Tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm an toàn giao thông đường thủy

16:38 - Thứ Tư, 06/07/2016 Lượt xem: 2358 In bài viết

Ngày 5-7, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 23/CT-TTg chỉ đạo các bộ ngành, địa phương liên quan tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới.

Theo đó, để tiếp tục ngăn ngừa tai nạn giao thông đường thủy, bảo đảm an toàn cho người, phương tiện giao thông và công trình kết cấu hạ tầng giao thông trên sông và vùng nước đường thủy nội địa khu vực ven biển, Thủ tướng yêu cầu Bộ GT-VT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm nhằm kéo giảm sâu tai nạn giao thông đường thủy 6 tháng cuối năm để bảo đảm mức giảm chung của cả năm 2016 từ 5% đến 10%. Đồng thời, tiến hành tổng điều tra phương tiện thủy nội địa và thuyền viên, người lái phương tiện, đơn vị kinh doanh vận tải đường thủy, hoàn thành trong năm 2017.

Nghiêm cấm phương tiện xuất bến khi vi phạm chở quá tải trọng, quá số người và thiếu các phương tiện cứu sinh cho hành khách theo quy định.

Tiến hành kiểm tra điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các phương tiện thủy nội địa, nhất là các phương tiện chở khách, tàu lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi, tàu hoạt động từ bờ ra đảo, giữa các đảo; tăng cường phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông trong tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các phương tiện không đăng kiểm hoặc hết hạn đăng kiểm.

Cùng với đó, Bộ Công an chủ trì các đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa là nguyên nhân trực tiếp gây mất an toàn như phương tiện chở quá tải, quá số người quy định, không đăng ký, đăng kiểm; người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định...; phát hiện và khắc phục dứt điểm các “điểm đen” tai nạn giao thông đường thủy; chỉ đạo làm rõ nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông đường thủy đặc biệt nghiêm trọng.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu kiểm tra hoạt động bến khách ngang sông trên địa bàn; kiên quyết đình chỉ hoạt động nếu vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn; Chủ tịch UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tai nạn đối với vận tải hành khách ngang sông trên địa bàn quản lý.

Theo thống kê, từ năm 2011 đến năm 2014, tai nạn giao thông đường thủy giảm liên tục cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, năm 2015, số vụ tai nạn giao thông đường thủy tăng 21,77%, số người chết tăng 20,34%, số người bị thương tăng 44,44% so với năm 2014. Trong 6 tháng đầu năm 2016, tai nạn giao thông đường thủy tuy có giảm về số vụ, số người chết và số người bị thương, nhưng liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giữa phương tiện thủy với cầu vượt sông, gây thiệt hại lớn về tài sản…

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top