Coi trọng công tác tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông

09:26 - Thứ Hai, 19/09/2016 Lượt xem: 3430 In bài viết
ĐBP - Song song với việc tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm đối với người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) (Công an tỉnh) đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông (ATGT) tới đông đảo quần chúng nhân dân trên địa bàn.

 

Cán bộ Phòng CSGT (Công an tỉnh) hướng dẫn người dân đội mũ bảo hiểm đúng quy cách.

Những năm gần đây, đa số người dân trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực trong nhận thức về việc bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông, cũng như những hậu quả của tai nạn giao thông (TNGT) đối với mỗi người, gia đình và toàn xã hội. Tuy nhiên một số ít người dân còn chủ quan, coi thường pháp luật, như: Không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, điều khiển mô tô lạng lách, đánh võng, không tuân thủ tín hiệu đèn giao thông… ảnh hưởng đến trật tự ATGT trên địa bàn. Để hạn chế thấp nhất tình trạng vi phạm ATGT; phòng ngừa, giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương); đồng thời, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông thì công tác tuyên truyền pháp luật về ATGT có vai trò đặc biệt quan trọng. Xác định điều đó, Phòng CSGT đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cán bộ, công nhân, viên chức, học sinh và người dân trên địa bàn. Cán bộ, chiến sỹ đơn vị không quản ngại khó khăn, vất vả, đến tận địa bàn thôn, bản, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú. Một trong những biện pháp tuyên truyền được đánh giá khá hiệu quả là đặt loa tuyên truyền pháp luật về ATGT ở các ngã tư, nút giao thông trọng điểm, khu vực tập trung đông dân cư và lưu động. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tổ chức gần 340 lượt tuyên truyền lưu động, tuyên truyền tại khu vực chợ, bến xe, tại các ngã ba, ngã tư bằng loa phóng thanh, thu hút hàng chục nghìn lượt người nghe.

Ngoài cách làm trên, nhiều hình thức tuyên truyền khác như: phát tờ rơi, treo tranh, ảnh về các vụ TNGT, giới thiệu biển báo chỉ dẫn trên các tuyến đường, hướng dẫn người dân đội mũ bảo hiểm đúng quy cách… được triển khai trên diện rộng, phù hợp với từng điều kiện, từng đối tượng cụ thể. Đơn cử như với học sinh, sinh viên thì tổ chức các cuộc thi: vẽ tranh về giao thông, mô hình sa hình, trả lời câu hỏi dựa trên các tình huống gặp phải khi tham gia giao thông, sân khấu hóa…

Từ đầu năm đến nay, Phòng CSGT đã phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại 186 cơ quan, doanh nghiệp, trường học, cụm dân cư với trên 30.400 lượt người tham gia; phát trên 24.100 tờ rơi, 130 mũ bảo hiểm; nhắc nhở gần 18.500 lượt lái xe ô tô tại các khu đèo dốc chú ý phòng ngừa TNGT xảy ra; tổ chức cho gần 1.300 trường hợp ký cam kết không lấn chiếm hành lang ATGT; tổ chức tập huấn kiến thức ATGT và kỹ năng lái xe cho 850 đoàn viên, thanh niên. Đơn vị còn phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức cuộc thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ theo hình thức sân khấu hóa cho các cơ sở đoàn trên địa bàn tỉnh gồm 13 đội thi với 130 đoàn viên tham gia; phối hợp với Phòng Phong trào (Công an tỉnh) tổ chức 3 đợt tập huấn nghiệp vụ pháp luật cho 445 lượt cán bộ, chiến sỹ; phối hợp với các cơ quan truyền thông xây dựng 10 phóng sự, tin bài tuyên truyền về ATGT phát trên sóng truyền hình và Báo Điện Biên Phủ. Duy trì thường xuyên việc chiếu phim tuyên truyền về ATGT cho khách đến giao dịch đăng ký xe và người vi phạm đến xử lý tại phòng tiếp dân.

Thượng tá Trần Văn Vang, Phó trưởng Phòng CSGT, Công an tỉnh cho biết: Bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT của đơn vị đã phát huy hiệu quả thiết thực. Để công tác này được thực hiện tốt hơn nữa, cấp ủy, chính quyền các cấp cần đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện, kiên trì, liên tục công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến người dân. Các cơ quan Nhà nước, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp có trách nhiệm giáo dục cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các thành viên trong tổ chức chức của mình gương mẫu chấp hành pháp luật.

Bài, ảnh: Đức Huy
Bình luận
Back To Top