Cái khó của phụ nữ Mường Thín

00:00 - Thứ Sáu, 20/05/2016 Lượt xem: 3727 In bài viết
ĐBP - Muốn được vay vốn nhiều hơn, được tham gia các chương trình, mô hình phát triển kinh tế để hội viên có cơ hội thoát nghèo là mong muốn chung của hội viên Hội phụ nữ xã Mường Thín, huyện Tuần Giáo. Bởi từ trước đến nay, hội phụ nữ xã chưa có bất kỳ mô hình sản xuất hay chương trình, dự án nào đầu tư vào. Chính vì vậy, số hội viên hội phụ nữ nghèo chiếm tỷ lệ cao, phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển chung của địa phương.

Lâu lắm tôi mới trở lại xã Mường Thín, đường lắm dốc, nhiều cua, ngồi trên xe lắc lư, khiến quãng đường như xa hơn. Với mục tiêu thu hẹp khoảng cách chênh lệch trong phát triển KT - XH giữa các vùng, miền, đặc biệt ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều năm qua, ngoài sự quan tâm Đảng và Nhà nước về chính sách đầu tư lớn như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Chương trình 135, Nghị quyết 30a giảm nghèo nhanh, bền vững; Quyết định 167... thì cấp tỉnh, huyện đã có nhiều chính sách tạo điều kiện giúp đỡ các địa phương phát triển kinh tế, trong đó có cả xã Mường Thín.

Do chưa được tham gia các mô hình phát triển kinh tế, chỉ quanh năm làm nương nên tỷ lệ hội viên phụ nữ nghèo ở xã Mường Thín khá cao.

Tuy nhiên, xét về khía cạnh chung thì Mường Thín vẫn là xã “được” xếp trong tốp “đầu tiên từ dưới lên” của huyện Tuần Giáo. Trong cái “thiếu” và “yếu” chung của toàn xã thì Hội Phụ nữ xã lại càng “yếu” hơn. Yếu hơn không phải là do họ không biết cách làm ăn, mà do thiếu các điều kiện phát triển. Theo báo cáo của Hội phụ nữ xã Mường Thín, hiện nay cả xã có 648 hội viên hội phụ nữ, trong đó có gần 400 hội viên là hộ nghèo và điểm “nổi bật” nhất trong báo cáo của Hội trong năm 2015 là “trắng” các mô hình kinh tế. Khi chúng tôi hỏi về các mô hình phát triển kinh tế của Hội thì chị Lò Thị Phượng, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Mường Thín cho biết, từ khi chị giữ cương vị Chủ tịch Hội phụ nữ xã hơn 5 năm nay nhưng Hội chưa được đầu tư bất kỳ chương trình, mô hình phát triển kinh tế nào để triển khai cho các hội viên. Đây là cái khó đối với các hội viên phụ nữ, bởi chỉ quanh năm làm nương, ruộng thì không khá được. Vì vậy, tỷ lệ hội viên nghèo còn cao lắm.

