Huyện Mường Nhé

Nan giải việc ngăn chặn dân di cư tự do

08:56 - Thứ Hai, 19/09/2016 Lượt xem: 4030 In bài viết
ĐBP - Với diện tích tự nhiên rộng, đất đai màu mỡ, huyện Mường Nhé luôn được dân di cư tự do (DCTD) xem là “miền đất hứa” và tìm mọi cách xâm lấn. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng phá rừng trái pháp luật tràn lan; phá vỡ quy hoạch dân cư, quy hoạch sản xuất trên địa bàn thời gian qua. 

Mặc dù cấp ủy, chính quyền địa phương đã và đang triển khai quyết liệt các giải pháp ngăn chặn dân DCTD, song vấn nạn này chưa “giảm nhiệt”, và những hệ lụy của nó vẫn đang tạo áp lực lên việc bảo vệ môi trường sinh thái; đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội địa phương...

 
Diễn biến phức tạp

Theo báo cáo của UBND huyện Mường Nhé, từ năm 2006 đến ngày 22/7/2016, trên địa bàn có 1.212 hộ (6.896 khẩu) DCTD đến. Số dân DCTD đến trước thời điểm 30/4/2011 là 498 hộ (2.730 nhân khẩu). Trong đó, dân DCTD ngoại tỉnh đến 237 hộ (1.298 nhân khẩu); nội tỉnh 261 hộ (1.432 nhân khẩu). Dân DCTD đến địa bàn sau thời điểm 30/4/2011 hiện sinh sống trên địa bàn là 352 hộ (1.825 nhân khẩu). Trong đó, dân DCTD ngoại tỉnh là 181 hộ (947 nhân khẩu); nội tỉnh là 171 hộ (878 nhân khẩu). Các xã tập trung nhiều dân DCTD là: Chung Chải, Mường Nhé, Quảng Lâm...

 

Cán bộ Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Sen Thượng (huyện Mường Nhé) tuyên truyền, vận động nhân dân bản Chiếu Sừng, xã Sen Thượng không di dịch cư tự do. Ảnh: Hải Yến

Ông Lù Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: Dân DCTD tăng mạnh trên địa bàn huyện trong những năm qua là nguyên nhân phá vỡ quy hoạch bố trí, sắp xếp, quản lý và ổn định dân cư, quy hoạch sản xuất trên địa bàn... Dân DCTD là thủ phạm chính phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, huỷ hoại môi trường, sinh thái. Điển hình là trong tháng 4/2007, dân DCTD đã chặt phá trên 100ha rừng, trong đó có hàng chục héc ta thuộc vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé. Thời gian gần đây, nạn phá rừng trái phép lại bùng phát mạnh mẽ. Từ đầu năm 2015 đến ngày 10/6/2016, các cơ quan chức năng phát hiện trên địa bàn huyện có 313 vụ phá rừng trái pháp luật, với tổng diện tích rừng bị phá gần 300ha.

Xã Chung Chải - một trong những điểm "nóng" về tình trạng dân DCTD, thời gian qua đã đang phải gánh chịu những hệ lụy do dân DCTD gây ra. Ông Lỳ Lòng Tá, Chủ tịch UBND xã Chung Chải cho biết: Dân DCTD tràn vào địa bàn chặt phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, săn bắt động vật hoang dã Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé; tranh chấp đất ở, đất sản xuất với người dân bản địa; gây rối trật tự công cộng đã làm xáo trộn đời sống kinh tế - xã hội địa phương. Bên cạnh những nỗi lo như: không thể chung tay bảo vệ và phát triển rừng theo quy định của Nhà nước; các hộ dân bản địa bị lấn chiếm đất ở, đất sản xuất; tình hình an ninh chính trị và an toàn xã hội không đảm bảo; ảnh hưởng nghiêm trọng cảnh quan môi trường... thì người dân nơi đây còn lo lắng trước thực trạng xói mòn, mai một các giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa địa phương.

