Bộ đội Biên phòng tỉnh đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn người

09:41 - Thứ Tư, 15/06/2016 Lượt xem: 3917 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, tình hình mua bán người trên địa bàn tỉnh nói chung, khu vực các xã biên giới nói riêng diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng về số vụ, đã và đang tác động đến tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn các xã vùng cao biên giới. Việc thực hiện đồng bộ các biện pháp đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này luôn được Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BCH BĐBP) tỉnh chú trọng.

5 năm qua (2011 - 2015), trên địa bàn tỉnh lực lượng BĐBP đã phát hiện 48 vụ mua bán người với 115 nạn nhân, chủ yếu số nạn nhân này bị các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo và bán sang Trung Quốc. Chỉ trong năm 2015, các lực lượng chức năng đã phát hiện 11 vụ mua bán người sang Trung Quốc với 15 nạn nhân. Theo nhận định của đại tá Lê Quang Đán, Trưởng phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm mua bán người (BCH BĐBP tỉnh): Số người bị mua bán có thể cao hơn so với con số thống kê được. Tính từ đầu năm (2016) đến nay, lực lượng BĐBP chưa xác lập vụ mua bán người nào, nhưng lại thống kê được 63 trường hợp tại địa bàn các xã biên giới vắng mặt lâu ngày không lý do, tin tức, nhiều người trong số này nghi bị mua, bán ra khỏi địa bàn.

 

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Mường Mươn tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống buôn bán người tại xã Mường Mươn, huyện Mường Chà. Ảnh: Văn Quyết

Hiện nay, tội phạm buôn người thường huy động nhiều đối tượng tham gia. Thủ đoạn lừa bán của các đối tượng rất tinh vi, chúng lợi dụng công nghệ thông tin như điện thoại di động, mạng internet để giả vờ yêu đương, dụ dỗ đi chơi mua quần áo, điện thoại rồi lừa gạt nạn nhân vượt biên qua các đường mòn, đường tiểu ngạch bán cho các đối tượng bên kia biên giới. Bên cạnh đó, một số nạn nhân đã bị lừa bán sang Trung Quốc lại bị lợi dụng để lừa tiếp người khác bằng cách: Thời gian đầu chúng cho các nạn nhân ăn ngon, mặc đẹp, hứa sẽ tìm chồng là người giàu có, đẹp trai. Sau đó, chúng nhờ những nạn nhân này gọi điện thoại rủ phụ nữ cùng trang lứa trốn sang Trung Quốc. Những người nhận lời sẽ được chúng bí mật thống nhất địa điểm và thuê người đến đón. Hình thức thứ hai là hướng dẫn nạn nhân bắt xe đến Lào Cai rồi đón. Dù ở hình thức nào thì đối tượng chủ mưu cầm đầu luôn ở phía bên kia biên giới. Nhiều vụ phát hiện giải cứu được nạn nhân, bắt được đối tượng nhưng việc củng cố tài liệu chứng cứ truy tố các đối tượng gặp rất nhiều khó khăn. Nạn nhân chủ yếu trong các vụ mua bán người thời gian qua là phụ nữ, trẻ em có độ tuổi từ 14 - 30, là người dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú.

Để đấu tranh hiệu quả với tội phạm buôn người, những năm qua, BCH BĐBP tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm mua bán người đến mọi tầng lớp nhân dân tại 29/29 xã biên giới trên địa bàn tỉnh. Nội dung tuyên truyền tập trung vào Bộ luật Hình sự; quy định pháp luật về tội mua bán người; tệ nạn xã hội. Từ đầu năm đến nay, các đơn vị BĐBP đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền 47 buổi với 3.476 lượt người tham gia, trong đó tuyên truyền vận động cá biệt 18 buổi cho 18 người để bồi dưỡng xây dựng hạt nhân nòng cốt phục vụ tuyên truyền bền vững; tham mưu giúp các xã biên giới nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở và các tổ chức đoàn thể: Thanh niên, phụ nữ trong phòng, chống loại tội phạm này; phát động phong trào nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện tố giác tội phạm, lồng ghép việc thực hiện chương trình phòng, chống tội phạm với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", “Chung sức xây dựng nông thôn mới”; ký cam kết gia đình không có người tham gia hoạt động mua bán người, động viên nạn nhân và gia đình họ tố giác tội phạm. Bên cạnh đó, BCH BĐBP tỉnh còn phối hợp chặt chẽ với các tỉnh lân cận trao đổi thông tin về tình hình tội phạm với các lực lượng chức năng của nước Lào, Trung Quốc; chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp đấu tranh với các đường dây mua bán người qua biên giới.

Triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn người, BCH BĐBP tỉnh đã thu được những kết quả tích cực: Nhận thức của nhân dân khu vực biên giới về tội phạm buôn bán người; thủ đoạn của loại tội phạm buôn người; cách phát hiện sớm dấu hiệu hành vi buôn người... được nâng lên rõ rệt. Từ năm 2015 đến nay, BCH BĐBP tỉnh tiếp nhận từ quần chúng gần 100 thông tin, trong đó 30 thông tin có giá trị giúp các đơn vị trực thuộc đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này. Điển hình là ngày 17/3/2015, từ nguồn tin do nhân dân cung cấp, Đồn Biên phòng Nậm Kè đã bắt 2 đối tượng: Giàng A Thanh (SN 1989) và Sùng A Se (SN 1993), cùng trú tại xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu về hành vi mua bán người; giải cứu 3 nạn nhân: Thào Thị Ghênh (SN 1999), Hà Thị Súng (SN 1992), Giàng Thị Sùng (SN 1991) đều trú tại bản Nận Kè 2, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé. 

Mạnh Thắng
Bình luận
Back To Top