Được biết, những năm qua, Hội LHPN huyện Tuần Giáo đã tập trung xây dựng và phát triển các mô hình nhằm tạo vốn phong phú, trong đó, coi trọng nguồn vốn tại chỗ, không lãi suất để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Các mô hình của tỉnh được phân theo các chuyên đề phù hợp, như: hỗ trợ phụ nữ về giống, vốn, khoa học kỹ thuật. Theo lãnh đạo Hội LHPN huyện Tuần Giáo cho biết, hiện Tuần Giáo đang phát triển các mô hình, như: Tổ phụ nữ tiết kiệm vay vốn, tổ phụ nữ trồng cây ăn quả, tổ phụ nữ chăn nuôi bò sinh sản... theo phương châm đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau để có điều kiện phát triển kinh tế. Tuy nhiên, không hiểu vì sao đến nay Hội Phụ nữ xã Mường Thín vẫn chưa có bất kỳ mô hình sản xuất, hay chương trình dự án nào đầu tư vào. Vẫn biết, trước hết là phải do các hội viên phụ nữ cần phải linh hoạt, chủ động trong cách làm kinh tế, nhưng quan trọng hơn là phải có điểm tựa để họ vươn lên. Trong khi đó, đầu năm 2010, Thủ tướng Chính Phủ đã có quyết định phê duyệt đề án hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 - 2015, với mục tiêu tăng cường công tác đào tạo nghề cho phụ nữ là góp phần bảo đảm quyền được học nghề và có việc làm của phụ nữ trong Luật Bình đẳng giới; tăng tỷ lệ lao động nữ được đào tạo nghề và nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh của lao động nữ; tạo cơ hội để phụ nữ có thể tìm kiếm việc làm có thu nhập ổn định, giúp xóa đói, giảm nghèo và nâng cao vị thế cho phụ nữ; đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Là hội viên nghèo nhất xã Mường Thín, bà Lò Thị Phiên, bản Thín B, xã Mường Thín mong muốn: Mỗi khi cán bộ hội phụ nữ xã đi vận động, tuyên truyền đến các hội viên, chúng tôi đều kiến nghị cần quan tâm hơn đến các hội viên. Chúng tôi không cần “miếng cơm”, chỉ cần chỉ cách để chúng tôi biết phát huy hiệu quả trong làm kinh tế. Thế nhưng, kiến nghị lên, xuống nhiều lần nhưng cũng chưa có tác dụng. Hiện chỉ duy nhất các hội viên là hộ nghèo thì mới được vay tiền từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện, nhưng mức vay cũng chỉ có giới hạn, quan trọng nhất là có các mô hình để phát triển bền vững. Cũng theo bà Phiên, các mô hình xóa đói giảm nghèo cho hội phụ nữ nên gắn liền với phong tục tập quán và nếp sinh hoạt của người dân. Vì đã là những hộ khó khăn nên họ luôn cần tiền chi trả cuộc sống hằng ngày và thích hợp với những mô hình mang lại lợi nhuận kinh tế nhanh, như: chăn nuôi...

Tại hội nghị cán bộ cơ sở hội năm 2015, hội viên phụ nữ đã đề xuất nhiều ý kiến xung quanh các vấn đề như: Trách nhiệm của tổ chức hội, các chính sách pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ, đặc biệt là những chính sách hỗ trợ cán bộ, hội viên, phụ nữ vùng cao, vùng sâu, vùng xa; công tác vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm; biện pháp phòng, chống bạo lực trong gia đình; luật hôn nhân gia đình; công tác thu hút và tập hợp hội viên phụ nữ; công tác cán bộ nữ… Và hơn một lần nữa, trước đoàn ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh vừa qua, đại diện cho 648 hội viên xã, chị Phượng đã đề nghị cần quan tâm hơn đối với phụ nữ. Tựu trung lại, vẫn là nguyện vọng liên quan đến vấn đề đời sống kinh tế, việc làm, thu nhập của các hội viên. Cũng là một điều dễ hiểu, bởi “có thực mới vực được đạo”.

Tín hiệu đáng mừng cho Hội phụ nữ xã Mường Thín, khi “tiếng kêu” đã được các ứng cử viên HĐND tỉnh ghi nhận. Thay mặt các ứng cử viên, đồng chí Giàng Thị Hoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đã hứa và yêu cầu các cấp Hội, nhất là Hội LHPN huyện Tuần Giáo cần phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong công tác hội. Cần đi sâu, đi sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội phụ nữ cấp xã để kịp thời có những ý kiến, đề xuất với các cấp ủy đảng, chính quyền, với Hội LHPN tỉnh trong công tác triển khai nhiệm vụ. Các cấp Hội cần chú trọng giám sát các chương trình, dự án có hiệu quả, đảm bảo phát huy tốt các nguồn vốn vay từ ngân sách.

Tin tưởng rằng, tới đây sự nỗ lực của các cấp Hội phụ nữ, chính quyền địa phương, Hội phụ nữ xã Mường Thín sẽ có nhiều đổi mới trong cách phát triển kinh tế, nhiều mô hình sản xuất phù hợp được triển khai, và quan trọng hơn nữa là giúp giảm tỷ lệ hội viên nghèo, nâng cao chất lượng đời sống chung toàn dịa phương.

Bài, ảnh: Phong Vân
Bình luận
Back To Top