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Theo nội dung Văn bản số 1111/UBND-NN ngày 27/4/2016 của UBND tỉnh Điện Biên về việc đề nghị phối hợp giải quyết dân DCTD của các tỉnh, các huyện trong tỉnh đến địa bàn huyện Mường Nhé sau ngày 30/4/2011 trở về nơi ở cũ thì: “các tỉnh, các huyện có dân DCTD đến Mường Nhé chủ động xây dựng phương án đón dân trở về...” Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại việc thực hiện gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Khó khăn đầu tiên là các cơ quan chức năng rất khó tiếp cận dân DCTD đến sau thời điểm 30/4/2011 để tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước. Một phần lý do là hầu hết dân DCTD đến Mường Nhé thuộc diện hộ đói, nghèo; thành viên các hộ hầu hết mù chữ, số người thông thạo tiếng phổ thông rất ít. Đặc biệt, một số nhóm dân DCTD có tỷ lệ người mắc các tệ nạn xã hội như: nghiện ma túy, cờ bạc, trộm cắp… rất cao nên luôn có tâm lý không muốn tiếp xúc với đại diện cấp ủy, chính quyền địa phương. Từ khi họ (dân DCTD thời điểm sau ngày 30/4/2011) biết chủ trương của tỉnh là vận động đưa về quê cũ thì việc tiếp cận những nhóm người này càng khó khăn hơn.

Hiện nay, Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có chế tài đủ mạnh để giải quyết tình trạng dân DCTD như: Chưa có hình thức cưỡng chế buộc dân DCTD phải quay về quê cũ; chưa có các quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của địa phương nơi có dân DCTD đến. Bên cạnh đó công tác quản lý dân DCTD ở một số địa phương, cơ sở chưa tốt; việc phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền giữa địa phương có dân DCTD đi và đến còn nhiều vướng mắc, bất cập. Điển hình là việc thiếu trách nhiệm của một số chính quyền (nơi có dân DCTD đi) đối với những hộ DCTD chấp nhận về quê cũ như: không bố trí đất ở, đất sản xuất; hỗ trợ ổn định đời sống thời gian mới trở về... nên họ không thể sống ở quê cũ. Rất nhiều trường hợp sau khi được đưa về quê cũ không lâu họ lại tiếp tục quay lại Mường Nhé.

Một hạn chế cần được nhắc đến là công tác quản lý đất đai, quản lý rừng trên địa bàn huyện Mường Nhé chưa chặt chẽ. Hầu hết các vụ việc dân DCTD phá rừng, cải tạo các bãi bồi làm nương, ruộng được phát hiện chậm. Một số khoảnh rừng đầu nguồn, phòng hộ, thậm chí là rừng đặc dụng trên địa bàn các xã: Chung Chải, Mường Nhé, Leng Su Sìn bị tàn phá làm nương chỉ được các cơ quan chức năng phát hiện khi lúa, ngô đã lên xanh, hoặc dân DCTD đã canh tác ở đó vài vụ ngô, lúa. Việc phát hiện xử lý dân DCTD đã và sẽ gặp nhiều khó khăn khi một số hộ dân trên địa bàn (chủ yếu là dân DCTD đến trước thời điểm 30/4/2011) có mối quan hệ họ hàng với những nhóm DCTD mới, nên không những không khai báo với các cơ quan chức năng về tình hình DCTD mà còn sẵn sàng bao che, mách đường, chỉ lối để dân DCTD đến sau lẩn trốn, ứng phó.

Với quyết tâm giải quyết vấn nạn dân DCTD, thời gian qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện nhiều giải pháp ngăn chặn, xử lý dân DCTD. Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án 79 về sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé; các cơ quan, đơn vị: Công an huyện, các đồn biên phòng đứng chân trên địa bàn... bố trí cán bộ, chiến sỹ bám cơ sở giúp cấp ủy, chính quyền các xã triển khai tốt các biện pháp quản lý địa bàn, quản lý dân cư đến, đi; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân DCTD trở về quê cũ.

Mạnh Thắng
Bình luận
Back To Top