Gian nan phóng viên nữ vùng cao

10:38 - Thứ Sáu, 17/06/2016 Lượt xem: 4640 In bài viết
ĐBP - Để có thể trở thành phóng viên, bạn chỉ cần đi một đoạn đường, có người chỉ mất vài tháng, nhưng để xây dựng được hình ảnh một người phóng viên thực sự thì lại cần rất nhiều thời gian, đó là cả chặng đường. Là phụ nữ, làm phóng viên, lại ở một địa bàn vùng cao như Điện Biên, thì tôi càng ý thức hơn về giá trị của sự rèn luyện, nỗ lực và hy sinh để được gọi với cái tên đầy đủ: Phóng viên nữ vùng cao!

 

Hải Yến (giữa) phóng viên Báo Điện Biên Phủ tác nghiệp tại vùng lũ Đề Chia, xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo.

Hình ảnh bụi bặm, lấm lem bùn đất, chân trần, quần xắn tới gối, lỉnh kỉnh máy móc… dường như đã không còn xa lạ đối với mỗi nữ phóng viên vùng cao mỗi chuyến đi công tác về. Không chỉ riêng mình tôi, trên mảnh đất Điện Biên này và nhiều nơi khác còn có hàng nghìn người làm nghề vẫn đang được gọi với cái tên phóng viên nữ vùng cao. Bỏ qua những thứ phải hy sinh, gác lại trọng trách lớn lao của một người vợ, người mẹ, người con dâu…, vác trên vai hành trang trĩu nặng là tư trang, là máy móc, chúng tôi còn phải vượt núi, băng rừng, trèo đèo, lội suối mới đến được với các bản làng vùng cao để tác nghiệp. So với phóng viên nam, nữ phóng viên chúng tôi có nhiều khó khăn nhất định, song ngược lại điều tôi khát khao chinh phục nhất là làm phóng sự điều tra. Nếu như thu thập tài liệu để biểu dương, nhân rộng làm sao cho đúng và trúng các tấm gương điển hình mới, đòi hỏi phóng viên phải có bản lĩnh nghề nghiệp, thì làm điều tra chống tiêu cực lại cần hơn hết bản lĩnh vững vàng. Mục tiêu cuối cùng vẫn là có đủ thông tin và bằng chứng để có cái nhìn đúng nhất, chân thực nhất, khách quan nhất và toàn diện nhất về bản chất sự việc. Chính vì thế, ngoài việc tự ý thức phải học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, những người đi trước, tôi luôn tâm niệm phải rèn luyện bản lĩnh và đạo đức nghề. Để bài viết thực sự thuyết phục người đọc, trước khi bắt tay viết bài tôi thường tìm hiểu rất kỹ về vấn đề, dựa trên các thông tin liên quan, các điều khoản, quy định về mặt luật pháp để lập luận. Đó cũng là kinh nghiệm tôi đúc rút được cho mình sau những lần “tai nạn nghề nghiệp” và rèn luyện cho tôi đức tính vô cùng quan trọng của người phóng viên, tính cẩn trọng.

Con đường để xây dựng được hình ảnh của một phóng viên nữ vùng cao thực sự còn rất dài, với rất nhiều điều, nhiều cơ hội để tôi khám phá, trải nghiệm và đúc rút cho mình. Tôi cũng tự ý thức được rằng phía trước còn đó nhiều gian nan, thử thách, đòi hỏi hơn nữa sự kiên trì và nỗ lực của bản thân.

Hà Linh
Bình luận
Back To Top