Chỉ vì nhẹ dạ cả tin

14:37 - Thứ Sáu, 23/09/2016 Lượt xem: 4082 In bài viết
ĐBP - Có dịp công tác ở các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, cách xa trung tâm huyện Mường Chà, chúng tôi được nghe những câu chuyện buồn về các bé gái còn ở tuổi vị thành niên. Vì nhiều nguyên nhân, có nhiều em đã vô tình trở thành nạn nhân của các đối tượng tội phạm mua bán người. Trong số đó, nhiều em đã may mắn được giải cứu trở về với gia đình nhưng vẫn có em còn bặt vô âm tín. Những giọt nước mắt đã rơi cùng nỗi buồn nặng trĩu và ký ức về khoảng thời gian nơi xứ người thật khó có thể xóa nhòa.

 

Dù đã làm mẹ nhưng cô bé Hồ Thị Dung vẫn mơ ước được đến trường.

Mặc dù luôn được bố mẹ dặn dò phải cẩn thận khi đi một mình và không tin người lạ nhưng em Hồ Thị Dung, sinh năm 2002, bản Háng Lìa, xã Sa Lông vẫn mất tích vào một ngày. Ngay khi phát hiện con mất tích, ông Hồ A Dia (bố của Dung) liền báo cho lực lượng chức năng, đồng thời đi xe lên cửa khẩu Ma Lù Thàng (Lai Châu) tìm con nhưng không có kết quả. Trong lúc vợ chồng ông không còn hy vọng thì tháng 4/2016, Dung được giải cứu trở về với cái thai đã 7 tháng. Sau gần nửa năm được đoàn tụ với gia đình, ánh mắt Dung vẫn còn thất thần bởi quãng thời gian lưu lạc nơi xứ người. Dung kể lại rằng, một người con trai lạ gọi điện, xưng là người quen của bạn thân em. Anh ta đến đón và nói đưa em đến nơi người bạn đang chờ. Em lên xe của đối tượng, sau đó như bị thôi miên, không nhận thức được điều gì đang diễn ra, chỉ đến khi đã qua bên kia biên giới em mới tỉnh và biết mình bị bán sang Trung Quốc. “Qua bên kia biên giới, họ ép em làm vợ một người đàn ông Trung Quốc, luôn có người giám sát để em không có cơ hội bỏ trốn. Khi ấy, em rất nhớ nhà, cả ngày chỉ ngồi khóc” - Dung kể với đôi mắt đỏ hoe. Giờ đây, nhìn em - cô bé 14 tuổi, đang tuổi đến trường mà đã phải làm mẹ, ai cũng xót xa, thương cảm.

Câu chuyện của Dung không phải là hiếm, 3 năm trở lại đây, số vụ phụ nữ, trẻ em gái ở huyện Mường Chà bị bán hoặc nghi bị lừa bán sang Trung Quốc vẫn tăng và có dấu hiệu ngày càng phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Người dân còn chưa hết bàng hoàng về việc 1 đối tượng nữ thường trú tại xã Hừa Ngài móc nối với tội phạm ngoại biên, giả là nam giới tán tỉnh các cô gái người dân tộc nhẹ dạ cả tin rồi lừa bán họ cách đây chưa lâu, thì tháng 8 vừa qua, trên địa bàn xã Sa Lông lại xảy ra vụ việc với gia đình ông Chớ Chùng Giàng, bản Sa Lông II. Ông Giàng có cô con gái là Chớ Thị Sài, 16 tuổi; không biết được ai giới thiệu, mai mối rồi một nhóm người nói là gia đình ở Hà Giang cùng con trai đến tận nhà ông hỏi cưới Sài. Họ chuyện trò thân mật rồi làm lễ cúng gà theo phong tục truyền thống của người dân tộc Mông. Thấy có cả người lớn lặn lội đường xa đến tận nơi nói chuyện đàng hoàng, làm thủ tục đầy đủ nên gia đình ông Giàng không mảy may nghi ngờ. Sau khi làm xong lễ ở nhà gái, coi như Sài và chàng trai kia đã nên vợ chồng, 4 người trong gia đình ông Giàng (gồm có các bác, cô, anh trai Sài) cùng đưa Sài về nhà chồng. Lên đến Hà Giang không lâu, họ phát hiện nhà trai có ý định đưa cả 5 người nhà mình qua biên giới bán, liền trốn ra ngoài báo cho công an khu vực và trở về nhà. Chưa hoàn hồn sau sự việc, Chớ Thị Sài chỉ biết tự trấn an: Cả gia đình đều đã an toàn, vậy là may rồi. Từ nay trở đi, em sẽ không quen, không tin người lạ nữa.

