Hiểm họa từ mất an toàn lao động tại các công trình xây dựng

08:40 - Thứ Tư, 29/06/2016 Lượt xem: 5176 In bài viết
ĐBP - Hiện nay, nhu cầu xây dựng các công trình kỹ thuật, hạ tầng và phát triển đô thị ngày càng gia tăng nên việc bảo đảm an toàn tại các công trình xây dựng, nhất là những tòa nhà cao tầng càng phải quan tâm hơn nữa. Vì các công trình này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho công nhân xây dựng mà còn ảnh hưởng đến người lưu thông qua tuyến đường có công trình xây dựng đang thi công.

 

Công nhân tại một công trình xây dựng trên địa bàn phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ  không trang bị bảo hộ lao động làm việc trên hệ thống giàn giáo tạm bợ, không có lưới che chắn.

Trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ hiện có rất nhiều công trình xây dựng cao trên 2 tầng đang được thi công, trong đó không ít công trình nằm sát đường giao thông với lưu lượng người và phương tiện qua lại thường xuyên. Tuy nhiên, một số công trình không trang bị lưới chắn bảo vệ an toàn hoặc nếu có thì cũng chỉ che chắn qua loa, lấy lệ. Có mặt tại tổ dân phố 8, phường Tân Thanh, TP. Điện Biên Phủ, chứng kiến công trình cao 4 tầng đang thi công nhưng lại được che chắn rất sơ sài. Công trình khi xây lên cao, giàn giáo được sử dụng bằng gỗ tạp, tre… một cách qua loa rồi lót thêm tấm ván làm chỗ đi lại và chỉ cần một sơ sẩy nhỏ là người lao động phải chịu hậu quả. Trong khi đó, công trình này nằm cạnh đường giao thông có nhiều người dân qua lại càng khiến mọi người cảm thấy bất an khi lưu thông qua đây. Anh Đào Ngọc Trường, tổ dân phố 8, phường Tân Thanh, TP. Điện Biên Phủ - người thường xuyên qua lại đoạn đường này, cho biết: Từ khi công trình này thi công, mỗi lần đi qua đây tôi luôn cảm thấy bất an vì một công trình cao tầng nhưng chỉ được che chắn tạm bợ bằng tấm bạt dứa. Trong khi bê tông, gạch, vữa… được di chuyển lên xuống liên tục ngay trên đầu và có thể rơi bất cứ lúc nào. Có lần qua đây, chứng kiến tấm bạt chắn chỉ được cố định một đầu, còn đầu kia thì bay lơ lửng, chạm xuống đường khiến người qua đường vô cùng lo lắng.

Tương tự, ở tổ dân phố 32, phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ, một công trình nhà dân sinh 5 tầng xây dựng bên cạnh tuyến đường có nhiều người qua lại nhưng trong quá trình thi công, công nhân xây dựng lắp đặt hệ thống giàn giáo ở một số vị trí chỉ chống đỡ tạm bợ bằng tre, gỗ khiến nguy hiểm luôn rình rập với người dân sống ở đây cũng như những người tham gia giao thông qua khu vực này. Mặt khác, công nhân còn sử dụng hệ thống máy ròng rọc tời gạch, cát, xi măng lơ lửng giữa không trung mà không được trang bị bảo hộ lao động như: dây an toàn, quần áo, giày, mũ... Tình trạng người lao động sử dụng những chiếc máy có công suất nhỏ tời gạch, cát, đá, xi măng có khối lượng hàng chục, thậm chí hàng trăm kilôgam lên, xuống; còn phía dưới công nhân vẫn đầu trần vô tư đi lại là khá phổ biến. Sợi cáp bằng chiếc đũa sử dụng tời vật liệu xây dựng nặng như vậy thì việc đứt dây cáp là chuyện rất dễ xảy ra.

Theo một số công nhân xây dựng cho biết, họ là lao động tự do, lao động thời vụ, chưa được đào tạo đầy đủ, nghiêm túc nên không hiểu hết được những quyền lợi của người lao động và không biết những quy định về an toàn lao động. Hầu hết họ làm việc theo thỏa thuận với chủ thầu mà không có hợp đồng lao động, không được trang bị bảo hộ lao động, không có bảo hiểm. Có khi, chủ thầu thi công là những người thân quen, anh em rủ đi làm thì cứ xuề xòa với nhau, miễn là làm công xong có lương là được. Vì vậy, tình trạng ngã gẫy tay, gẫy chân, dẫm phải đinh… tại công trình không phải là chuyện hiếm, nhưng chủ thầu và họ “thỏa thuận” đền bù, hỗ trợ là xong. Vì miếng cơm, manh áo nên họ đành chấp nhận mọi nguy hiểm.

Anh Nguyễn Việt Phương, Trưởng phòng Quản lý hoạt động xây dựng, Sở Xây dựng, cho biết: Trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ, phần lớn là những công trình xây dựng nhà dân nhỏ nên họ đã bất chấp mọi quy định đảm bảo an toàn và vệ sinh trong quá trình thi công. Theo quy định của Sở Xây dựng, để khởi công một công trình xây dựng cần phải có biện pháp để đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường trong quá trình thi công xây dựng. Các biện pháp đảm bảo an toàn, nội quy về an toàn phải được phổ biến và công khai trên công trường xây dựng để mọi người biết và chấp hành. Còn đối với những vị trí nguy hiểm trên công trường cần phải được rào chắn, biển cảnh báo, hướng dẫn đề phòng tai nạn và công trình phải có lưới bảo hộ che chắn… Đối với các công trình có chiều cao lớn, giàn giáo thi công phải đảm bảo ổn định, chắc chắn, đúng kỹ thuật và phải có lưới bảo vệ xung quanh công trình và người lao động được trang bị dây bảo hiểm và đồ bảo hộ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rất nhiều công trình nhà cao tầng khi xây dựng không được trang bị rào chắn, nếu có cũng rất sơ sài. Những công trình xây dựng dân sinh, đơn vị thi công là doanh nghiệp nhỏ hoạt động mang tính mùa vụ nên để tiết kiệm chi phí trong xây dựng hầu hết các doanh nghiệp chưa tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động. Lực lượng nhân công chủ yếu là lao động nông thôn, lao động theo thời vụ nên các doanh nghiệp không chú ý đến vấn đề đào tạo chuyên môn về an toàn lao động. Thời gian qua, đoàn kiểm tra của Sở Xây dựng đã tiến hành kiểm tra, nhắc nhở đối với một số công trình, trong đó có công trình trụ sở Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Điện Biên và yêu cầu nhà thầu tăng cường bố trí giàn giáo chống đỡ sàn các tầng, tiến hành kiểm tra an toàn giàn giáo tuân thủ theo quy định. Tháo dỡ giàn giáo theo đúng quy trình đảm bảo an toàn cho con người, công trình và môi trường xung quanh. Đồng thời, yêu cầu đơn vị thi công trang bị bảo hộ lao động cho công nhân làm việc trên công trường và phải có biện pháp che chắn, cảnh báo an toàn tại các vị trí vùng biên nguy hiểm. 

Để khắc phục tình trạng mất an toàn lao động tại các công trình xây dựng, thiết nghĩ, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành quy định về an toàn lao động của các chủ thầu, chủ công trình và nâng cao nhận thức của người lao động; các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra các công trình xây dựng; phải có các chế tài đủ mạnh, xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm quy định về an toàn lao động.

Bài, ảnh: Quang Hưng
Bình luận
Back To Top