Để thực hiện một Phóng sự...

08:34 - Thứ Hai, 20/06/2016 Lượt xem: 3479 In bài viết
ĐBP - Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, nhiều bạn đọc cầm tờ báo là rở ngay trang Phóng sự đọc trước tiên, là bởi vì sức hấp dẫn kỳ diệu của thể loại Phóng sự - một “vũ khí” chủ đạo trong báo chí thời internet phát triển. Người viết Phóng sự đòi hỏi phải trải đời, nhanh nhạy trong việc phát hiện đề tài, chắc chắn trong lập luận, mạch lạc trong tư duy, có khả năng gạn lọc, “cô” vấn đề lại trong phạm vi một số báo với dung lượng trên dưới 2.000 từ...

Nằm trong thể ký, Phóng sự đã và đang là thể loại mũi nhọn của nhiều tác giả và nhiều tờ báo hiện nay. Một thể loại với vai trò tiên phong, có sức thu hút bạn đọc bởi các ưu điểm thông tấn so với nhiều thể loại báo chí khác. Chức năng của Phóng sự là nhằm làm sáng tỏ trước công luận một vụ việc, một sự kiện nào đó liên quan tới một hoặc nhiều người, một hoặc nhiều cấp, một hoặc nhiều ngành, một hoặc nhiều địa phương... Vấn đề Phóng sự đề cập thường mang tính thời sự, hoặc mới mẻ hoặc được nhiều bạn đọc quan tâm, hoặc có một ý nghĩa xã hội đặc biệt nào đấy. So với tùy bút, bút ký hay ghi chép, Phóng sự là “thể văn gắn với khoa học hơn là nghệ thuật, giàu yếu tố thông tin hơn là yếu tố trữ tình”. Để hoàn thành một Phóng sự, điều kiện tiên quyết và là điều kiện bắt buộc, đó là sự “dấn thân” của chính tác giả. Nói cụ thể là tác giả phải đến tận nơi, tự mình thực hiện các thao tác nghiệp vụ, như: quan sát, ghi chép, thu thập và nghiên cứu tài liệu, chụp ảnh, ghi âm, gặp gỡ nhân vật và các nhân chứng...

Đọc một Phóng sự hay, đúng nguyên tắc thể loại, ta thấy rõ sự “nhập cuộc” hăng hái của tác giả, vấn đề bài viết nêu ra là cấp thiết, nóng hổi, có những bằng chứng xác đáng, những số liệu cụ thể và đặc biệt là cái “tôi” của Phóng sự hết sức khách quan, rạch ròi và biện chứng. Phóng sự sẽ có thêm sức lôi cuốn văn học nếu nó đi sâu vào việc khắc họa nội tâm nhân vật, những chi tiết chắt lọc, lời văn giàu hình ảnh và nhiều cảm xúc. Trong nền văn xuôi cổ điển Việt Nam, đánh dấu cho sự ra đời của thể loại Phóng sự là tác phẩm “Tôi kéo xe” của nhà văn - nhà báo Tam Lang, viết năm 1932, công bố năm 1935. Tuy vậy, thật tiếc là cho đến nay không nhiều độc giả biết rằng để viết Phóng sự “Tôi kéo xe”, Tam Lang phải thuê một cái xe kéo tay (tiền thân của xe xích lô ngày nay), mượn cái áo nâu vá, đội lên đầu mê nón rách, rồi... đi kéo xe trong nhiều ngày liền. Chính ông đã phải trải qua tất cả những nỗi đắng cay của kiếp phu xe, đó là sự khinh bỉ của xã hội, sự bóc lột và đánh đập của chủ xe, trò quỵt tiền của những vị khách xấu chơi... Nhờ thế mà các trang viết của ông đầy ắp các chất liệu cuộc sống, góc cạnh, tỉ mỉ, chính xác và cả nỗi xót xa cho thân phận người phu xe. Điều đó có nghĩa, với Phóng sự, một yêu cầu khắt khe là buộc tác giả phải có quá trình thâm nhập thực tế, hiểu tường tận bối cảnh ra đời của sự việc, đồng cảm với nhân vật. Không chỉ nghe kể mà phải trực tiếp nhìn thấy, sờ thấy, không chỉ thấy “tầng nổi” mà phải thấy cả những “ý chìm” đang bị khỏa lấp...

