Pú Nhi - những ánh mắt buồn

10:41 - Thứ Năm, 07/07/2016 Lượt xem: 3589 In bài viết

ĐBP - Thời gian gần đây, trên địa bàn xã Pú Nhi (huyện Điện Biên Đông), nhiều phụ nữ rời quê hương sang Trung Quốc mưu cầu cuộc sống sung sướng, giàu sang để lại những đứa con thơ không nơi nương tựa. Tình trạng này đang diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, ngăn chặn, để lại những hệ lụy xót xa. 

Nhiều người bỏ quê vượt biên

Pú Nhi là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Điện Biên Đông, chủ yếu là người dân tộc Mông. Cuộc sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất trên nương, khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Chính vì cuộc sống khó khăn nên khi có lời mời gọi sang Trung Quốc làm việc vừa nhàn vừa hưởng lương cao, không mảy may suy nghĩ, nhiều người đã bỏ quê hương, rời xa gia đình, con cái để sang Trung Quốc.

Ông Mùa Chùng Dính, Chủ tịch UBND xã Pú Nhi cho biết: Hiện tượng người dân bỏ quê sang Trung Quốc xuất hiện trên địa bàn xã từ năm 2008. Thời gian đầu, mỗi năm chỉ có 1 - 2 người đi, chủ yếu là con gái chưa lập gia đình. Một thời gian sau, nhiều phụ nữ trong xã đột nhiên “biến mất” khỏi địa bàn. Người nhà cũng không biết họ đi đâu, chỉ biết rằng họ đi làm xa. Tình trạng này trở nên phổ biến và phức tạp hơn từ năm 2013. Đến nay, toàn xã có 30 phụ nữ bỏ quê đi làm ăn xa kiểu như vậy. Những người bỏ đi đều là phụ nữ, không kể đã có chồng hay chưa. Một vài người đi có liên lạc về nhà báo đang đi làm ăn xa một thời gian, số còn lại thì không có tin tức gì. Dù chính quyền xã đã tích cực tuyền truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn phức tạp và khó kiểm soát.

Việc người dân “bỏ quê” như vậy phân bố khắp các bản của xã Pú Nhi. Một số người đi biệt tăm tích 2 - 3 năm quay về thăm gia đình vài hôm lại đi tiếp, cũng có trường hợp về thăm nhà rồi dẫn con cái đi theo. Ông Sùng Chái Chu, Trưởng bản Phủ Lồng B cho biết: Khoảng 3 năm trở lại đây, bản Phủ Lồng (nay đã tách thành 3 bản: Phủ Lồng A, Phủ Lồng B, Phủ Lồng C - PV) có 11 người bỏ đi khỏi địa bàn, trong đó: 8 phụ nữ và 3 đàn ông. Mặc dù trong các buổi họp bản, chúng tôi đều tuyên truyền, vận động người dân không nghe lời dụ dỗ của người ngoài trốn sang Trung Quốc làm ăn. Tuy nhiên, công tác này không hiệu quả. Khi có ý định đi, họ đã chuẩn bị từ trước, ra đi không ai biết và nếu người nhà có biết cũng không báo nên rất khó kiểm soát.

 

Trung tá Nguyễn Duy Khang, Công an huyện cắm xã trao đổi với Giàng Thị Chứ và Lầu Thị Sua, bản Nậm Ngám B sau khi về địa phương.

Vỡ mộng cuộc sống sung sướng

Từ năm 2015 đến nay, xã Pú Nhi có 6/30 người bỏ sang Trung Quốc quay trở về địa bàn, đó là: Sùng Thị Xi (bản Phủ Lồng B); Sùng Thị Sống (bản Nậm Bó); Hạng Thị Mái (bản Pú Nhi C); Giàng Thị Chứ, Lầu Thị Sua, Lầu Thị Pà (cùng ở bản Nậm Ngám B). Khai báo với chính quyền, công an xã, những người này đều có chung câu trả lời: Sang bên kia biên giới, công việc của họ chủ yếu là bốc vác, cõng gạch, chặt chuối, chặt mía... Cuộc sống tạm bợ, nay đây mai đó, vất vả quá không chịu được nên trốn về.

Chúng tôi đến UBND xã Pú Nhi đúng lúc Trung tá Nguyễn Duy Khang, Công an huyện Điện Biên Đông cắm xã đang làm việc với 3 người: Giàng Thị Chứ, Lầu Thị Sua, Lầu Thị Pà (bản Nậm Ngám B). Hỏi thăm chị Lầu Thị Pà về khoảng thời gian đi khỏi địa bàn, chị Pà cho biết: Tôi trở về địa phương đã gần 1 tháng nay. Từ ngày rời quê hương lưu lạc xứ người, làm việc vất vả, thu nhập thấp không như những gì tôi được nghe, được mời gọi. Cuộc sống khó khăn quá nên tôi tìm cách quay về. Tôi nhận thấy rằng, không ở đâu tốt và thoải mái bằng ở nhà mình. Hiện tại, đến mùa vụ 2 vợ chồng đi làm nương, thời gian nông nhàn, tôi bán quán tạp hóa thuê với mức lương 2 triệu đồng/tháng. Tôi rất hối hận vì đã bỏ quê, xa gia đình đi Trung Quốc và sẽ không bao giờ có ý định bỏ đi nữa.

