Từ niềm đam mê

10:35 - Thứ Sáu, 17/06/2016 Lượt xem: 3919 In bài viết
ĐBP - Từ một người hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nhiếp ảnh nghệ thuật, khi chuyển sang thể loại ảnh báo chí tôi có nhiều thuận lợi, song cũng gặp không ít khó khăn. Trong kho ảnh của tôi có hàng nghìn bức chụp về cuộc sống, sinh hoạt của đồng bào dân tộc vùng cao, nhưng để sử dụng được trong các ấn phẩm báo chí thì cũng không nhiều. Ảnh báo chí cần phải có thông tin rõ ràng, cụ thể để cung cấp cho bạn đọc một cách chính xác nhất về đối tượng trong ảnh. Trong khi đó, ảnh nghệ thuật thì chỉ cần đặt tên tác phẩm và để người xem tự cảm nhận theo cách riêng của mỗi người. Và tôi hiểu ra rằng, những thông tin đi kèm một bức ảnh báo chí cần phải có nội dung đầy đủ như một cái tin. Ví như ảnh đó chụp ai, ở đâu, khi nào và chụp trong hoàn cảnh nào… Đó là bài học đầu tiên khi tôi làm phóng viên ảnh và từ đó mỗi khi tôi đi tác nghiệp, kèm với chiếc máy ảnh trong ba lô luôn có cuốn sổ tay ghi chép.

Để có những bức ảnh có giá trị thông tin, ngoài việc nắm vững kỹ thuật nhiếp ảnh và làm chủ được trang thiết bị, phóng viên ảnh còn phải nhanh nhạy và kiên trì. Mỗi bức ảnh là một lát cắt của cuộc sống, vì vậy khi tác nghiệp, phóng viên mới vào nghề phải chụp nhiều để sau đó chọn ra một khoảnh khắc điển hình nhất, nếu phân vân hoặc chủ quan có thể sẽ bỏ lỡ những khoảnh khắc quan trọng.

 

Nhiếp ảnh gia Văn Thành Chương với trẻ em ở ngã ba biên giới Sín Thầu, Mường Nhé.

Làm phóng viên ảnh vùng cao có rất nhiều điều thú vị, tuy nhiên tôi cũng phải trang bị cho mình những kiến thức nhất định về đặc điểm vùng miền và văn hóa của các dân tộc ở nơi mình sẽ đến để thuận lợi trong công việc.

Hơn 15 năm gắn bó với vùng cao, hàng trăm lần rong ruổi trên các cung đường, những nơi tôi đến, những người tôi gặp dần trở thành những người bạn. Mỗi lần đi trên những con đường cũ tôi lại bâng khuâng thấy vừa lạ, vừa quen. Có những con đường trước kia toàn đá hộc, ổ gà, ổ trâu giờ đây đã được rải nhựa phẳng lì; những ngôi trường học khang trang đã thay thế cho những lớp học tranh tre nứa lá. Ở những huyện vùng sâu, vùng xa, cách xa trung tâm hành chính tỉnh, giờ đây những con đường rải bê tông đang vươn mình tới từng thôn bản, đường dây điện vắt ngang qua các đỉnh núi, cung đèo. Tôi không phải nhà văn nhưng tôi cũng tự hào vì mình là người đã chứng kiến và ghi lại những hình ảnh về một giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ của con người và mảnh đất lịch sử Điện Biên.

Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top