Hỗ trợ gạo cứu đói đứt bữa ở Tuần Giáo

08:32 - Thứ Hai, 26/09/2016 Lượt xem: 3452 In bài viết
ĐBP - Cấp gạo cứu đói là hoạt động nhằm kịp thời hỗ trợ cho các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ bị thiên tai, đối tượng bảo trợ xã hội… tại các địa phương trong cả nước vơi bớt khó khăn trong mùa giáp hạt. Việc phân bổ gạo cứu đói nhằm giải quyết khó khăn trước mắt, tạo điều kiện để người dân vươn lên phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Huyện Tuần Giáo là một trong số những địa phương đã và đang thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ gạo cứu đói cho người dân.

 

Người dân tộc Kháng, bản Nà Đắng, xã Ta Ma, huyện Tuần Giáo nhận gạo cứu đói của Nhà nước hỗ trợ. Ảnh: Bảo Khánh

Chúng tôi có buổi làm việc với ông Hoàng Trung, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) huyện Tuần Giáo về chính sách hỗ trợ gạo cứu đói cho người dân trên địa bàn. Ông Trung, cho biết: Định kỳ hàng năm, Phòng đều yêu cầu các xã, thị trấn tăng cường tổ chức các đoàn kiểm tra, rà soát để lập danh sách hỗ trợ gạo nhằm xác định đúng đối tượng; ưu tiên đặc biệt đến các hộ thuộc diện chính sách, người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội… với tinh thần không để hộ gia đình nào phải đứt bữa trong mùa giáp hạt. Căn cứ vào danh sách đó, Phòng rà soát lại theo danh sách hộ nghèo, xác định các hộ có khả năng thiếu đói cao nhất để tránh bỏ sót hoặc hỗ trợ nhầm đối tượng. Đồng thời, Phòng phối hợp, tiếp nhận gạo từ Cục Dự trữ Nhà nước khu vực miền Bắc chuyển lên tại trung tâm huyện; xây dựng kế hoạch cấp phát gạo kịp thời cho nhân dân trên địa bàn; sử dụng nguồn kinh phí đảm bảo để thực hiện bốc xếp và vận chuyển gạo từ trung tâm huyện đến các xã, thị trấn cấp phát cho dân. Việc cấp phát gạo cứu trợ được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, giám sát, qua đó bảo đảm quyền lợi của các hộ được thụ hưởng. Trong đợt giáp hạt năm 2016, Phòng LĐTB&XH huyện Tuần Giáo đã phân bổ hơn 250 tấn gạo cứu đói cho 3.272 hộ, 16.575 nhân khẩu của các xã trên địa bàn. Nhận được gạo hỗ trợ nhiều nhất là các xã: Mường Mùn, Ta Ma, Rạng Đông… Do ảnh hưởng của thiên tai nên một số xã vùng thấp (Quài Cang, Quài Nưa, Chiềng Sinh…) cũng nhận được nhiều gạo hỗ trợ hơn mọi năm.

Quy trình triển khai là vậy nhưng trong thực tế lại xuất hiện trường hợp nhận hỗ trợ gạo cứu đói rồi đem bán lấy tiền sử dụng vào mục đích khác, rồi trở lại tình trạng bữa no, bữa đói. Việc này Phòng LĐTB&XH huyện và chính quyền cơ sở biết, nhưng khó kiểm soát. Vấn đề đặt ra là đã hỗ trợ đúng địa chỉ, đúng đối tượng nhưng phải làm sao để người được hỗ trợ sử dụng đúng mục đích của chính sách. Trả lời về vấn đề này, ông Hoàng Trung, cho biết thêm: Để việc hỗ trợ gạo cứu đói thực sự hiệu quả, mang lại ý nghĩa thiết thực đúng như chính sách đã đề ra thì cách hỗ trợ cũng phải phù hợp với điều kiện thực tế. Đầu tiên, phải lựa chọn thời điểm hỗ trợ cho phù hợp. Nếu hỗ trợ gạo cứu đói ngay sau dịp tết nguyên đán thì người dân vẫn còn gạo hỗ trợ ăn tết, dẫn đến tình trạng thừa gạo ăn, việc bà con “chuyển đổi mục đích sử dụng” gạo mới được hỗ trợ là điều khó tránh khỏi. Nếu hỗ trợ trùng với dịp Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện hỗ trợ gạo cho học sinh cũng sẽ dẫn đến tình trạng tương tự. Mỗi nhà trung bình 6 nhân khẩu đã được hỗ trợ gần 1 tạ gạo, cộng thêm 20 - 30kg gạo của ngành Giáo dục và Đào tạo cấp là một con số không hề nhỏ. Trong khi, thời gian đói đứt bữa chỉ từ 1 - 1,5 tháng, người dân không thể sử dụng hết số gạo đó sẽ nghĩ ngay đến việc sử dụng vào mục đích khác. Như vậy, ý nghĩa của việc cứu đói đứt bữa hầu như không còn, thay vào đó đơn thuần chỉ là cung cấp thêm lương thực cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Xác định được điều đó, Phòng LĐTB&XH huyện Tuần Giáo chọn hỗ trợ gạo vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 - thời điểm “đói” nhất trong năm, bởi đến đầu tháng 5 mới vào vụ thu hoạch. Với cách làm đó đã hạn chế đến mức thấp nhất việc người dân sử dụng gạo hỗ trợ sai mục đích. Ngoài ra, cán bộ Phòng LĐTB&XH còn tích cực xuống cơ sở kiểm tra việc cấp phát và sử dụng gạo của người dân. Đích thân ông Trung đã nhiều lần cùng anh em trong đơn vị trực tiếp kiểm tra việc cấp gạo tại cơ sở và “mục sở thị” bữa cơm nấu bằng gạo cứu đói của người dân. Do là gạo dự trữ nên chất lượng khó có thể so sánh được với các loại gạo của địa phương. Nhưng trong hoàn cảnh khó khăn, “một miếng khi đói” còn có ý nghĩa hơn nhiều lần lúc đủ đầy.

Dù chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng người dân sử dụng gạo hỗ trợ không đúng mục đích, nhưng cách hỗ trợ phù hợp với thực tế tại huyện Tuần Giáo đã góp phần không nhỏ vào việc giải quyết khó khăn trước mắt cho người dân, giúp họ yên tâm lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo.

Hải Phong
Bình luận
Back To Top