Đến giờ, sau khi đã về nhà nhưng Giàng Thị Chứ (SN 1995), Lầu Thị Sua (SN 1996) vẫn chưa hết bàng hoàng, lo sợ vì đã nghe lời dụ dỗ của một người quen vượt biên đi tìm cuộc sống giàu sang, sung sướng. Giàng Thị Chứ kể lại: “Sau khi nhận được điện thoại, tôi và Sua bắt xe lên Lào Cai. Đến nơi, có một người đón và dẫn chúng tôi về nhà họ nghỉ. Trong đêm đầu tiên ngủ tại nhà người lạ, cũng là lần đầu tiên xa nhà, chúng tôi rất sợ, lo lắng. Sau đêm đó, tôi và Sua tìm cách trốn về nhà. May mắn đến ngày 4/7/2016, chúng tôi về đến nhà. Tôi đã rất sợ, hối hận và sẽ không bao giờ có ý định bỏ đi nữa”.

Trung tá Nguyễn Duy Khang cho biết: “Sau khi những đối tượng này trở về, chúng tôi đã triệu tập, hỏi thăm. Đồng thời, tuyên truyền, vận động các đối tượng từ bỏ ý định trốn đi, yên tâm sinh sống tại quê nhà. Đặc biệt là không được giới thiệu, lôi kéo những người khác bỏ đi khỏi địa bàn. Cùng với đó, công an huyện phối hợp với chính quyền xã triển khai đồng bộ các biện pháp để phát hiện, ngăn chặn kịp thời những người đang có ý định bỏ đi khỏi địa bàn”.

...Và những hệ lụy

Thực tế hiện nay trên địa bàn xã Pú Nhi có nhiều đứa trẻ phải tự lo liệu cuộc sống, không đủ điều kiện ăn học vì hoàn cảnh gia đình: Bố lĩnh án tù vì ma túy, mẹ vượt biên tìm cuộc sống mới.

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Hạng A Ký, bản Phủ Lồng B. Hiện nay, gia đình anh Ký đang nuôi 1 đứa cháu là con của Hạng Thị Só - em gái Ký bỏ sang Trung Quốc từ năm 2015. Được biết, gia đình chị Só có 4 người con, đứa lớn nhất 9 tuổi, đứa bé nhất mới 3 tuổi. Năm 2014, chồng chị Só bị bắt vì tội buôn bán trái phép chất ma túy. Sau đó, chị Só cũng bỏ trốn sang Trung Quốc để lại 4 đứa con thơ cho người thân chăm sóc. Anh Ký cho biết: “Sau khi Só bỏ đi, ngôi nhà khóa cửa, không ai ở. 4 đứa cháu thì 3 đứa về sống với bà nội, còn 1 đứa ở với gia đình tôi. Do thiếu bàn tay chăm sóc của cha mẹ từ nhỏ, trong khi điều kiện của những người cưu mang rất khó khăn nên cuộc sống các cháu rất vất vả, không đứa nào được đi học. Nhiều hôm gọi 4 đứa cháu về nhà ăn cơm, nhìn chúng nhếch nhác, tóc dài không ai cắt, quần áo không đủ mặc, tôi rất xót xa nhưng điều kiện gia đình khó khăn nên đành chịu”.

Ở bản Phủ Lồng B còn có trường hợp gia đình Sùng Thị Xi, có 3 con, cuộc sống gia đình đang vui vẻ, hạnh phúc. Bỗng nhiên, năm 2015, chị Xi nghe lời dụ dỗ của người lạ bỏ chồng con sang Trung Quốc. Từ ngày bỏ đi, chị Xi “bặt vô âm tín”, gia đình đã đi tìm khắp nơi không thấy. Đến tháng 4/2016, chị Xi trở về nhà. Gia đình chồng không chấp nhận nên chị phải về sống với mẹ đẻ ở xã Phì Nhừ. Chỉ một giây phút thiếu suy nghĩ nên giờ chị Xi phải sống trong cảnh vợ mất chồng, mẹ xa con. Hoặc trường hợp của vợ chồng anh Hạng A Sai, bản Phủ Lồng C mới lập gia đình được 2 năm mà đang phải nuôi 6 đứa trẻ; gồm 1 con ruột và 5 đứa cháu của 2 anh trai vì hoàn cảnh bố đi tù và mẹ bỏ sang Trung Quốc. Cuộc sống gia đình vốn đã nghèo lại càng nghèo thêm.

Thời gian gần đây, việc rời bỏ quê hương sang bên kia biên giới đã trở thành vấn nạn tại xã vùng cao Pú Nhi. Chỉ vì nhận thức hạn chế, nghe lời dụ dỗ đường mật của những kẻ môi giới, nhiều phụ nữ ở đây đã rời bỏ quê hương, xa lìa người thân tìm mọi cách vượt biên mà họ đâu biết được rằng, phía bên kia biên giới có vô vàn khó khăn, thậm chí cả nguy hiểm đang chờ đợi.

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top