Một số thay đổi về căn cứ đóng BHXH, BHYT, BHTN mới có hiệu lực

08:59 - Thứ Hai, 27/06/2016 Lượt xem: 3288 In bài viết
ĐBP - Căn cứ quy định tại Nghị định số 47/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam ban hành Văn bản số 2026/BHXH-BT ngày 3/6/2016 hướng dẫn thu BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo mức lương cơ sở như sau:

1. Áp dụng mức lương cơ sở 1.210.000 đồng/tháng làm căn cứ tính mức lương đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN từ ngày 1/5/2016.

1.1. Đối tượng áp dụng:

a) Người lao động tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN thuộc đối tượng quy định tại Điều 2, Nghị định số 47/2016/NĐ-CP.

b) Người làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và người hưởng chế độ phu nhân, phu quân tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quy định tại Điểm g, Khoản 1, Điều 2; Khoản 4, Điều 123, Luật BHXH năm 2014.

c) Viên chức quản lý chuyên trách trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN theo quy định của Luật BHXH năm 2014, Luật BHYT năm 2008, Luật Việc làm năm 2013, hưởng lương theo quy định tại Khoản 1, Điều 2, Nghị định số 51/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ.

1.2. Các đối tượng nêu tại Điểm 1.1, Mục 1, Công văn này đóng BHXH, BHYT, BHTN căn cứ tiền lương, phụ cấp tính theo mức lương cơ sở mới là 1.210.000 đồng/tháng từ ngày 1/5/2016. Trường hợp sau 6 tháng trở lên kể từ ngày Nghị định số 47/2016/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (ngày 15/7/2016) mới truy đóng BHXH, BHYT, BHTN phần chênh lệch tăng thêm do điều chỉnh tăng mức lương cơ sở thì phải đóng cả tiền lãi tính trên số tiền truy đóng BHXH, BHYT, BHTN và thời gian truy đóng theo quy định tại Quyết định số 60/2015/QĐ-TTg ngày 27/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý tài chính về BHXH, BHYT, BHTN và chi phí quản lý BHXH, BHYT, BHTN; Thông tư số 20/2016/TT-BTC ngày 3/2/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện cơ chế quản lý tài chính về BHXH, BHYT, BHTN và chi phí quản lý BHXH, BHYT, BHTN; Công văn số 1379/BHXH-BT ngày 20/4/2016 của BHXH Việt Nam về việc hướng dẫn tính lãi chậm đóng, truy thu BHXH, BHYT, BHTN và thu BHXH tự nguyện.

2. Mức thu nhập tháng, người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn để tính mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (hiện nay là 700 nghìn đồng) và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng (hiện nay là 24.200.000 đồng).

3. Áp dụng mức lương cơ sở 1.210.000 đồng/tháng tính mức đóng BHYT đối với đối tượng chỉ tham gia BHYT.

3.1. Đối tượng được ngân sách Nhà nước đóng toàn bộ mức đóng BHYT: Từ ngày 1/5/2016 mức đóng BHYT tính theo mức lương cơ sở 1.210.000 đồng/tháng. Trường hợp được cấp thẻ BHYT trước ngày 1/5 thì cơ quan BHXH điều chỉnh mức đóng BHYT theo mức lương cơ sở 1.210.000 đồng/tháng từ ngày 1/5.

3.2. Đối tượng được ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng và người tham gia BHYT theo hộ gia đình từ ngày 1/6: Mức đóng BHYT tính theo mức lương cơ sở 1.210.000 đồng/tháng.

Thúy Quỳnh (BHXH tỉnh)
Bình luận
Back To Top