Chính bạn đọc là nguồn cảm hứng

08:06 - Thứ Hai, 20/06/2016 Lượt xem: 2459 In bài viết
ĐBP - Đã gần 2 năm trôi đi, song trong ký ức của tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên Báo Điện Biên Phủ còn đó hình ảnh sáng ngày 9/10/2014, tại Nhà Thiếu nhi tỉnh, Báo Điện Biên Phủ long trọng tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng ba, nhân Kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống Báo Điện Biên Phủ (1964 - 2014) và 10 năm xuất bản Báo Điện Biên Phủ cuối tuần (2004 - 2014). 

Trước đó, chiều ngày 30/4/2014, tại Hội trường tầng 3 Báo Điện Biên Phủ, diễn ra buổi tọa đàm xúc động và ấm cúng Kỷ niệm 50 năm Báo Điện Biên Phủ thời sự ra số đầu tiên (1964 - 2014)...


Trải qua hơn nửa thế kỷ dựng xây và phát triển, Báo Điện Biên Phủ - cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh, tiếng nói của chính quyền và nhân dân các dân tộc Điện Biên - trở thành một kênh thông tin quan trọng không thể thiếu trong đời sống xã hội, phục vụ đắc lực các nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Trong hệ thống các ấn phẩm báo in trên địa bàn tỉnh với hơn 10 cơ quan, đơn vị có xuất bản phẩm thuộc các lĩnh vực: Chính trị, văn hóa - văn nghệ, y tế, khoa học và công nghệ... Báo Điện Biên Phủ có một vị trí xứng đáng với 4 ấn phẩm chững chạc, gồm: Báo Điện Biên Phủ thời sự phát hành mỗi tuần 3 kỳ; Báo Điện Biên Phủ cuối tuần phát hành mỗi tuần 1 kỳ; Báo Điện Biên Phủ dành cho đồng bào các dân tộc vùng cao phát hành mỗi tháng 3 kỳ và đặc biệt, từ khi Báo Điện Biên Phủ điện tử ra đời (tháng 3/2004), thông tin về mảnh đất - con người Điện Biên đã đến với bạn đọc không chỉ trong nước mà trải khắp năm châu bốn biển.

 

Nhà báo Lê Thị Thúy Lan tiếp xúc với nhân dân bản Pa Thơm, xã Pa Thơm (huyện Điện Biên) nắm tình hình, khai thác thông tin cơ sở, phục vụ tuyên truyền trên báo chí. Ảnh: Tiến Dũng

Chúng ta biết rằng, đời sống kinh tế - xã hội phát triển từng ngày, chính vì thế, để đáp ứng kịp thời với nhịp chung ấy, người làm báo hiện đại dù ở khâu nào: Biên tập, phóng viên hay kỹ thuật viên cũng cần phải học hỏi nhiều hơn, tiếp cận khoa học công nghệ nhiều hơn để đáp ứng yêu cầu thực tế đó. Một phóng viên không thể thực hiện bài viết tốt, nếu đề tài mà người đó tiếp cận là những điều hoàn toàn xa lạ. Việc đó sẽ dẫn đến khả năng tiếp nhận thông tin không sâu và việc phân tích, đánh giá vấn đề và đề xuất các giải pháp khó đúng, trúng trọng tâm. Một kỹ thuật viên dù được trang bị máy móc hiện đại đến đâu cũng khó có thể hoàn thành nhiệm vụ một cách hiệu quả nhất, nếu họ không làm chủ được máy móc, công nghệ. Biên tập viên cũng vậy, nếu không ngừng học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ thì việc tiếp cận bản thảo không thể đem lại hiệu quả, thậm chí còn có thể vì thiếu thông tin mà sửa sai ý của tác giả... Đây chỉ là những ví dụ nhỏ nhất để thấy việc thường xuyên học tập, trau dồi kiến thức nhiều lĩnh vực của người làm báo là vô cùng cần thiết.

Theo sự chỉ đạo của Ban Biên tập, mỗi nhà báo trong Toà soạn luôn bám sát đời sống thực tiễn, hòa mình vào nhân dân lao động. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Ban Biên tập nói riêng và cá nhân mỗi nhà báo nói chung luôn giữ vững định hướng tuyên truyền, đúng tôn chỉ, mục đích, khách quan và trung thực. Bên cạnh những bài mang nội dung chống tham nhũng, tiêu cực, Báo cũng phát hiện và cổ vũ kịp thời những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong lao động, học tập và công tác. Đặc biệt, là tờ báo Đảng nên Báo Điện Biên Phủ rất chú trọng tuyên truyền cho công tác xây dựng Đảng và coi đó như một đề tài lớn, phong phú và hấp dẫn. Chính thông qua các bài viết về Đảng, bản thân các nhà báo cũng cảm thấy hiểu về Đảng hơn, gắn bó và tin yêu hơn cuộc sống có Đảng dẫn đường.

Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, báo giới Điện Biên xác định ngoài những kiến thức có được trong các nhà trường chuyên nghiệp, thì việc tự học, tự trau dồi hiểu biết; học qua sách vở, học ở đồng nghiệp, học ở nhân dân là điều hết sức quan trọng để nâng cao hơn nữa chất lượng các tác phẩm báo chí. Chẳng hạn, với đề tài xây dựng Đảng, tác giả phải là người am tường về Đảng, không chỉ yêu Đảng mà còn phải đủ tầm, đủ trí để viết về đề tài này một cách sinh động. Muốn vậy, đòi hỏi tác giả phải có niềm tin và sự kiên định, nhạy bén về chính trị, tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng và Bác Hồ kính yêu.

Đồng hành cùng công cuộc đổi mới của đất nước và là một thành viên trong đại gia đình Báo chí Cách mạng Việt Nam, Báo Điện Biên Phủ đã có những bước trưởng thành nhanh chóng về mọi mặt, luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và sự cổ vũ của bạn đọc nói chung. Có thể nói, những kết quả nổi bật Báo Điện Biên Phủ đạt được trong hơn nửa thế kỷ qua, đã thực sự nâng cao vị thế, uy tín của tờ Báo, góp phần quan trọng vào việc định hướng tư tưởng, giữ vững ổn định chính trị, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, thực hiện chức năng là một trong những kênh thông tin quan trọng của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong lãnh, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị; thực sự trở thành vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng, là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và diễn đàn tin cậy của quân và dân, của đồng bào các dân tộc, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Phát huy truyền thống vẻ vang, hơn bao giờ hết, Ban Biên tập và từng cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên và người lao động của Tòa soạn Báo Điện Biên Phủ, càng thêm ý thức sâu sắc về trách nhiệm, nghĩa vụ của mình. Phát huy những thành tựu, nghiêm túc nhìn nhận, khắc phục những khuyết điểm, yếu kém trong hoạt động báo chí là trách nhiệm của mỗi nhà báo, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên và người lao động... Trong giai đoạn mới của hội nhập và phát triển, đòi hỏi các nhà báo cần nỗ lực phấn đấu hết mình vì một nền báo chí cách mạng, phục vụ ngày một tốt hơn nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền; góp phần rút ngắn dần khoảng cách về kinh tế - văn hóa - xã hội với các tỉnh, thành phố bạn; đưa Điện Biên tiến nhanh, tiến mạnh trên con đường ấm no hạnh phúc.

So với các tỉnh miền xuôi, những người làm báo ở Điện Biên cũng như các tỉnh Tây Bắc còn gặp nhiều khó khăn do hoạt động trên địa bàn miền núi nghèo, xa các trung tâm văn hoá, giao thông cách trở, điều kiện tác nghiệp thiếu thốn. Những chuyến về cơ sở hầu hết anh chị em phóng viên đi bằng phương tiện xe máy cá nhân, không chỉ nỗi lo an toàn giao thông thường trực, mà còn không biết xe cộ có đảm bảo hay lại xảy ra chuyện tai nạn giữa đường. Tuy nhiên, tình yêu nghề báo đã nâng bước, tiếp thêm nghị lực cho các nhà báo. Ngày lại ngày trên các rẻo cao, ta vẫn gặp đâu đó các nhà báo hăng hái thâm nhập cơ sở, mang cuộc sống thực tế vào từng trang Báo Điện Biên Phủ thân yêu.

Nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam năm nay, với tư cách một đồng nghiệp, tôi xin gửi lời chúc chân thành trước hết đến các nhà báo của Báo Điện Biên Phủ một tình yêu nồng cháy với nghề, một sự gắn bó thủy chung với cơ quan (Tòa soạn) và trên hết là với vùng đất Điện Biên mà mình đang từng ngày đi về, từng ngày hít thở không khí để sống và để chia sẻ, yêu thương. Với bạn đọc, xin hãy nhận ở chúng tôi lời cám ơn sâu sắc nhất, thành tâm nhất và trang trọng nhất. Hơn ai hết, chúng tôi rất mong các tác phẩm của mình càng ngày càng nhiều người đọc, tờ báo của mình rất cần được đông đảo bạn đọc thuộc nhiều tầng lớp, nhiều cương vị xã hội, nhiều vùng miền, nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp... quan tâm và cổ vũ. Thực lòng, ở một cách hiểu nào đấy, thì chính bạn đọc mới là những người làm nên tờ báo, chính bạn đọc là nguồn cảm hứng để chúng tôi sáng tạo, phấn đấu và trưởng thành...

Lê Thị Thúy Lan (Phó Tổng biên tập Phụ trách Báo Điện Biên Phủ)
Bình luận
Back To Top