Sáp nhập các trung tâm công lập cấp huyện

Còn vướng mắc

08:33 - Thứ Sáu, 08/07/2016 Lượt xem: 3087 In bài viết

ĐBP - Ngày 19/10/2015, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT - BLĐTBXH - BGDĐT - BNV hướng dẫn việc sáp nhập trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp công lập cấp huyện (gọi chung là trung tâm công lập) thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Xác định rõ việc sáp nhập các trung tâm công lập cấp huyện phù hợp với yêu cầu tình hình thực tế, không chỉ giúp tinh giản bộ máy hành chính, tiết kiệm một phần ngân sách Nhà nước, mà còn khắc phục được sự chồng chéo về chức năng đào tạo, giảm tính cạnh tranh trong công tác tuyển sinh. Bởi vậy, sau khi Thông tư 39 được ban hành, ngày 29/1/2016, UBND tỉnh có Văn bản số 252/UBND – NC về việc triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 39. Theo đó, sẽ giao UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo và cơ quan liên quan xây dựng Đề án Sáp nhập các trung tâm công lập đảm bảo theo hướng dẫn; giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị có liên quan thẩm định đề án Sáp nhập trung tâm của các huyện, tổng hợp xây dựng phương án chung trình Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh xem xét quyết định trong tháng 3/2016. Đồng thời giao trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị có liên quan sau khi được cơ quan có thẩm quyền quyết định sáp nhập các trung tâm.

 

Giáo viên Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên hướng dẫn về cấu tạo xe cho học viên lớp kỹ thuật sửa chữa xe. Ảnh: Minh Thùy

Tỉnh ta hiện có 13 cơ sở dạy nghề gồm: 1 trường cao đẳng nghề, 8 trung tâm dạy nghề cấp huyện, 4 cơ sở dạy nghề khác; ngoài ra còn có 8 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện. Qua rà soát mạng lưới cơ sở dạy nghề trên địa bàn, các ngành, cơ quan liên quan đã đưa ra phương án sắp xếp. Theo đó, sau khi tiến hành sáp nhập các trung tâm công lập, toàn tỉnh sẽ có: 1 trường cao đẳng nghề tại TP. Điện Biên Phủ; 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên có trụ sở chính tại 9 huyện, thị xã: Tủa Chùa, Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên Đông, Điện Biên, Mường Chà, Mường Lay, Mường Nhé và Nậm Pồ. Ngoài ra có 4 cơ sở khác có tham gia hoạt động dạy nghề.

Đến nay, các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh đã xây dựng xong Đề án Sáp nhập các trung tâm công lập. Đặc biệt, trong quá trình triển khai xây dựng Đề án, các huyện, thị xã đã đảm bảo thực hiện đúng theo chỉ đạo của UBND tỉnh, đó là không bổ sung biên chế trong thời gian xây dựng và quá trình phê duyệt Đề án. Sau khi sáp nhập phải có phương án sắp xếp lại hoặc có kế hoạch đào tạo lại cho phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm của đội ngũ giáo viên và người lao động.

Ông Hà Quang Minh, Phó Trưởng Phòng phụ trách Phòng Dạy nghề, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội, cho biết: Bên cạnh những thuận lợi khi triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 39, vẫn còn một số vướng mắc nảy sinh như: Một số nơi còn chưa nắm rõ quy trình sáp nhập, tổ chức lại cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ… Ngoài ra, do đặc thù cơ chế hoạt động của 2 trung tâm: Dạy nghề và giáo dục thường xuyên lại chịu sự quản lý về chuyên môn của 2 sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo nên sự chỉ đạo tập trung, thống nhất sẽ khó khăn. Cùng với đó, chế độ, chính sách của giáo viên hiện tại chưa có sự đồng nhất bởi cán bộ quản lý, giáo viên thuộc trung tâm giáo dục thường xuyên được hưởng phụ cấp đứng lớp trong khi một số cán bộ, giáo viên trung tâm dạy nghề chưa được hưởng chế độ này dẫn đến hạn chế về khả năng phát triển của giáo viên trong công tác chuyên môn.

Sáp nhập các trung tâm công lập nhằm mục đích hoạt động hiệu quả, chất lượng hơn, song các cấp, ngành chức năng cần sớm thống nhất ban hành quy chế hoạt động chung của trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên để Thông tư liên tịch số 39 được triển khai theo đúng quy định. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng công tác dạy nghề, giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Thu Hằng
Bình luận
Back To Top