Khởi sắc từ Chương trình 135

14:17 - Thứ Sáu, 23/09/2016 Lượt xem: 4224 In bài viết
ĐBP - Sau 5 năm triển khai Chương trình 135 (giai đoạn 2011 - 2015), bộ mặt thôn, bản ở các xã vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh đã có sự đổi thay rõ rệt. Nhiều công trình phục vụ dân sinh được xây dựng và đưa vào sử dụng hiệu quả, đồng bào các dân tộc vùng sâu vùng xa được tiếp thu kỹ thuật canh tác mới, được hỗ trợ giống, nông cụ sản xuất góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế.

 

Từ nguồn vốn Chương trình 135, xã Mường Thín, huyện Tuần Giáo được đầu tư đường bê tông về tận bản.

Từ lời giới thiệu của anh Triệu Thanh Hồng, Phó phòng Chính sách Dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh, chúng tôi về huyện Mường Ảng, một trong những địa phương tiêu biểu về việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của chương trình. Là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, Mường Ảng có 8 xã và 2 bản đặc biệt khó khăn được thụ hưởng chính sách từ chương trình. Những năm qua, nhờ thực hiện hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của chương trình đã giúp cho bộ mặt nông thôn ở các xã từng ngày được khởi sắc, hàng nghìn lượt hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Điện lưới quốc gia kéo về tận gia đình, những “cung đường 135” nối bản, làng giúp bà con đi lại thuận lợi, thúc đẩy giao thương, buôn bán trao đổi hàng hóa, phát triển kinh tế. Nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư mua sắm máy móc, mở mang ngành nghề dịch vụ, buôn bán. Với hơn 70 tỷ đồng từ nguồn vốn của Chương trình 135, huyện đã triển khai 20 mô hình phát triển sản xuất, hỗ trợ 175 máy móc công cụ, 49 công trình giao thông, thủy lợi, trường học... với 2.023 hộ được thụ hưởng.

Theo anh Cà Văn Lợi, Phó phòng Dân tộc, huyện Mường Ảng, nhiều công trình quan trọng, thiết yếu đã kịp thời phục vụ đời sống sinh hoạt cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Các mô hình giống, cây trồng, vật nuôi và chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, như: máy móc, công cụ, giống cây trồng, vật nuôi… đã góp phần nâng cao trình độ sản xuất của đồng bào. Các mô hình thí điểm được tiếp thu và nhân ra diện rộng, các loại giống cây trồng phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương, nâng cao năng suất chất lượng cây trồng góp phần cơ bản vào việc xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Không chỉ trên địa bàn huyện Mường Ảng mà 101/130 xã và 22 thôn, bản đặc biệt khó khăn ở các huyện khác được chương trình hỗ trợ đã góp phần tạo thêm nhiều động lực để bộ mặt nông thôn và đời sống người dân vùng sâu, vùng xa ngày một phát triển. Chương trình 135 (giai đoạn 2011 - 2015) không chỉ là động lực để người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế mà còn góp phần rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền, tạo điều kiện để các xã đặc biệt khó khăn có điều kiện phát triển. Với trên 600 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 135 và các nguồn vốn khác, đã thực hiện hỗ trợ gần 5.000 con gia súc, gia cầm; 22 tấn cây lương thực; gần 100 tấn thức ăn và phân bón các loại... Hỗ trợ xây dựng gần 100 mô hình trồng lúa, ngô, cây ăn quả và mở 30 lớp tập huấn về kiến thức, áp dụng khoa học vào chăn nuôi với hàng nghìn lượt người tham gia. Đối với dự án hỗ trợ cơ sở hạ tầng, đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng gần 500 công trình, trong đó có 177 công trình giao thông, 112 công trình thủy lợi, 75 công trình nước sinh hoạt phục vụ cho gần 3.000 hộ dân... góp phần thay đổi điều kiện hạ tầng nông thôn các huyện. Cùng với đó, các địa phương còn sử dụng nguồn vốn từ các chương trình, dự án giảm nghèo để hỗ trợ cho bà con dân tộc thiểu số ở các xã đặc biệt khó khăn phát triển sản xuất, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Trao đổi với phóng viên, ông Lò Văn Thoạn, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Chương trình 135 giai đoạn 2011 – 2015 góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo (trung bình hàng năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,4%). Cách làm hay của chương trình ở giai đoạn này là không áp đặt mà để người dân tự đề xuất hỗ trợ, tự chọn các chương trình hỗ trợ, giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với gia đình. Tiêu chí của Chương trình trong giai đoạn này cũng được nâng cao hơn, gần với các tiêu chí Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để các xã và thôn bản đặc biệt khó khăn phấn đấu ra khỏi danh sách đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, giai đoạn 2011 – 2015 toàn tỉnh mới có 3/101 xã và 1/22 thôn, bản hoàn thành mục tiêu của chương trình. Kết quả này phần nào còn hạn chế do nguồn lực đầu tư cho các chương trình, dự án chưa đáp ứng được so với yêu cầu, một số dự án đầu tư dàn trải, hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, năng lực làm chủ đầu tư các chương trình, dự án giảm nghèo của cấp xã còn hạn chế, đến hết năm 2015 mới có 90/101 xã là chủ đầu tư dự án hỗ trợ sản xuất, 4/101 xã làm chủ đầu tư dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và chưa có xã nào làm chủ dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao...

Để phát huy những kết quả đạt được, trong giai đoạn tiếp theo 2016 - 2020, Ban chỉ đạo chương trình giảm nghèo tỉnh kiến nghị, đề xuất cần tích hợp các chính sách đơn lẻ vào các hợp phần, các hoạt động trong chương trình giảm nghèo. Điều chỉnh các chính sách giảm nghèo theo hướng không ban hành các chính sách hỗ trợ sinh kế bình quân, dàn trải mà chỉ hỗ trợ thông qua các mô hình sinh kế hộ nghèo do cấp xã làm chủ đầu tư. Xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ về quản lý hộ nghèo để giảm bớt các thủ tục hành chính, đảm bảo triển khai các chính sách hỗ trợ người nghèo kịp thời, tránh bỏ sót, trùng lặp. Đồng thời, phân định lại các xã, thôn đặc biệt khó khăn sau khi ra khỏi Chương trình 135 vào các khu vực theo trình độ phát triển để có những chương trình, chính sách tiếp tục đầu tư phù hợp, tạo điều kiện để các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh phát triển.

Bài, ảnh: Phong Vân
Bình luận
Back To Top