Mặt khác, muốn có một Phóng sự hay, đòi hỏi người viết phải xác định được chủ đề (đề tài) cụ thể của tác phẩm. Hơn nữa, chủ đề của Phóng sự yêu cầu phải rõ ràng, có nhiều chi tiết và mọi chi tiết phải xoay quanh chủ đề chính, làm nền cho chủ đề chính xuất hiện. Nội dung vấn đề của Phóng sự không nhất thiết phải là cái gì đó mới xảy ra, mà cả cái đang xảy ra và đã xảy ra có khi từ rất lâu rồi, cũ kỹ lắm rồi. Cuộc sống tự nó là nguồn đề tài vô tận của văn học - báo chí nói chung và Phóng sự nói riêng, vì vậy, đòi hỏi người viết phải có khả năng khám phá, phát hiện đề tài mới, độc đáo trong những thứ hỗn độn của cuộc sống muôn màu. Muốn tiến bộ, người phóng viên phải luôn tự răn mình không chỉ viết cái mình thích mà phải viết cái bạn đọc cần. Nhà báo giỏi có thể biến những điều rất bình thường mà bất kỳ ai cũng có thể nhìn thấy, nghe được, hiểu sâu, biết rõ... trở thành đề tài hay cho một Phóng sự hấp dẫn. Một trong những việc mà phóng viên mới vào nghề hay cao tuổi không chỉ làm mà phải làm thường xuyên, là đọc thật nhiều, thật kỹ những Phóng sự của đồng nghiệp, xem họ tổ chức tác phẩm thế nào, xây dựng nhân vật và xử lý thông tin ra sao, phần kết có gì đáng học tập... Không ít trường hợp sau khi thưởng thức những Phóng sự hay, ta nhận thấy rằng sao mà họ đưa chi tiết vào đơn giản, nhẹ nhàng và hợp lý thế; trong khi những chi tiết ấy ta thừa biết và thậm chí, chính ta cung cấp cho tác giả...

Để thực hiện một Phóng sự, việc thu thập thông tin là vô cùng quan trọng. Thông tin càng dồi dào, nhiều chiều và đa dạng, càng tốt. Tuy nhiên, khi xử lý thông tin lại phải hết sức cẩn thận, cân nhắc kỹ lưỡng, chọn những thông tin nào có thể làm nên linh hồn bài viết, được bạn đọc quan tâm nhất và dĩ nhiên phải chính xác nhất. Người ta bảo: “Chi tiết nhỏ làm nên tác phẩm lớn”. Thời gian trôi đi, có thể bạn đọc quên tên tác phẩm, thậm chí quên mất cả tác giả là ai, nhưng những chi tiết “đắt” thì cứ ám ảnh, đi về mãi trong tâm trí người đọc. Với những Phóng sự mang nội dung phản ánh những tiêu cực, những mặt trái của xã hội, kinh nghiệm dạy rằng: “Biết mười, nói ba”. Cái “bảy phần” còn lại, trước hết là “chỗ lùi” của tác giả, ví như “vùng an toàn”; nếu cần thiết, đó là “cơ số đạn dự trữ” đủ sức để “chiến đấu tiếp” một khi bị phản đòn... Cần nhớ rằng, không chỉ tỉnh táo trong việc mổ xẻ vấn đề, mà phải cả tỉnh táo trong việc đưa ra những lời bình. Mọi lời bình của Phóng sự đều phải bắt đầu từ những chi tiết thực tế, có cơ sở chứng minh bằng các bức ảnh, băng ghi âm, thư từ trao đổi, các bảng biểu, bản vẽ kỹ thuật các công trình xây dựng; có thể là các biên lai thanh toán của ngân hàng, bưu điện, đơn vị thuế, tòa án nhân dân, biên lai xử phạt vi phạm giao thông, các hóa đơn giao dịch dân sự, vé máy bay (ô tô, tàu hỏa...), cả những văn bản chỉ đạo chuyên môn, hành chính, báo cáo công tác liên quan và thậm chí một vé nhà nghỉ hay một tin nhắn điện thoại di động... mà mình có được bằng cách này hay cách khác. Vẫn biết không phải tất cả những gì tác giả thu thập được đều có thể đưa vào bài viết, song nó phải được lưu giữ trong hồ sơ tài liệu và sẵn sàng trương ra khi “có chuyện”; tức là khi bài viết bị cơ quan nào đó hoặc cá nhân ai đó khiếu nại, có thể là khiếu nại từng phần hoặc toàn bộ nội dung tác phẩm.

Với những Phóng sự mà trung tâm là con người, thường các tác giả lành nghề hay tập trung khai thác tâm lý nhân vật, hoàn cảnh câu chuyện và để cho sự việc trôi đi trên mạch cảm xúc xuyên xuốt. Thay vì những số liệu nhạt nhẽo, khô khốc và lười biếng, thì các phương thức biểu đạt của văn học như biện pháp tu từ, so sánh, các câu cách ngôn, các điển tích văn học... đã giúp cho Phóng sự thêm mềm mại, dễ đọc và đương nhiên gây ấn tượng mạnh. Trước kia, những Phóng sự in sách có khi dài tới hàng chục nghìn chữ, ngay cả Phóng sự trên báo chí cũng có trường hợp kéo dài cả chục kỳ xuất bản. Nhưng nay, vì nhiều lý do, Phóng sự chỉ còn rất ngắn về dung lượng và cả nội dung phản ánh, nhiều khi chỉ xoay quanh một sự việc nhất thời, cụ thể và đơn lẻ. Song dù dung lượng thế nào chăng nữa, Phóng sự vẫn được coi là thể tài hấp dẫn với người đọc và khó viết với mọi nhà báo, kể cả là những nhà báo đã ít nhiều thành danh...

Trương Hữu Thiêm
Bình luận
Back To Top