Tín dụng cho học sinh, sinh viên:

Ngân hàng lo một, sinh viên lo mười

14:21 - Thứ Sáu, 23/09/2016 Lượt xem: 2979 In bài viết
ĐBP - Nhiều năm qua, chương trình tín dụng cho học sinh, sinh viên (HSSV) nghèo vay vốn học tập trở thành chiếc phao “cứu hộ”, giúp hàng ngàn sinh viên có cơ hội tiếp tục được học tập. Tuy nhiên, hiện nay việc thu hồi vốn (cả gốc lẫn lãi) của chương trình gặp nhiều khó khăn, thậm chí có nguy cơ trở thành khoản nợ khó đòi, nợ xấu, mà nguyên nhân chính là do HSSV ra trường nhưng chưa xin được việc làm.

Để HSSV nghèo được tiếp bước đến trường, từ năm 2007, Chính phủ có quyết định về tín dụng ưu đãi đối với HSSV. Theo đó, mỗi HSSV có thể vay đến 1,25 triệu đồng/tháng, với lãi suất là 0,55%/tháng. Thời gian ân hạn trả nợ là 12 tháng tính từ khi người vay hoàn thành xong chương trình học tập. Có thể khẳng định, với những HSSV nghèo, chương trình này được xem như chiếc “phao”, đặc biệt là những gia đình hộ nghèo ở vùng sâu vùng xa, khu vực biên giới. Sau hơn 9 năm thực hiện, chương trình tín dụng HSSV đã thực sự đi vào cuộc sống, người dân thấy được sự quan tâm hơn nữa của Nhà nước đối với con em mình từ việc đơn giản hóa thủ tục cho vay, nâng dần số tiền cho vay của mỗi năm học theo biến động thị trường, lãi suất cho vay thấp, kéo dài thời gian ân hạn trả nợ… Nhờ vậy, nhiều gia đình nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội tiếp cận nguồn hỗ trợ tài chính ưu đãi để trang trải chi phí cho việc học tập của con em mình.

 

Cán bộ xã Na Tông, huyện Điện Biên phổ biến hình thức vay vốn ưu đãi học sinh, sinh viên đến người dân.

Thống kê của Ngân hàng Chính sách - Xã hội tỉnh, từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh có 1.511 HSSV được vay vốn với tổng số tiền lên đến trên 112 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi ra trường, đa số sinh viên đều gặp khó khăn trong vấn đề trả nợ ngân hàng. Nguyên nhân do không tìm được việc làm hoặc có tìm được thì thu nhập cũng không cao, công việc không ổn định, dẫn đến việc thu hồi nợ chậm. Tuy nhiên, nếu tính từ khi có quyết định của Chính phủ về tín dụng cho HSSV, đến nay có 4.973 HSSV còn dư nợ, với tổng số tiền lên đến gần 82 tỷ đồng, song 8 tháng đầu năm 2016 mới thu được 366 triệu đồng. Trong đó, Tuần Giáo là huyện có nhiều hộ được vay vốn ưu đãi HSSV nhất trên địa bàn tỉnh. Theo ông Nguyễn Ngọc Long, Giám đốc Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện Tuần Giáo, tính đến thời điểm này số HSSV vay là 1.427 em, với tổng dư nợ gần 34 tỷ đồng. Để tìm hiểu thực tế, chúng tôi đã cùng cán bộ Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện xuống thu ngân tại một số địa bàn. Tại xã Quài Tở, huyện Tuần Giáo, nơi có số dư nợ nhiều nhất trong huyện, với trên 10 tỷ đồng cho hơn 600 hộ gia đình vay vốn ưu đãi HSSV. Hiện nay xã có gần 1.000 sinh viên đang theo học và đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp. Tuy nhiên, trên 90% ra trường không xin được việc làm. Em Lò Văn Lanh, bản Món, xã Quài Tở là một trong những sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh, tốt nghiệp năm 2012, nhưng đến nay vẫn chưa xin được việc làm. Số tiền vay Ngân hàng Chính sách – Xã hội huyện sau 3 năm học là 20 triệu đồng đã đến hạn phải trả nhưng gia đình em vẫn chưa biết phải xoay xở thế nào. Hoàn cảnh của gia đình Lanh rất khó khăn, 10 nhân khẩu, kinh tế chỉ trông vào gần 2.000m2 ruộng. Để lo cho Lanh ăn học, ngoài khoản nợ ngân hàng 20 triệu đồng, gia đình em còn phải vay mượn thêm hàng chục triệu đồng của anh em, làng xóm. Những khoản nợ đó đang là gánh nặng lớn đối với gia đình em. Tâm sự với chúng tôi, Lanh lo lắng: “Em cố gắng, nỗ lực học tập để có thể thoát khỏi cảnh nghèo nhưng sau mấy năm ăn học em để lại cho gia đình một khoản nợ ngân hàng khiến gia cảnh càng thêm khó khăn. Mong muốn lớn nhất của em lúc này là ngân hàng có thể gia hạn nợ cho gia đình đến khi em tìm được việc làm ổn định”.

Không chỉ riêng huyện Tuần Giáo, hầu hết các địa phương khác tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp nhưng chưa xin được việc làm khá cao. Điển hình là huyện Nậm Pồ, Điện Biên Đông và Mường Ảng...  Xã Xuân Lao, huyện Mường Ảng có trên 30 hộ gia đình vay vốn cho con em đi học, trong đó có trên 80% số hộ chưa trả được nợ, con em của họ cũng chưa xin được việc làm.

Bà Nguyễn Thị Thủy, Trưởng phòng Kế hoạch – Nghiệp vụ (Ngân hàng Chính sách - Xã hội tỉnh) cho rằng, phần đa hộ nghèo vay tiền cho con ăn học đã đến kỳ trả nợ nhưng do tỷ lệ chưa có việc làm cao nên nguồn vốn chưa thu hồi được nhiều. Một nguyên nhân nữa là do thời gian gia hạn trả nợ còn ngắn. Theo quy định, khi sinh viên ra trường chưa có việc làm thì cho gia hạn thêm thời hạn trả nợ. Như đối với sinh viên học hệ đại học 5 năm, thời gian trả nợ là 5 năm, thời gian gia hạn nợ được lâu hơn là 2,5 năm. Tuy nhiên đối với các sinh viên học cao đẳng hay trung cấp thời gian học chỉ 3 năm hoặc 2 năm nhưng thời gian gia hạn nợ có 1 năm, có khi là 6 tháng… Cho nên nhiều sinh viên ra trường hiện nay đã hết thời gian gia hạn mà không trả được nợ nên chuyển thành nợ quá hạn. Khi chuyển thành nợ quá hạn thì lãi suất tăng đến 130%.

Để việc thu hồi vốn HSSV đạt hiệu quả cao, góp phần tạo nguồn cho vay kế tiếp, Ngân hàng Chính sách - Xã hội tỉnh đã chỉ đạo các phòng giao dịch địa phương triển khai tốt công tác cho vay và thu hồi vốn khi đến hạn. Đặc biệt, luôn coi trọng công tác tuyên truyền ngay tại điểm giao dịch, công khai thông tin về khách hàng, thường xuyên thông báo cho người dân biết trước thời hạn các khoản nợ phải trả để kịp thời chuẩn bị và trả nợ đúng hạn. Đồng thời kết hợp chỉ đạo các tổ chức ủy thác vay vốn phải tăng cường tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức tự giác của những gia đình vay vốn, để họ chấp hành nghiêm túc quy định trả nợ.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top