Nhiều khó khăn trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Mường Chà

08:45 - Thứ Tư, 29/06/2016 Lượt xem: 3392 In bài viết
ĐBP - Huyện Mường Chà hiện có gần 25.000 người trong độ tuổi lao động, chiếm gần 60% tổng số dân cư trên địa bàn, trong đó, số có khả năng lao động chiếm trên 95%. Tuy nhiên, số lao động qua đào tạo chỉ chiếm khoảng 30%, tương ứng với trên 8.000 lao động. 

Với thực tế trên, việc triển khai Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020 (Đề án 1956 của Chính phủ) với đối tượng là LĐNT trong độ tuổi lao động, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người bị thu hồi đất canh tác… được coi là cơ hội cho nhiều lao động của huyện. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, huyện Mường Chà đang còn nhiều khó khăn.

 
Tại Trung tâm Dạy nghề huyện Mường Chà, để công tác đào tạo nghề cho LĐNT đạt kết quả cao, ngoài những lớp dạy nghề phi nông nghiệp bắt buộc tổ chức tại Trung tâm, nhiều lớp đào tạo nghề nông nghiệp về trồng trọt, chăn nuôi đã được Trung tâm linh động mở tại bản, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân đăng ký học. Với phương châm “trăm hay không bằng tay quen”, giảng viên dành khoảng 30% thời gian dạy lý thuyết, 70% thời gian học viên sẽ được thực hành ngay trên mô hình theo cách “cầm tay chỉ việc”. Học viên được chia thành từng nhóm, thực hành những kiến thức đã học, thảo luận và trình bày kết quả trước lớp. Sau đó, giáo viên sẽ nhận xét, đánh giá và trực tiếp thao tác lại những khâu học viên chưa thành thạo.

 

Sau khi được đào tạo nghề nông nghiệp, nhiều học viên đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất. Trong ảnh: Anh Lò Văn Sự, bản Na Pheo, xã Na Sang chăm sóc đàn bò.

Mặc dù khá linh hoạt trong quá trình triển khai thực hiện Đề án song kết quả chưa thực sự khả quan. Nhiều năm liền, số lượng học viên được đào tạo đạt dưới 70% so với kế hoạch được giao. Cụ thể, năm 2015, Trung tâm Dạy nghề huyện Mường Chà đào tạo nghề theo Đề án 1956 cho gần 300 học viên tham gia, đạt 40% chỉ tiêu kế hoạch giao. Năm 2016, huyện Mường Chà được UBND tỉnh giao chỉ tiêu đào tạo nghề cho 500 LĐNT, song đến thời điểm này, huyện chưa mở được lớp nào, Trung tâm mới đang triển khai thực hiện công tác tuyển sinh. Ông Trần Trung Toàn, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Mường Chà cho biết: Sắp tới, đơn vị chuẩn bị mở 2 lớp đào tạo nghề theo Đề án 1956, gồm 1 lớp trồng nấm tại xã Pa Ham và 1 lớp chăn nuôi lợn tại xã Na Sang với tổng số học viên khoảng 70 người. Dự kiến, trong 6 tháng cuối năm, số lượng học viên được đào tạo theo Đề án 1956 tại Trung tâm khoảng 150 học viên, ước đạt gần 30% so với chỉ tiêu kế hoạch giao.

Khó khăn đầu tiên trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT ở Mường Chà hiện nay là thiếu kinh phí. Được biết, năm 2016, nguồn kinh phí huyện Mường Chà được cấp cho Đề án 1956 khoảng 158 triệu đồng và không được cấp riêng mà lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, mức hỗ trợ mỗi học viên theo Đề án 1956 tối thiểu 1,5 triệu đồng/khóa học, tối đa là 3 triệu đồng/khóa học thì số tiền được cấp nếu chỉ tính ở mức tối thiểu cũng chỉ được trên 100 học viên, trong khi chỉ tiêu được giao năm 2016 là 500 người. Giáo viên dạy nghề nông nghiệp còn thiếu, hiện Trung tâm mới có 2 giáo viên giảng dạy ngành nghề nông nghiệp và 3 giáo viên dạy nghề phi nông nghiệp, trong khi thực tế nhu cầu học và số lượng các lớp dạy nghề nông nghiệp chiếm đa số. Từ chỗ thiếu giáo viên, Trung tâm phải ký hợp đồng thỉnh giảng với những cán bộ là kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề hoặc sinh viên mới tốt nghiệp đại học… Khi ký hợp đồng thuê giáo viên thì phải trả lương, trong khi kinh phí phân bổ hàng năm cho đào tạo nghề còn hạn chế. Hơn thế, việc hỗ trợ còn thấp, chưa có chính sách đãi ngộ nên khó thu hút giáo viên, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dạy nghề tại Trung tâm.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề chưa được chú trọng đúng mức nên nhiều người dân ở vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận được chính sách này hoặc nhiều lao động chỉ đăng ký học nghề theo phong trào chứ chưa coi việc học nghề là yêu cầu cần thiết để có thêm việc làm, tăng thu nhập ổn định cuộc sống hay để nâng cao tay nghề. Tâm lý của một bộ phận người lao động không chịu xa gia đình nên việc học nghề chuyển dịch cơ cấu lao động còn gặp nhiều khó khăn. Điều đáng quan tâm nữa là vận động được nông dân tham gia học nghề đã khó, giữ cho bà con lên lớp đến hết khóa lại càng khó hơn bởi với nhiều người dân, đi học là xem như mất một ngày công lao động, vì vậy tình trạng nhiều người bỏ học giữa chừng cũng không phải là chuyện hiếm ở các lớp đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn huyện...

Thiết nghĩ, để công tác đào tạo nghề cho LĐNT đạt hiệu quả, trước hết, huyện Mường Chà cần tăng cường tuyên truyền về chủ trương, chính sách đào tạo nghề cho LĐNT của Đảng và Nhà nước để người dân nhận thức được vai trò của học nghề đối với tạo việc làm, tăng thu nhập. Cùng với đó, cần có sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, huy động được sự tham gia của các doanh nghiệp trong việc xác định nhu cầu, tổ chức dạy nghề, tổ chức lao động sản xuất và bao tiêu sản phẩm hàng hóa; gắn dạy nghề với các chương trình hỗ trợ khác như vay vốn phát triển sản xuất sau khi có chứng chỉ học nghề. Huyện tranh thủ các nguồn lực, đảm bảo đáp ứng được kinh phí để thực hiện các chỉ tiêu giao về đào tạo nghề cho LĐNT.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top