Giải quyết việc làm cho người lao động ở Mường Nhé

Hiệu quả chưa cao

13:58 - Thứ Tư, 21/09/2016 Lượt xem: 3165 In bài viết
ĐBP - Giải quyết việc làm cho người lao động (NLĐ) là nhiệm vụ quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Thời gian qua, huyện Mường Nhé đã triển khai nhiều biện pháp để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho NLĐ. Song do nhiều nguyên nhân, đến nay công tác giải quyết việc làm cho NLĐ trên địa bàn huyện vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn…

 

Cán bộ giáo viên Trung tâm Dạy nghề huyện Mường Nhé hướng dẫn học viên đào hố trồng rừng.

Tính đến hết năm 2015, dân số trên địa bàn huyện Mường Nhé là trên 38.000 người, trong đó 100% dân số thuộc khu vực nông thôn với 20.800 người trong độ tuổi lao động (chiếm 54,7% so với tổng số dân). Chủ yếu sản xuất nông nghiệp nên sau mỗi vụ thu hoạch đa số người dân không có việc làm thêm để nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Để tạo việc làm cho NLĐ, giúp người dân yên tâm ổn định cuộc sống, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giải quyết việc làm cho NLĐ, huyện Mường Nhé triển khai đồng bộ nhiều biện pháp cụ thể. Huyện chủ động mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo nhu cầu của thị trường và mong muốn của NLĐ. Từ năm 2014 đến nay, huyện đã mở gần 30 lớp đào tạo nghề cho hơn 1.000 lao động nông thôn. Mặt khác, huyện cùng với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện tạo điều kiện để NLĐ được vay vốn từ Quỹ cho vay giải quyết việc làm để đầu tư phát triển chăn nuôi, sản xuất. Tính đến hết tháng 8/2016, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện đang cho 131 hộ vay giải quyết việc làm với tổng dư nợ hơn 4 tỷ đồng; 6 hộ vay vốn đi xuất khẩu lao động với tổng dư nợ 111 triệu đồng.

Đặc biệt, huyện còn phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động đi làm việc ở trong và ngoài tỉnh để tư vấn, giới thiệu cho lao động trên địa bàn. Bên cạnh đó, công tác xuất khẩu lao động được huyện Mường Nhé quan tâm thực hiện thông qua việc tổ chức hội nghị tư vấn, giới thiệu cho người lao động đi làm việc tại những thị trường tiềm năng, như: Malaysia, Lào, Hàn Quốc…

Mặc dù công tác giải quyết việc làm cho NLĐ đã được huyện Mường Nhé quan tâm triển khai bằng nhiều biện pháp, song do nhiều nguyên nhân hiệu quả đạt được chưa cao. So với mong muốn, nhu cầu giải quyết việc làm của người lao động thì số lượng người được tạo việc làm mới hàng năm còn hạn chế. Năm 2014, huyện tạo việc làm mới  cho 550 lao động, năm 2015 là 570 lao động, từ đầu năm đến nay là khoảng 300 lao động. Trong công tác đào tạo nghề, mặc dù được đánh giá là mang lại hiệu quả song các nghề được đào tạo chủ yếu vẫn là trồng trọt, chăn nuôi hoàn thành khóa học NLĐ lại tự vận dụng, thực hành trên chính diện tích đất sản xuất, chăn nuôi của gia đình... Trong khi nghề xây dựng, sau đào tạo nhiều lao động không có việc làm nên đành quay về sản xuất nông nghiệp. Trong hoàn cảnh đó, xuất khẩu lao động được coi là giải pháp mang lại hiệu quả, nhưng khi chưa xuất khẩu thêm lao động nào trong năm 2016 thì số lao động xuất khẩu sang Lào năm 2015 đã bỏ về nhà do không chịu được áp lực, khối lượng công việc, kỷ luật lao động bên xứ người.

Lí giải về nguyên nhân dẫn đến hiệu quả công tác giải quyết việc làm cho NLĐ trên địa bàn còn nhiều hạn chế, bà Pờ Diệu Ninh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé, cho biết: Do đa số người dân trên địa bàn huyện là người dân tộc thiểu số (chiếm 98%), trình độ nhận thức chưa cao, trong khi điều kiện đi lại, thông tin liên lạc đến các xã, bản còn khó khăn; công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho NLĐ chưa thực sự được chú trọng; đội ngũ cán bộ cơ sở còn thiếu và yếu nên phần nào ảnh hưởng đến kết quả triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, tình trạng di cư tự do trái phép trên địa bàn cũng khiến việc giải quyết việc làm cho NLĐ gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, do ảnh hưởng của phong tục tập quán nên NLĐ không muốn đi xa làm việc, sống xa gia đình, làng, bản; việc dạy nghề chưa thực sự gắn kết, bám sát với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực; ý thức kỷ luật lao động còn thấp, chưa có chính sách hỗ trợ cho NLĐ sau học nghề… cũng là nguyên nhân khiến việc giải quyết làm việc cho NLĐ trên địa bàn huyện Mường Nhé trở thành bài toán nan giải.

Cũng theo bà Pờ Diệu Ninh: Để triển khai thực hiện hiệu quả công tác giải quyết việc làm cho NLĐ, thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo các xã vào cuộc quyết liệt, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho NLĐ; có kế hoạch dạy nghề cụ thể gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; nâng cao chất lượng dạy nghề, ưu tiên vay vốn giúp NLĐ giải quyết việc làm; tiếp tục đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động; phối hợp với các đơn vị để giới thiệu, tư vấn cho người lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh… Từ đó, thực hiện hiệu quả công tác giải quyết việc làm cho NLĐ, giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Bài, ảnh: Đức Linh
Bình luận
Back To Top