“Dân số vàng” những thách thức không nhỏ

08:18 - Thứ Hai, 11/07/2016 Lượt xem: 2688 In bài viết
ĐBP - Cùng với cả nước, việc bước vào thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” đã tạo ra nhiều cơ hội để tỉnh ta đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đặc biệt ở những bản vùng sâu, vùng xa, biên giới... Tuy nhiên, cơ cấu “dân số vàng” cũng đặt ra nhiều thách thức không nhỏ về nâng cao chất lượng dân số, giáo dục, giải quyết việc làm lao động nông thôn và chính sách an sinh xã hội...

Cơ cấu “dân số vàng” được hiểu là khi 2 người trong độ tuổi lao động (15 - 60) phải “gánh” 1 hoặc ít hơn 1 người ăn theo, tức là số người trong độ tuổi lao động nhiều gấp đôi số người phụ thuộc (không nằm trong độ tuổi lao động, không có khả năng tạo ra tài sản và không tự nuôi được bản thân). Bà Nguyễn Hải Yến, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ), cho biết: Theo tổng điều tra dân số năm 2009, độ tuổi trẻ em (0 - 14 tuổi) của tỉnh ta chiếm 35,89%; trong độ tuổi lao động (15 - 60) chiếm 58,49%; độ tuổi 60+ là 5,62% đã đưa tỉnh ta chính thức bước vào thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”. 6 tháng đầu năm 2016, dân số trung bình toàn tỉnh ước đạt 557.411 người, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm còn 0,7% so với cùng kỳ năm trước, tỷ số giới tính khi sinh được khống chế ổn định với 107 trẻ trai/100 trẻ gái... Chất lượng dân số từng bước được nâng cao, tỷ lệ bà mẹ mang thai, trẻ sơ sinh được sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh hàng năm nâng lên đã góp phần ổn định nguồn lực, nâng cao chất lượng chăm sóc người cao tuổi và trẻ em, mở ra cơ hội thuận lợi cho tỉnh ta phát triển nguồn lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

Thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” là cơ hội để cải thiện sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản cho thanh niên, vị thành niên. Trong ảnh: Học sinh Trường Phổ thông DTNT huyện Điện Biên tìm hiểu thông tin về chăm sóc SKSS qua sách, báo, tờ rơi.

Tuy nhiên, vào giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” đi liền với cơ hội là những thách thức rất lớn về việc làm và an sinh xã hội, như: Tỷ lệ lao động nông nghiệp cao trong khi diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp do đô thị hóa và chuyển đổi mục đích sử dụng; tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm của thanh niên gia tăng trong điều kiện thị trường lao động ngày càng cạnh tranh; nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng, dịch vụ y tế chưa đáp ứng nhu cầu. Từ thực tế cho thấy, dù lực lượng lao động đang rất dồi dào, nhưng chủ yếu là lao động phổ thông, tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp; chất lượng lao động ở mỗi trình độ đều chưa đạt yêu cầu; việc sử dụng lao động chưa hợp lý, chưa đúng với khả năng, trình độ của người lao động... Đặc biệt, đối với tỉnh ta trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế, sinh đẻ không có kế hoạch, dẫn đến tỷ suất sinh cao (thực hiện năm 2015 là 24,3%), điển hình, như: Nậm Pồ, Mường Chà, Điện Biên Đông... đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, bố trí việc làm cho lao động nông thôn, chính sách an sinh xã hội. Bên cạnh đó, tỷ lệ người già đang tăng nhanh (tuổi thọ trung bình của tỉnh ta 67,4) cũng sẽ là thách thức lớn về việc giải quyết an sinh xã hội trong điều kiện nền kinh tế của tỉnh còn nhiều khó khăn.

Để cơ cấu “dân số vàng” thực sự phát huy hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội và các mục tiêu, chương trình, chiến lược dân số... tỉnh ta cần đẩy mạnh các chiến dịch tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ đến vùng có mức sinh cao, vùng khó khăn; tiếp tục mở rộng triển khai đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh; mô hình tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân; chăm sóc người cao tuổi và các hoạt động giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trong công tác DS - KHHGĐ; thực hiện đạt mục tiêu giảm sinh tiến tới duy trì mức sinh thấp, hợp lý nhằm kéo dài thời gian cơ cấu “dân số vàng”, làm chậm quá trình già hóa dân số. Cùng với đó, đa dạng hóa ngành nghề, tăng cơ hội việc làm ở khu vực nông thôn, các ngành sử dụng nhiều lao động; mở rộng, nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường, tạo thuận lợi cho phụ nữ tiếp cận cơ hội đào tạo nghề; triển khai triệt để quan điểm “giáo dục và đào tạo cùng với khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu”, từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Có thể nói, để biến cơ hội từ cơ cấu “dân số vàng” thành những mục tiêu cụ thể, sớm đưa tỉnh ta trở thành tỉnh phát triển trung bình, trong khu vực trung du, miền núi phía Bắc rất cần sự đồng thuận từ phía người dân trong việc thực hiện các mục tiêu chiến lược về DS - KHHGĐ, giảm thiểu tình trạng sinh con thứ 3... Đặc biệt, cần trang bị cho mình những kiến thức, tiếp cận cơ hội đào tạo nghề, tạo việc làm và tăng thu nhập ổn định, góp phần cùng với chính quyền địa phương đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top