuôi như huyện Điện Biên thì chúng ta cũng chưa thể khẳng định hoàn toàn không có hiện tượng sử dụng chất cấm. Theo ông Đỗ Thái Mỹ, Chi Cục trưởng Chi cục Thú y thì việc phát hiện và xử lý hầu hết các trường hợp kinh doanh, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi phải có sự vào cuộc của cơ quan quản lý chuyên ngành và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng khác thì mới có hiệu quả. Bên cạnh đó, việc ngăn chặn sử dụng, buôn bán chất cấm không thể xử lý “phần ngọn” theo kiểu giám sát ở các lò mổ, trang trại chăn nuôi mà phải truy thông tin những cơ sở này lấy chất cấm ở đâu, ở công ty nào, từ đó truy ra nguồn gốc... có như thế mới ngăn chặn được một cách hiệu quả.

Việc kinh doanh, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vốn chỉ dừng lại ở mức cảnh cáo, phạt tiền, xử phạt hành chính thì tới đây hành vi này sẽ nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật Hình sự. Theo đó, bắt đầu từ 1/7/2016 sẽ áp dụng mức xử phạt mới đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Cụ thể, mức xử phạt sẽ từ 1 - 3 tỷ đồng, phạt từ 6 tháng đến 5 năm tù, đây là mức phạt nặng nhất và chưa nước nào áp dụng. Hy vọng rằng, với chế tài nghiêm khắc cùng sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương, các cơ sở kinh doanh, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh sẽ nói “không” với chất cấm trong chăn nuôi. Từ đó, tạo dựng lòng tin nơi người tiêu dùng, tạo đà để ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển bền vững.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top