Trò chuyện với chúng tôi, trưởng bản Sa Lông II, Hồ A Cáng nói đùa: “Bây giờ đàn ông người Mông không dám mắng chửi vợ đâu. Chúng tôi sợ vợ giận dỗi bỏ đi, nghe người lạ mà sang biên giới”. Biết rằng đó chỉ là lời nói đùa nhưng thực tế đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra sự việc. Bởi trong lúc giận dỗi vì bị chồng mắng, có trường hợp chị em đã nhẹ dạ tin theo lời dụ dỗ của những kẻ buôn người rằng, sang Trung Quốc sẽ có cuộc sống mới sung sướng, không phải lo nghĩ chuyện đã qua, để rồi trở thành “món hàng” cho chúng trao đổi. Chỉ bằng những hứa hẹn suông như vậy mà các đối tượng đã lừa được nạn nhân cũng bởi nhận thức của chị em nói riêng, đồng bào vùng cao nói chung còn thấp, ít va chạm ngoài xã hội, chưa lường trước được những chuyện có thể xảy ra. Đây là một trong những điều gây cản trở cho các lực lượng trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán người.

“Nhưng khó khăn lớn hơn cả đối với lực lượng chức năng là tội phạm mua bán người thường hoạt động theo đường dây khép kín, có sự phân vai, câu kết liên tỉnh, xuyên quốc gia. Các đối tượng thường lợi dụng các trục đường chính, nhiều phương tiện qua lại, khó kiểm soát người ra vào để đưa nạn nhân từ Mường Chà qua bên kia cửa khẩu Ma Lù Thàng hoặc Lào Cai trót lọt” - Thượng úy Trần Đình Trưởng, Đội Hình sự Công an huyện Mường Chà, kể lại quá trình điều tra chuyên án 416M cuối tháng 4/2016. Đường dây buôn bán người này gồm 4 đối tượng. Con “át chủ bài” là Sùng Thị Dợ, bản Hát Tre, xã Hừa Ngài, chuyên đóng giả nam giới tán tỉnh, rủ các cô gái đi chơi rồi lừa bán. Từ tháng 1-4/2016, Dợ cùng đồng bọn đã gây ra 4 vụ, bán 6 nạn nhân thuộc các huyện: Mường Chà (2 vụ), Tủa Chùa, Điện Biên Đông sang Trung Quốc. Đến vụ thứ 4, chúng mới bị bắt giữ, 2 nạn nhân tại bản Huổi Xuân, xã Na Sang, huyện Mường Chà được giải cứu. Theo phân vai, Dợ giả vờ yêu đương rồi đưa các cô gái lên khu vực TX. Mường Lay hoặc địa bàn đông dân cư trên các trục đường lớn, tại đây đồng phạm của Dợ sẽ đón nạn nhân, đưa lên cửa khẩu Ma Lù Thàng, nơi có Giàng Thị Sua (người xã Ma Thì Hồ đã lấy chồng Trung Quốc) chờ sẵn để đưa nạn nhân vào sâu nội địa Trung Quốc bán cho các điểm mại dâm hoặc đàn ông lấy về làm vợ.

Tính cả vụ án trên, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng huyện Mường Chà đã đấu tranh thành công 2 chuyên án, triệt xóa 2 đường dây mua bán người; bắt, khởi tố 6 đối tượng; giải cứu 5 nạn nhân. Theo thống kê, đến nay, trên địa bàn huyện vẫn còn 128 phụ nữ vắng mặt lâu ngày, không có thông tin; trong đó 26 trường hợp có căn cứ xác định là nạn nhân mua bán người. Để không có thêm những câu chuyện buồn như của Dung hay Sài, những cô bé vẫn ở độ tuổi ăn học không phải rơi nước mắt với mặc cảm và tương lai mịt mù phía trước thì rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, chính quyền cơ sở và cả cộng đồng trong đấu tranh, phòng trừ, tố giác tội phạm mua bán người. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền nhận biết thủ đoạn, phòng, chống tội phạm mua bán người cũng cần được thực hiện hiệu quả hơn nữa để nâng cao nhận thức cho nhân dân, giữ bình yên cho các bản làng.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top