“Những chuyến đi dài, những giấc mơ dài…”

08:36 - Thứ Hai, 20/06/2016 Lượt xem: 5657 In bài viết
ĐBP - Nói về hành trang của người làm báo ở vùng cao, trước hết, giống như những người làm báo ở vùng miền khác, là cần được trang bị về chuyên môn, nghiệp vụ và phải luôn luôn học hỏi kiến thức tất cả mọi lĩnh vực của đời sống. Ví dụ đơn giản: phóng viên viết bài về sản xuất nông nghiệp mà không có những kiến thức nhất định về nông nghiệp thì rất khó để phân tích, truyền tải, định hướng dư luận. Vậy nên, mỗi lần thực hiện bài viết về một lĩnh vực, phóng viên cần xác định: bài viết được đăng tải là kết quả của một quá trình học tập…

Phóng viên PhạmDương (Phòng Kinh tế - Nội chính) trên đường tác nghiệp tại bến Huổi Só (Sông Đà), xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa. Ảnh: P.V

Cùng với đó, đối với người làm báo Đảng địa phương như Báo Điện Biên Phủ, tư tưởng, lập trường vững vàng và sự nhạy cảm chính trị là yêu cầu bắt buộc. Sự vất vả đối với mỗi phóng viên thể hiện ngay trong quá trình đi cơ sở tác nghiệp. Đối với đội ngũ phóng viên trẻ chúng tôi hiện nay, so sánh sự vất vả với những thế hệ nhà báo đi trước là một trời một vực, khi giao thông Điện Biên trong vòng 10 năm trở lại đây đã được Nhà nước đầu tư mạnh. Đã không còn những chuyến đi bộ vài ngày, với lỉnh kỉnh lương khô, cơm nắm, nước suối… như năm nào. Thế nhưng những chuyến công tác kéo dài hàng tuần, công tơ mét xe máy đo được tổng cộng 700 - 800km là chuyện... bình thường. Dù đổi thay, nâng cấp từng ngày nhưng vẫn còn đó những Pú Xi (huyện Tuần Giáo), Nậm Chua (huyện Nậm Pồ), Huổi Mí (huyện Mường Chà) chưa có đường giao thông đi lại được quanh năm. Đó là chưa kể còn rất nhiều bản, đường vào chỉ là những lối mòn vắt vẻo lưng núi hoặc đi bộ dọc bờ suối nửa ngày trời. Có thể dễ dàng điểm một vài cái tên như: bản Đán Đanh, xã Mường Tùng; bản Pa Ít, xã Huổi Mí (huyện Mường Chà), bản Huổi Cấu, xã Nậm Vì (huyện Mường Nhé)… Những chuyến đi dài tới những địa bàn xa xôi, cách trở là sự trải nghiệm nhưng đối với nghề báo, đây không phải là những chuyến “phượt” – một thuật ngữ mới dành cho người thích khám phá - bởi trên vai chúng tôi luôn “gánh” nhiệm vụ, trách nhiệm của những chú “ong thợ đa năng”, không chỉ gom những “mật ngọt” thành tựu phát triển từ cơ sở để biểu dương, nhân rộng mà cả những “đắng cay”, khốn khó của những số phận, vùng đất để sẻ chia, tiếp sức. Trong một bài báo được chia sẻ, bình luận trên mạng xã hội gần đây có tít bài và nội dung bao quát là “Nhà báo nữ sống cùng nghề bằng sự nhạy cảm và lòng trắc ẩn”. Tất nhiên, người phụ nữ luôn nhạy cảm và giàu lòng trắc ẩn, vị tha nhưng đối với mỗi phóng viên vùng cao chúng tôi, dù là nam hay nữ luôn cần sự nhạy cảm và lòng trắc ẩn. Không trắc ẩn sao được khi nhìn những em bé vùng cao nước da cháy sạm vì nắng gió, quần quật trên nương, phải bỏ học giữa chừng vì nhà nghèo, thiếu lao động (bản Phìn Hồ A, xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ); đôi mắt đỏ hoe, lạc thần của người mẹ có cô con gái “chưa kịp lớn” đã bị những kẻ buôn người bán sang Trung Quốc làm gái mại dâm (bản Pá Vạt, xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông) hay cả bản chìm sâu trong nước dữ của trận lũ lịch sử tại bản Đề Chia C, xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo! Và còn nhiều lắm những khó khăn, vướng mắc có nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan từ cơ sở cần sự chung tay tháo gỡ của cả Nhà nước và người dân, trong đó, trách nhiệm của người làm Báo Điện Biên Phủ là kịp thời nắm bắt thông tin, tuyên truyền, sẻ chia, khớp nối.                    

“Cuộc đời là những chuyến đi dài, những giấc mơ dài…” và hành trang trên những chuyến đi của phóng viên Báo Điện Biên Phủ là nhiệt huyết của sức trẻ, lòng quyết tâm tìm hiểu thông tin, thực hiện những bài viết có chất lượng, mang lại hiệu ứng xã hội tích cực; là sự đồng cảm, sẻ chia với đồng bào các dân tộc nơi vùng cao, biên giới, góp phần hiện thực hóa giấc mơ no ấm, để cùng nhau đưa Điện Biên cất cánh, phát triển bền vững, giàu đẹp.

Phạm Dương
Bình luận
Back To Top