Vì chất lượng dân số vùng cao

10:06 - Thứ Năm, 07/07/2016 Lượt xem: 3748 In bài viết

ĐBP - Công tác DS – KHHGĐ ở các huyện vùng cao trên địa bàn tỉnh những năm gần đây có sự chuyển biến tích cực, Mường Ảng, Mường Nhé là một trong các địa bàn như thế. Kết quả đó có đóng góp không nhỏ của những cán bộ chuyên trách dân số. 

Trò chuyện, tiếp xúc với những người làm công tác dân số ở vùng cao mới hiểu, không phải ai cũng có khả năng thuyết phục, cũng như tính kiên trì và lòng yêu nghề để có thể hoàn thành tốt công việc này. Bởi trong quá trình tiếp xúc tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số, các cộng tác viên dân số đã gặp không ít khó khăn trở ngại. 

 

Cán bộ chuyên trách dân số xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo tuyên truyền công tác DS - KHHGĐ cho người dân.

Không ít lần đi rồi lại về các thôn, bản để tuyên truyền cho bà con hiểu, xóa bỏ định kiến “trọng nam, khinh nữ” đã ăn sâu, bám rễ trong tiềm thức của một số người dân xã Ẳng Nưa (huyện Mường Ảng), nhưng chị Phan Thị Vân (sinh năm 1965), cán bộ chuyên trách dân số của Trạm Y tế xã Ẳng Nưa vẫn không nản lòng. Ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với chị Vân là sự năng động, linh hoạt và nhiệt tình trong triển khai các hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS – KHHGĐ). Tuy là địa bàn dân cư rộng, phân bố không đồng đều song với tình yêu nghề, chị Vân đã vượt qua khó khăn. Hàng tuần, chị tích cực vận động đồng bào các dân tộc thực hiện tốt công tác DS – KHHGĐ tại địa phương. Tát Hẹ là bản cách xa trung tâm xã nhất, có 100% đồng bào dân tộc Mông, phong tục, tập quán của người dân nơi đây còn lạc hậu, nhận thức chưa cao. Do vậy, trong công tác dân số, chị chú trọng tập trung công tác truyền thông trực tiếp tại địa bàn bản Tát Hẹ nhằm nâng cao nhận thức của người dân. Ban ngày, người dân thường lên nương, do vậy chị chủ yếu tuyên truyền vào những buổi tối và lồng ghép trong các buổi sinh hoạt đoàn thể. Ngoài tuyên truyền cho các chị em, chị Vân còn chú trọng tuyên truyền đối tượng là nam giới chủ hộ gia đình về vị trí, vai trò của phụ nữ. Đến nay, những hủ tục và định kiến “trọng nam, khinh nữ” của đồng bào dân tộc Mông đã dần xóa bỏ. Trong 6 tháng đầu năm, chị Vân đã tổ chức truyền thông nhiều đợt tại hầu hết các thôn, bản và thường xuyên tổ chức họp nhóm, khu dân cư. Kết quả, tỷ lệ áp dụng các biện pháp tránh thai ở xã Ang Nưa đạt 79%. Trong số 30 trẻ sinh ra thì chỉ có 2 trẻ vi phạm chính sách dân số là con thứ 3 trở lên. Bởi vậy, nhiều năm liền xã Ẳng Nưa luôn dẫn đầu trong toàn huyện về việc thực hiện tốt công tác DS – KHHGĐ.

Không chỉ ở Mường Ảng mà huyện Mường Nhé cũng đạt những kết quả thật đáng mừng trong chiến dịch truyền thông nhóm, nói chuyện chuyên đề tại cộng đồng. Với đặc thù là huyện biên giới, Mường Nhé, tập trung vào đối tượng như: Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai, vị thành niên và đặc biệt là dân di cư. Trong số các cán bộ dân số ngày ngày miệt mài ở vùng cao biên giới, anh Pờ Dần Sơn, cán bộ chuyên trách dân số xã Sín Thầu là người có nhiều tâm huyết với nghề. Địa bàn rộng, điều kiện phát triển kinh tế chưa đồng đều, nên việc triển khai công tác DS – KHHGĐ ở Sín Thầu gặp không ít khó khăn. Do là địa bàn có nhiều dân di cư, hàng tháng, anh Sơn rà soát lại toàn bộ danh sách số phụ nữ từ 15 – 49 tuổi, phân loại đối tượng, nhất là tập trung vận động vào đối tượng có con một bề để tuyên truyền nâng cao nhận thức. Đồng thời, trong các buổi họp dân, thường xuyên lồng ghép, tuyên truyền vận động bà con tích cực sử dụng dịch vụ chăm sóc SKSS – KHHGĐ, ổn canh ổn cư, phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó, kết quả thực hiện chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS – KHHGĐ của xã đạt cao. Tỷ suất sinh (năm 2015) là 13,67%o, tỷ lệ sinh con thứ 3 (năm 2015) là 11,1%, tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai tăng so với năm 2015... Vì vậy, kết quả thực hiện công tác DS – KHHGĐ trên địa bàn xã năm nào cũng đạt cao. Anh Pờ Dần Sơn, chia sẻ: Trong thời gian thực hiện chiến dịch dân số, tôi đã rà soát danh sách, nắm bắt từng đối tượng, trực tiếp đến nhà vận động người dân đến Trạm Y tế xã để thực hiện các biện pháp KHHGĐ. Đối với các cộng tác viên ở thôn, bản, thì việc hướng dẫn tỷ mỷ ghi và theo dõi thông tin biến động tại địa bàn và báo cáo nhanh, chính xác trong các buổi giao ban hàng tháng là việc làm được chú trọng. Nhiệm vụ cụ thể, phù hợp với mỗi địa bàn dân cư được phân công rõ ràng cho các cộng tác viên. Ngoài việc duy trì công tác phối hợp với các ban ngành đoàn thể xã và các đơn vị đứng chân trên địa bàn thì anh còn lồng ghép nói chuyện về các vấn đề SKSS – KHHGĐ trong các buổi sinh hoạt chung của nhóm cơ quan và đơn vị.

Theo đánh giá của bà Đặng Thúy Lan, Trưởng Phòng Truyền thông – Giáo dục, Chi cục DS – KHHGĐ tỉnh: Mặc dù năm 2015, nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia về dân số bị cắt giảm, nhất là kinh phí cho hoạt động truyền thông. Hiện nay, trụ sở làm việc của trung tâm DS – KHHGĐ huyện Mường Ảng, Nậm Pồ chưa có, tại các huyện: Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Nhé cũng đã xuống cấp... Song với sự nhiệt tình, trách nhiệm của những cán bộ chuyên trách dân số, kết quả đạt được trong công tác DS – KHHGĐ tỉnh đã có những tín hiệu đáng mừng. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm, nhiều huyện vùng cao trong tỉnh đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, tiêu biểu là các huyện Tuần Giáo, Mường Ảng, Mường Chà… Toàn tỉnh đã tổ chức giám sát công tác dân số tại 8/8 huyện và 16 xã triển khai chiến dịch tăng cường tuyên truyền vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS – KHHGĐ đến vùng sâu, vùng xa, vùng có mức sinh cao. Tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Có được kết quả tích cực trên, ở các thôn, bản vùng cao, những người làm công tác dân số vẫn ngày ngày miệt mài đến từng nhà, gõ từng cửa nhằm đóng góp kết quả tích cực trong công tác DS – KHHGĐ.

Mai Phương
Bình luận
Back To Top